Bị đái tháo đường không được ăn đồ ngọt hay ăn quá nhiều đường là nguyên nhân gây ra tiểu đường là những quan niệm sai lầm trong điều trị bệnh ĐTĐ.
Đái tháo đường (ĐTĐ) là một căn bệnh mạn tính, mà cho tới nay y học vẫn chưa thể tìm ra phương thức nào để có thể chữa khỏi hoàn toàn. Việc kết hợp chặt chẽ giữa thuốc điều trị và chế độ ăn uống, sinh hoạt là điều cần thiết. Cái tên ĐTĐ thật dễ để hiểu rằng bệnh ĐTĐ là do có nhiều đường gây ra, cũng vì thế mà dẫn đến những quan niệm tương đối sai lầm về ăn uống, không chỉ với riêng bệnh nhân ĐTĐ mà với cả những người không bị ĐTĐ. Dưới đây là một số quan niệm chưa đúng đối với bệnh ĐTĐ mà bạn cần biết.
Bạn đừng bao giờ để vị ngọt đánh lừa mình. Đường trong máu tăng nhiều hay ít phụ thuộc vào khả năng chuyển hóa thức ăn thành glucose, gọi là chỉ số đường huyết. Chỉ số đường huyết của thức ăn càng cao thì càng làm đường trong máu tăng nhanh sau khi ăn và ngược lại, chỉ số đường huyết càng thấp thì đường trong máu sẽ không tăng nhiều sau khi ăn.
Thức ăn có chỉ số đường huyết càng cao làm tăng đường máu càng nhiều
Cho bạn một ví dụ để thấy sự khác biệt:
Gạo hương lài của Thái lan có chỉ số đường huyết rất cao 109, trong khi mật ong là 74, bạn thấy đó, dù gạo lài không ngọt bằng mật ong nhưng nó lại làm tăng đường huyết nhiều hơn cả mật ong đấy.
Những loại đường aspartam dành cho bệnh nhân ĐTĐ có vị ngọt như đường thông thường nhưng lại không hề làm tăng đường trong máu của bệnh nhân.
Như vậy, việc chọn thức ăn có chỉ số đường huyết thấp là rất quan trọng cho bệnh nhân ĐTĐ chứ không phải là vị ngọt của thức ăn đem lại.
Rất nhiều người nghĩ rằng: ăn quá nhiều đường hay thức ăn ngọt sẽ bị tiểu đường. Điều này không hoàn toàn đúng.
Bệnh ĐTĐ là do cơ thể không sử dụng được đường glucose để tạo năng lượng nên đường tăng cao trong máu, có thể bởi rất nhiều nguyên nhân như di truyền, ít hoạt động, béo phì,…
Đối với người khỏe mạnh, khi ăn thức ăn giàu tinh bột sẽ làm đường trong máu tăng cao sau ăn, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách tiết ra nhiều insulin để đưa đường Glucose từ máu vào tế bào và luôn giữ lượng đường trong máu ổn định. Khi insulin tiết ra không đủ hay tác dụng insulin bị giảm thì lượng đường trong máu mới tăng cao, gây ra bệnh ĐTĐ. Do vậy, đường không có tội tình gì cả.
Tuy nhiên, nếu bạn ăn quá nhiều đường, thức ăn ngọt sẽ rất dễ dàng bị thừa cân hay béo phì. Lúc này, dù insulin được tiết ra đủ nhưng tác dụng giảm đi do béo phì làm cho tế bào cơ thể “chai lì” với insulin. Đó là nguyên nhân làm cho đường Glucose trong máu không được chuyển thành năng lượng cho cơ thể, vì thế mà tăng cao trong máu.
Đường không phải nguyên nhân gây bệnh tiểu đường
Vậy bạn nên ăn uống như thế nào để phòng ngừa đái tháo đường?
Có cần chế độ ăn đặc biệt nào để phòng được bệnh đái tháo đường hay không?
Câu trả lời là: không có chế độ nào đặc biệt cả. Bạn cần chế độ ăn hợp lý và lành mạnh mà bất cứ ai cũng cần tuân thủ.
Chế độ ăn lành mạnh theo WHO (Tổ chức Y tế thế giới) bao gồm việc gia tăng lượng tiêu thụ rau xanh và các loại hoa quả, đậu, các dạng hạt và ngũ cốc. Đồng thời WHO cũng yêu cầu việc giới hạn khẩu phần ăn chứa nhiều chất béo, chuyển chất béo bão hòa sang chất béo không bão hòa và hạn chế việc dùng vô tội vạ đường đơn và đường đôi trong các thực phẩm chế biến sẵn hay các thực phẩm chứa đường cô đặc như mật ong, sirô và nước trái cây.
Nếu bạn có người thân bị ĐTĐ (cha, mẹ, anh chị em ruột) hay bản thân bị béo phì, ít vận động đồng nghĩa với việc bạn có nguy cơ cao bị ĐTĐ sau này. Bạn cần chế độ ăn ít chất béo, hạn chế thức ăn ngọt, thức ăn nhanh và quan trọng là cần tập thể dục tích cực nhằm giữ trọng lượng cơ thể ở mức lý tưởng-điều đó sẽ giúp bạn phòng ngừa bệnh ĐTĐ sau này.