Hỏi đáp với chuyên gia

Câu hỏi chuyên gia

  • Icon

    Tiểu đường thai kỳ có nguy cơ mắc phải không?

    Tôi nghe nói tiểu đường là bệnh mãn tính, không thể chữa khỏi. Nhưng không hiểu sao lúc mang thai bé thứ nhất tôi bị tiểu đường, mà sau khi sinh xong thì tôi lại khỏi bệnh. Cho tôi hỏi sau này tôi có nguy cơ mắc lại bệnh tiểu đường nữa không?
    Icon
    Chào bạn,
    Đái tháo đường trong lúc mang thai gọi là đái tháo đường thai kỳ. Đây là tình trạng rối loạn chuyển hóa đường huyết xuất hiện trong lúc mang thai, bệnh có thể tự khỏi sau khi sinh. Tuy nhiên, theo thống kê cho thấy có đến 50% thai phụ sau đó sẽ phát triển thành bệnh tiểu đường typ 2; hoặc trong những lần mang thai sau sẽ dễ bị tiểu đường trở lại, càng về sau sự rối loạn càng nặng hơn. Đái tháo đường thai kỳ dễ đưa đến những biến chứng huyết áp cao, đa ối, tỷ lệ mổ lấy thai cao. Về phía bé, thường gây con to > 4kg khiến sinh sinh khó, nhiều sang chấn.
    Vì vậy, bạn nên kiểm tra sức khỏe định kì 6 tháng/ 1 lần, thường xuyên vận động, luyện tập thể dục 30 phút/ ngày, không nên ăn quá nhiều tinh bột, chất béo, chất đường để giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
    Chúc bạn sức khỏe!
  • Icon

    Ăn thực phẩm nhiều chất xơ tốt cho người mắc bệnh tiểu đường?

    Tôi nghe nói ăn thực phẩm nhiều chất xơ giúp giảm cholesterol máu và ổn định đường huyết, rất tốt cho những người mắc bệnh tiểu đường, như vậy có đúng không?
    Icon
    Chào bạn,
    Ăn thực phẩm nhiều chất xơ rất tốt cho sức khỏe đặc biệt là đối với những bệnh nhân bị tiểu đường. Có hai loại chất xơ là chất xơ không hòa tan (có nhiều trong các loại rau xanh, quả, măng...) và chất xơ hòa tan (có nhiều trong vỏ cám của hạt gạo, hạt đại mạch, ngô, hạt lạc, các loại đậu, cùi trắng của quả bưởi, cam, vỏ táo, vỏ nho...).
    Đối với việc giảm cholesterol máu, khi chất xơ không hòa tan hút nước chúng sẽ giữ luôn một phần muối mật, nên kích thích cơ thể tăng cường sản xuất muối mật để bù vào lượng thiếu hụt, vì thế mà tăng sử dụng cholesterol. Lượng cholesterol tích lũy sẽ giảm đi kéo theo lượng cholesterol trong máu cũng giảm. Còn các chất xơ hòa tan tác động lên quá trình chuyển hóa lipid nên giảm nguy cơ xơ vữa động mạch. Các chuyên gia khuyên rằng những người bị tăng cholesterol máu nên tăng lượng chất xơ trong khẩu phần hằng ngày.
    Đối với việc ổn định đường huyết, chất xơ có tác dụng làm hạn chế tăng đường huyết sau khi ăn, nhất là các chất xơ hòa tan do có khả năng tăng tính nhạy cảm của insulin. Đồng thời, nó tham gia chuyển hóa triglycerid nên giúp kiểm soát nồng độ đường trong máu một cách hiệu quả. Đường sẽ được giải phóng từ từ vào máu, từ đó duy trì được nồng độ đường máu một cách ổn định.
    Thân!

  • Icon

    Xuất hiện nốt vàng trên cánh tay, lưng và mông có phải do bệnh tiểu đường?

    Con trai tôi năm nay 18 tuổi, bị tiểu đường typ1. Gần đây trên cánh tay, lưng và mông của cháu xuất hiện những nốt vàng kích thước bằng hạt đậu. Cho tôi hỏi, hiện tượng này có phải là do bệnh tiểu đường gây ra không?
    Icon
    Chào chị,
    U vàng phát ban là một trong những vấn đề về da mà bệnh nhân tiểu đường có thể gặp phải. Đây là một tình trạng da xuất hiện những nốt có màu vàng, kích thước bằng hạt đậu, thường xuất hiện ở tay, chân, và mông của nam giới trẻ mắc bệnh tiểu đường typ1, kiểm soát đường huyết kém, nồng độ cholesterol và triglycerid máu cao. Khi lượng đường huyết và triglycerid máu ở mức kiểm soát, các nốt vàng sẽ biến mất.
    Chúc chị và cháu sức khỏe!

  • Icon

    Tiểu đường có gây khô âm đạo và giảm ham muốn ở nữ không?

    Tôi mắc bệnh tiểu đường và bị khô âm đạo khi giao hợp. Cho tôi hỏi có phải tiểu đường là nguyên nhân gây ra tình trạng này và làm giảm ham muốn tình dục không? Có cách nào để cải thiện tình hình không?
    Icon
    Chào bạn!
    Đúng vậy, bệnh tiểu đường làm tổn thương các mạch máu trong cơ thể, bao gồm cả mạch máu tới nuôi dưỡng các cơ quan sinh dục, vì thế có thể làm giảm khả năng tiết dịch nhờn âm đạo, giảm ham muốn và đáp ứng tình dục.
    Cách tốt nhất bạn có thể làm để cải thiện chức năng tình dục là kiểm soát tốt bệnh tiểu đường bằng cách quản lý tốt nồng độ đường huyết. Bạn cũng có thể sử dụng các dạng kem bôi trơn để hạn chế tình trạng khô âm đạo và dành nhiều thời gian hơn cho “khúc dạo đầu”.
    Bên cạnh đó hãy nói chuyện với bạn tình về những lo lắng cũng như những mong muốn của bạn. Mặc dù tiểu đường thực sự có thể gây ra một số vấn đề về khả năng tình dục song nó không thể cản trở bạn có một đời sống tình dục lành mạnh và trọn vẹn.
    Chúc bạn sức khỏe!
  • Icon

    Bệnh tiểu đường có thuốc chữa khỏi hằn bệnh không?

    Tôi nghe một số người quảng cáo thuốc chữa khỏi hẳn bệnh tiểu đường, mà theo tôi biết hình như bệnh này chưa có thuốc chữa khỏi hẳn, xin cho biết giùm sự thật như thế nào?
    Icon
    Chào bạn!
    Tiểu đường là một bệnh mãn tính và không thể chữa khỏi. Cho tới nay không có loại thuốc nào có thể chữa khỏi hẳn bệnh tiểu đường. Mục tiêu điều trị chính trong bệnh tiểu đường là kiểm soát tốt đường huyết (thông qua chế độ ăn uống, luyện tập và dùng thuốc) và kiểm soát tốt biến chứng (bằng cách kiểm soát tốt đường huyết; kiểm soát tốt các bệnh cơ hội như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu… phát hiện sớm và điều trị tích cực khi biến chứng xảy ra). Vì vậy khi lựa chọn sử dụng, bạn nên lưu ý đến những sản phẩm đáp ứng được cả 2 mục tiêu điều trị này.
    Chúc bạn sức khỏe!
  • Icon

    Đái tháo đường khi mang thai, ăn uống sao cho hợp lý?

    Bệnh nhân đái tháo đường phải kiêng khem rất kĩ lưỡng, nhưng tôi đang mang thai, nếu ăn uống thiếu chất sẽ ảnh hưởng đến thai nhi, tôi phải làm sao?
    Icon
    Chào bạn!
    Bạn đang mang thai nên vẫn giữ chế độ ăn như các phụ nữ đang mang thai khác nhưng cần chú ý thêm các điểm như sau:
    - Chia nhỏ bữa ăn trong ngày (5-6 bữa/ngày).
    - Sử dụng các loại sữa chuyên biệt cho bệnh nhân đái tháo đường thay cho những sữa bà bầu khác.
    - Ăn nhiều rau xanh.
    - Sử dụng gạo sát rối, bánh mỳ đen, giảm ăn thịt, tăng ăn cá, sử dụng dầu thực vật thay cho mỡ động vật, bơ; nên dùng vừng lạc.
    - Có thể sử dụng đường isomalt thay cho đường kính hoặc các sản phẩm chế biến có đường này (bánh bông lan, bột dinh dưỡng, bánh quy...) trong các bữa ăn phụ.
    - Nên uống viên đa vi chất dinh dưỡng chuyên dùng cho bà bầu đầy đủ.
    Với chế độ ăn như trên, vẫn đảm bảo cả bạn và thai nhi khỏe mạnh.
    Chúc bạn sức khỏe!
  • Icon

    Biến chứng của bệnh tiểu đường có nguy hiểm?

    Cách đây vài ngày, tôi đi khám sức khỏe định kì thì tình cờ phát hiện bị tiểu đường typ 2, hiện nay đường huyết là 9,5mmol/l, chưa có biểu hiện của biến chứng. Cho tôi hỏi những biến chứng về lâu dài của tiểu đường mà tôi có thể gặp phải là gì?
    Icon
    Ở người bệnh tiểu đường, lượng đường trong máu tăng cao kéo dài làm quá trình oxy hóa diễn ra mạnh mẽ, gây hủy hoại các mạch máu, khiến các mạch máu bị chít hẹp, dòng máu lưu thông đến nuôi dưỡng các cơ quan kém, kết quả là các cơ quan bị tổn thương, gây nên biến chứng.
    Những biến chứng mạn tính người bệnh tiểu đường hay gặp đó là: biến chứng trên tim (nhồi máu cơ tim), trên não (tai biến mạch máu não), biến chứng trên mắt (bệnh võng mạc, đục thủy tinh thể, mù lòa), trên thận (suy thận), biến chứng thần kinh ngoại vi (gây tê bì, châm chích, bỏng rát hoặc mất cảm giác trên da, có thể dẫn đến hoại tử và cắt cụt chi), biến chứng thần kinh tự chủ (gây khó nuốt, nuốt nghẹn, rối loạn đại tiểu tiện,…). Ngoài ra, còn có các biến chứng khác như rối loạn cương, ngứa da, nhiễm nấm, co cơ cứng khớp, viêm lợi, rụng răng….
    Các biến chứng mạn tính của tiểu đường xảy ra sớm hay muộn, nặng hay nhẹ rất khác biệt ở từng bệnh nhân. Nhưng nhìn chung, nếu kiểm soát tốt đường huyết người bệnh có thể phòng ngừa hoặc làm chậm lại tiến trình sinh biến chứng của bệnh tiểu đường.
    Đường huyết của anh hiện tại khá cao, anh cần phải kiểm soát tốt bằng cách sử dụng theo đúng thuốc của bác sĩ đã kê đơn kết hợp chặt chẽ với chế độ ăn uống và tập thể dục hợp lí.

  • Icon

    Có bao nhiêu loại tiểu đường? Tiểu đường không phụ thuộc vào Isulin?

    Mẹ tôi năm nay 59 tuổi, nghi ngờ bị tiểu đường không phụ thuộc Insulin. Tôi muốn hỏi tiểu đường có bao nhiêu loại? Tiểu đường không phụ thuộc insulin là gì? Để xác định chắc chắn mẹ tôi có mắc bệnh hay không phải dựa vào những chỉ số gì? Cảm ơn bác sỹ.
    Icon
    Chị Thư thân mến!
    Bệnh tiểu đường được phân làm 4 loại chính: Đái tháo đường typ1, đái tháo đường typ2, tiểu đường thai nghén và các thể đặc biệt khác. Tiểu đường không phụ thuộc Insulin là tiểu đường typ2, do thiếu hụt insulin tương đối – có liên quan đến kháng insulin và rối loạn tiết inslin; thường gặp ở người lớn tuổi (> 40 tuổi), thể trạng béo; bệnh khởi phát từ từ; nồng độ insulin máu tăng hoặc bình thường; có thể điều trị bằng chế độ ăn, luyện tập thể dục và thuốc uống hạ đường huyết hoặc thuốc tiêm lnsulin.
    Để xác định chắc chắn có mắc bệnh hay không cần dựa trên những tiêu chuẩn chẩn đoán sau:
    -  HbA1c ≥ 6,5%
    -  Đường huyết lúc đói ≥ 126 mg/dL (7 mmol/L) sau một đêm nhịn đói ít nhất sau 8 giờ (≥ 2 lần thử)
    -  Đường huyết bất kỳ ≥ 200mg/dL (11,1mmol/L) + triệu chứng tăng đường huyết.
    -  Đường huyết 2 giờ sau uống 75g Glucose ≥ 200mg/dL (≥ 2 lần thử)
    Các xét nghiệm chẩn đoán đái tháo đường nên được lập lại để xác định chẩn đoán, trừ trường hợp đã quá rõ như có triệu chứng tăng đường huyết kinh điển.
    Trường hợp vẫn nghi ngờ có đái tháo đường nên lập lại xét nghiệm 3 - 6 tháng sau.
    Xem kinh nghiệm điều trị khô ngứa da, dày móng do biến chứng tiểu đường

    XEM CHIA SẺ BỆNH NHÂN CHỮA TIỂU ĐƯỜNG HIỆU QUẢ
    Chúc mẹ chị sức khỏe!