Bệnh nhân tiểu đường được cung cấp đủ vitamin D rất tốt cho sức khỏe và làm chậm biến chứng tim mạch. Bổ sung nguồn vitamin D bằng việc phơi nắng, ăn các thức ăn chứa nhiều vitamin D như cá, thịt, trứng.
Theo một nghiên cứu mới đây tại Đại học Y khoa Washington ở St Louis - Mỹ, bệnh nhân tiểu đường không được cung cấp đầy đủ vitamin D có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim và đột quỵ.
Kết quả nghiên cứu cho thấy khi thiếu vitamin D, các tế bào đại thực bào (một loại tế bào bạch cầu giúp chống lại nhiễm trùng và khởi động đáp ứng miễn dịch của cơ thể) ở bệnh nhân tiểu đường typ2 sẽ dễ bị bám dính vào các mạch máu, làm tăng hấp thụ LDL-c dư thừa, biến chúng thành tế bào bọt, gây ra mảng bám tích tụ trong lòng động mạch, gây xơ vữa, chít hẹp mạch máu. Tình trạng này xảy ra ở các mạch máu nuôi tim sẽ làm tăng nguy cơ dẫn đến một cơn đau tim hoặc đột quỵ.
Theo tiến sĩ Bernal Mizrachi - Đại học Y khoa Washington, những người có tiểu đường typ2, đặc biệt là phụ nữ, rất có khả năng thiếu hụt vitamin D: 30% phụ nữ bị tiểu đường typ2 có mức vitamin D không đủ so với phụ nữ cùng độ tuổi không bị tiểu đường. Tại một nghiên cứu khác được tiến hành bởi các nhà khoa học đến từ Đại học Calgary (Canada) cho thấy, phụ nữ mang thai có nồng độ vitamin D thấp cũng có nhiều khả năng mắc bệnh tiểu đường thai kỳ (bệnh tiểu đường trong thời gian mang thai) và tiền sản giật (huyết áp cao và protein dư thừa trong nước tiểu). Họ cũng có nhiều nguy cơ sinh trẻ thiếu cân. Vì vậy cần bổ sung vitamin D đầy đủ để giảm thiểu những rủi ro trên.
Nhiều nghiên cứu khác chỉ ra rằng, sự thiếu hụt vitamin D cũng có liên quan đến việc tăng đường huyết, kháng insulin và tăng huyết áp. Việc bổ sung Vitamin D đầy đủ mỗi ngày giúp cải thiện chức năng tế bào β tiết Insulin, giúp giảm nồng độ Glucose máu nên có tác dụng hạn chế sự phát triển của bệnh tiểu đường typ2.
Tăng cường vitamin D giúp làm chậm biến chứng tim mạch
Thiếu hụt vitamin D có thể xảy ra khi người bệnh không có một chế độ ăn uống đầy đủ, hoặc không nhận được đủ ánh sáng mặt trời.
Trong chế độ ăn uống hàng ngày, việc sử dụng sữa và các thực phẩm tăng cường khác như: trứng, cá, thịt và chất béo động vật, ngũ cốc ăn sáng là các nguồn phổ biến nhất cung cấp vitamin D. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể bổ sung vitamin D với mức được đề nghị là:
- 50 tuổi = 5 mcg hoặc 200 IU
- Từ 51-70 tuổi = 10 mcg hoặc 400 IU
- Từ 71 tuổi trở nên = 15 mcg hoặc 600 IU
Ánh sáng mặt trời cũng rất cần thiết, nó là nguồn cung cấp vitamin D lớn nhất đối với con người, bởi tia cực tím có thể kích thích da sản sinh lượng vitamin D thoả mãn nhu cầu của cơ thể. Vì vậy, người bệnh tiểu đường nên có một chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để cung cấp đủ Vitamin D giúp tăng cường sức khỏe và hạn chế nguy cơ gặp phải biến chứng tim mạch.
Trích nguồn: http://www.americandiabetes.com