Người bệnh tiểu đường cao tuổi nếu kiểm soát đường huyết quá chặt chẽ bằng thuốc điều trị, sẽ rất dễ gặp phải biến chứng hạ đường huyết cấp tính.
Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí JAMA Internal Medicine cho thấy, việc kiểm soát đường huyết quá chặt chẽ ở người lớn tuổi có bệnh tiểu đường có thể mang lại những hậu quả nguy hiểm như biến chứng hạ đường huyết.
Người tiểu bệnh tiểu đường cần lưu ý khi dùng thuốc hạ đường huyết
Nghiên cứu được thực hiện trên 1288 bệnh nhân tiểu đường ở độ tuổi từ 65 trở lên, thời gian theo dõi từ năm 2001 – 2010. Số bệnh nhân này được chia thành 3 nhóm dựa trên tình trạng sức khỏe của họ:
- Nhóm 1 chiếm 50%, có sức khỏe tương đối tốt.
- Nhóm 2 chiếm 28%, có sức khỏe bình thường và mắc kèm thêm các bệnh mạn tính khác.
- Nhóm 3 chiếm 21%, có sức khỏe kém, họ có thể gặp khó khăn trong các hoạt động thường ngày.
Kết quả nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, có đến 2/3 số bệnh nhân cao tuổi mắc bệnh tiểu đường đang thực hiện các biện pháp kiểm soát đường huyết với mục tiêu có HbA1c (chỉ số đánh giá mức đường huyết trung bình trong 2-3 tháng) dưới 7%. Họ sử dụng các thuốc hạ đường huyết như insulin và sulfonylureas, mà không biết rằng việc lạm dụng này có thể gây ra các tác dụng phụ như loạn nhịp tim, chóng mặt, thậm chí là hôn mê.
"Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc kiểm soát đường huyết quá chặt chẽ ở người bệnh tiểu đường lớn tuổi có thể gây ra nhiều hệ quả nguy hiểm, điển hình như biến chứng hạ đường huyết cấp tính. Hơn 50% số bệnh nhân này phụ thuộc quá nhiều vào thuốc để ổn định đường huyết, điều này mang lại lợi ích thì ít mà có hại thì nhiều”, tác giả nghiên cứu là tiến sĩ Kasia Lipska, khoa Nội tiết của trường Đại học Y khoa Yale cho biết.
Những người bị bệnh tiểu đường thường từ 65 tuổi trở lên. Ở độ tuổi này, sức khỏe của họ đã có phần giảm sút, nên các bác sĩ phải rất vất vả để vừa điều trị bệnh tiểu đường, vừa điều trị các vấn đề sức khỏe khác mà họ gặp phải.
Hiệp hội tiểu đường Mỹ khuyến cáo, mục tiêu điều trị bệnh tiểu đường ở người trẻ và khỏe mạnh là kiểm soát HbA1c ở dưới 7%. Việc kiểm soát chặt chẽ đường huyết sẽ giúp người bệnh ngăn chặn các biến chứng tim mạch, biến chứng thận, biến chứng mắt, biến chứng thần kinh… Nhưng mục tiêu này không nên áp dụng ở người cao tuổi.
Tiến sĩ Lipska cho biết thêm: “Tôi không nghĩ rằng chúng ta nên sử dụng insulin hoặc sulfonylurea ở những bệnh nhân lớn tuổi. Nghiên cứu này đã cho thấy, mặc dù đã điều trị tích cực, nhưng giữa 3 nhóm này có sự cải thiện không khác nhau trong 10 năm theo dõi. Vậy thì việc sử dụng các loại thuốc này cho người bệnh tiểu đường có sức khỏe kém có cần thiết không?”.
Tiến sĩ Alan Garber – giảng viên của trường đại học Y Baylor, Houston đánh giá nghiên cứu này nhằm mục đích xem xét tác dụng thực sự của việc sử dụng insulin hoặc sulfonylurea điều trị bệnh tiểu đường ở người cao tuổi. Ông nói: “Nghiên cứu này cho thấy một số loại thuốc có thể mang lại những tác dụng không mong muốn cho người bệnh tiểu đường, và việc điều trị bệnh tiểu đường không thể phụ thuộc hoàn toàn vào thuốc. Nhiều thử nghiệm cho thấy có những loại thuốc mới hơn nhưng hiệu quả hạ đường huyết tốt hơn, nên được sử dụng ở những bệnh nhân dễ có nguy cơ hạ đường huyết”.
Tuy nhiên, cả Garber và Lipska đều đồng quan điểm rằng người bệnh tiểu đường không nên kiểm soát đường huyết quá chặt chẽ. Người bệnh nên kết hợp thực hiện chế độ ăn uống khoa học và tập luyện để đạt hiệu quả cao đồng thời giảm sự phụ thuộc vào thuốc. Trước khi sử dụng thuốc, nên thử với liều nhỏ sau đó tăng dần liều để phòng tránh nguy cơ hạ đường huyết. Người bệnh cần nói chuyện với bác sĩ về những lợi ích cũng như rủi ro khi sử dụng của các loại thuốc để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
nguồn: http://www.medicinenet.com