Bị tiểu đường có nên ăn chay?

Một chế độ ăn chay khoa học, đủ dinh dưỡng, giàu chất xơ sẽ có lợi cho người bệnh đái tháo đường, giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn, giúp giảm cân.

Ăn chay là gì?

Trước hết bạn cần lưu ý phân biệt ăn chay khác với ăn kiêng như thế nào: ăn chay là ăn các thực phẩm có nguồn gốc thực vật, còn ăn kiêng là giảm ăn uống dưới mức nhu cầu, thậm chí nhịn ăn. Thức ăn chay hiện nay khá linh hoạt, tạm chia làm bốn nhóm: chay tuyệt đối, hoàn toàn dùng thức ăn thực vật; chay có sữa; chay có sữa, trứng và chay linh hoạt hay chay tương đối, thỉnh thoảng có ăn thêm thịt, cá...

Theo nguyên lý dinh dưỡng học, bất kỳ khẩu phần ăn nào nếu đầy đủ cả bốn thành phần đạm, bột đường, béo và khoáng vitamin đều là một khẩu phần hợp lý. Do đó việc chuyển đổi từ một chế độ ăn bình thường sang chế độ ăn chay nói chung sẽ gây ra một số xáo trộn cho việc cung cấp dinh dưỡng của cơ thể nhiều hay ít tùy thuộc vào việc sử dụng loại thức ăn nào.

Ăn chay đủ chất dinh dưỡng giúp người bệnh đái tháo đường kiểm soát đường huyết

Ăn chay đủ chất dinh dưỡng giúp người bệnh đái tháo đường kiểm soát đường huyết

Ăn chay tốt cho bệnh nhân đái tháo đường?

Đái tháo đường là căn bệnh rối loạn chuyển hóa chất bột đường với hậu quả là đường glucose trong máu tăng cao, đái tháo đường lại liên quan mật thiết đến bệnh thừa cân, béo phì và tăng huyết áp. Do đó có thể nói rằng ăn chay là chế độ ăn rất hợp lý và tuyệt vời cho người bệnh đái tháo đường nếu như đảm bảo được lượng dinh dưỡng đầy đủ cho người bệnh và không làm đường huyết của người bệnh tăng cao.

Trong một nghiên cứu tại Mỹ và Canada, các nhà khoa học tại Trường ĐH George Washington, Trường ĐH Toronto và ĐH Bắc Carolina đã chia 100 bệnh nhân thành 2 nhóm, một nhóm theo chế độ ăn kiêng và một nhóm theo chế độ ăn chay.

Kết quả, sau 22 tuần, có 43% số người theo chế độ ăn chay đã có thể dừng hẳn việc phải uống insulin hoặc giảm liều lượng so với 26% ở những người ăn kiêng.

Những người ăn chay cũng đã giảm được trung bình 6,5 kg so với người ăn kiêng giảm được 3,1 kg. Chỉ số đường và cholesterol trong máu của những người ăn chay cũng giảm nhiều hơn so với người ăn kiêng.

Nghiên cứu được công bố trên tờ Chăm sóc bệnh tiểu đường của Hiệp hội tiểu đường Mỹ.

Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy chế độ ăn chay thực vật nhờ có nhiều chất xơ, chất sợi cellulose, nhiều khoáng và vitamin... nên cũng có khả năng giảm các biến chứng của đái tháo đường, đặc biệt là các biến chứng tim mạch và thận.

Nhưng kết quả này liệu có đúng cho bệnh nhân đái tháo đường tại nước ta!

Lời khuyên cho người bệnh Đái tháo đường muốn ăn chay!

Tại nước ta một thực trạng không phải ai cũng biết đó là một tỷ lệ khá cao các nhà sư tu hành mắc đái tháo đường typ 2. Vậy tại sao việc áp dụng một chế độ ăn chay nghiêm ngặt lại khiến người ăn chay bị đái tháo đường?

Theo ThS. BS. Diệp Thị Thanh Bình, Trưởng khoa nội tiết Đại học Y dược TP HCM, hiện nay không riêng gì các nhà sư mà rất nhiều người bình thường đang áp dụng chế độ ăn chay ở nhiều mức độ khác nhau, người Á Đông có chế độ ăn hoàn toàn khác người phương Tây, vì khi ăn chay người Á Đông sẽ ăn rất nhiều tinh bột thay chất đạm cho no bụng vì vậy việc kiểm soát đường huyết càng khó khăn, đặc biệt khi người bệnh chủ quan do nhầm tưởng ăn chay sẽ không bị đái tháo đường. Có thể khẳng định ăn chay tuyệt đối không phải là biện pháp điều trị, thậm chí đôi khi sẽ làm thiếu một số chất dinh dưỡng cần thiết khiến cơ thể mất cân bằng nghiêm trọng gây nguy hiểm.

Hai điều chắc chắn cần lưu ý khi ăn chay đó là: một là thức ăn chay không phải là thuốc nên chắc chắn không thể dùng ăn chay để thay thuốc chữa bệnh. Hai là khi ăn chay, cơ thể có nguy cơ thiếu một số chất vi lượng cần thiết như vitamin B12 (có nguồn từ động vật), vitamin D và canxi (rất cần cho trẻ em đang lớn và người già, loãng xương), chất sắt và kẽm (các axit phytic, oxalic, tannic... trong thực vật sẽ cản hấp thu sắt).

Những nhược điểm này có thể khắc phục bằng cách dùng nhóm thực phẩm chay có trứng sữa, bổ sung các vitamin và khoáng chất hoặc cũng có thể ăn chay tương đối, thỉnh thoảng có ăn thêm thịt, cá để cân bằng thành phần dinh dưỡng.

Chia sẻ bệnh nhân điều trị tiểu đường hiệu quả