Đối phó với bệnh tiểu đường trong mùa đông

Người bệnh tiểu đường lưu ý các yếu tố sau để kiểm soát bệnh và phòng ngừa biến chứng: giữ ấm cơ thể, ăn uống và tập luyện đầy đủ, tránh các bệnh cơ hội,...

Thời tiết lạnh trong mùa đông là yếu tố thuận lợi để xuất hiện hoặc làm tăng nặng biến chứng mãn tính của bệnh tiểu đường. Thời tiết lạnh có thể mang lại những thách thức đặc biệt với họ như: cảm lạnh và cúm, tăng đường huyết, tăng cân, nguy cơ tắc mạch, tăng căng thẳng…

Vậy làm thế nào người bệnh tiểu đường có thể kiểm soát bệnh của họ trong mùa đông? Sau đây là những điều nên chú ý cho người bệnh trong mùa đông:

Giữ ấm cơ thể

Luôn giữ nhiệt độ trong nhà ấm áp. Cơ thể phải luôn giữ ấm bằng cách mặc nhiều lớp áo hoặc mặc quần áo dày dặn nhưng không được quá bó vì máu khó lưu thông. Giữ ấm ở người tiểu đường rất quan trọng không chỉ giúp máu lưu thông dễ dàng hơn mà còn phòng tránh nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp.

Người bệnh tiểu đường giữ ấm cơ thể giúp phòng tránh các bệnh hô hấp

Người bệnh tiểu đường giữ ấm cơ thể giúp phòng tránh các bệnh hô hấp

Luyện tập để tránh tăng cân

Thời tiết khắc nghiệt trong mùa đông khiến người bệnh giảm thói quen tập thể dục, đồng nghĩa với việc trọng lượng cơ thể sẽ tăng lên đáng kể. Đừng để thời tiết lạnh là lý do để bạn ỉ lại, ít vận động. Hoạt động thể chất giúp hỗ trợ lưu thông, điều này rất quan trọng cho những người bị bệnh tiểu đường... Nên duy trì tập thể dục thường xuyên và không sợ việc luyện tập ở ngoài trời. Hoặc bạn cũng có thể thay bằng hoạt động ngoài trời bằng việc vận động, luyện tập tại nhà, tại các câu lạc bộ trong nhà…

Đặc biệt lưu ý đôi chân

Những người bệnh tiểu đường có thể bị mất cảm giác ở các ngón chân và bàn chân, tình trạng này có thể tăng nặng hơn trong mùa đông. Vì thế người bệnh cần phải luôn luôn giữ ấm bàn chân, bàn tay để lưu thông máu. Không đi chân trần ở ngoài trời vào mùa đông, luôn luôn mang giày và tất khi đi dạo bên ngoài và ít nhất nên mang tất trong nhà. Chọn giày dép thích hợp, nên lựa chọn những sản phẩm được làm từ các vật liệu thoáng khí sẽ không cản trở dòng chảy của máu.

Nên rửa và kiểm tra bàn chân của bạn hàng ngày và theo dõi các thay đổi về màu da, lở loét, sưng, mụn nước, bong tróc, nứt... Khi bạn bị tiểu đường, ngay cả một vết xước nhỏ có thể trở thành một vấn đề lớn, do đó cần hết sức chú ý dù là dấu hiệu bất thường nhỏ nhất. Dưỡng ẩm chân trong những tháng mùa đông khô cũng rất quan trọng để hạn chế tổn thương bàn chân trong mùa đông.

Giữ ẩm

Thời tiết lạnh, hanh khô của không khí bên ngoài cộng với hệ thống sưởi ấm trong nhà làm cho da khô, mất nước có thể làm cô đặc lượng đường trong máu. Nên uống nước thường xuyên hơn và sử dụng kem dưỡng da, kem giữ ẩm sau khi tắm, đồng thời chống khô mắt bằng việc nhỏ nước nhỏ mắt nhân tạo.

Tiêm phòng cúm

Người tiểu đường nên chích ngừa cúm trong mùa đông. Bởi lẽ, họ có nguy cơ phải nhập viện do biến chứng cúm cao gấp 6 lần người bình thường. Chủng ngừa viêm phổi cũng được khuyên dùng với các bệnh nhân tiểu đường trong mùa đông. Tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị.

Rửa tay

Ít ai nghĩ rằng người tiểu đường nên rửa tay thường xuyên hơn trong mùa này. Nhưng điều này lại thực sự cần thiết vì bắt tay có thể vô tình làm lây nhiễm virus gây bệnh đường hô hấp từ người bị bệnh sang người khỏe mạnh. Hãy đặc biệt cẩn thận khi tiếp xúc với những người đang bị mắc các bệnh về đường hô hấp (ho, hắt hơi).

Ăn uống đầy đủ

Mùa đông sẽ tiêu tốn của bạn nhiều calo hơn, vì vậy nên sử dụng thức ăn, đồ uống nóng và dễ tiêu hóa với lượng calo cao hơn, như sữa ấm, súp, bột yến mạch, rau nấu chín. Hãy nhớ rằng, rượu làm tăng tốc độ mất nhiệt của cơ thể bởi vì nó làm giãn nở các mạch máu, do đó, hạn chế đồ uống có cồn là một lựa chọn khôn ngoan.

Luôn giữ liên hệ với bác sĩ

Thay đổi đáng kể về nhiệt độ có thể là dấu hiệu cảnh báo cho thấy sự trồi sụt bất thường của đường huyết. Người bệnh tiểu đường cần kiểm tra lượng đường huyết thường xuyên và nói chuyện với bác sĩ nếu lượng đường trong máu của họ thay đổi hoặc quá cao hoặc thấp. Bác sĩ sẽ giúp bạn điều chỉnh liều thuốc điều trị cùng với việc điều chỉnh chế độ ăn cho người tiểu đường, luyện tập cho người tiểu đường phù hợp để giúp bạn kiểm soát bệnh tốt nhất.

xem bệnh nhân sử dụng tốt