Biến chứng mạch máu nhỏ của bệnh tiểu đường: Nguyên nhân gây mù lòa, đoạn chi

Biến chứng mạch máu nhỏ của bệnh tiểu đường bao gồm 3 dạng chính: Bệnh võng mạc, biến chứng thần kinh và bệnh thận mạn tính. Hầu hết người bệnh tiểu đường sẽ mắc ít nhất một trong các biến chứng tiểu đường trên trong suốt thời gian sống chung với bệnh. Để phòng ngừa cũng như cải thiện hiệu quả chúng, người bệnh cần kiểm soát chặt chẽ đường huyết, huyết áp và mỡ máu.

Cơ chế sinh biến chứng mạch máu nhỏ của bệnh tiểu đường

Nhiều nghiên cứu lâm sàng, như: Thử nghiệm kiểm soát Đái tháo đường (Diabetes Control of Complications Trial - DCCT) và nghiên cứu Đái tháo đường chuyên sâu của Anh ( The UK Prospective Diabetes Study – UKPDS) đã xác nhận mối quan hệ chặt chẽ giữa biến chứng mạch máu nhỏ của bệnh tiểu đường và việc kiểm soát chỉ số đường huyết.

Trong đó, sự phát triển của các biến chứng trên mạch máu nhỏ của bệnh tiểu đường là kết quả trực tiếp của tình trạng đường huyết tăng cao bất thường và quá trình stress oxy hóa diễn ra trong lòng mạch. Cụ thể, đường huyết tăng cao và quá trình stress oxy hóa gây viêm và tổn thương hệ thống vi mạch. Những tổn thương vi mạch làm thay đổi lưu lượng máu, thay đổi tính thấm dinh dưỡng qua nội mô, làm lắng đọng protein ngoại bào và đông máu, cuối cùng dẫn đến rối loạn chức năng các cơ quan đích. Các rối loạn này được biểu hiện là các biến chứng.

Biến chứng mạch máu nhỏ của bệnh tiểu đường có thể gây mù lòa

Biến chứng mắt của bệnh tiểu đường là nguyên nhân chính dẫn đến mù lòa ở những người thuộc độ tuổi lao động tại các nước phát triển. Nghiên cứu UKPDS cho thấy: 40% bệnh nhân tiểu đường type 2 mắc biến chứng võng mạc tại thời điểm chẩn đoán.

Bệnh lý võng mạc xuất hiện khi tỷ lệ đường huyết tăng cao phá hủy hệ thống mạch máu nhỏ nuôi dưỡng võng mạc, làm các mạch máu nhỏ bị viêm và thít chặt, dẫn đến tình trạng đông máu, thiếu máu võng mạc, làm tăng sinh mạch máu mới. Các mạch máu mới sinh rất mong manh và có thể dễ dàng đứt vỡ, gây chảy máu võng mạc.

Bệnh lý võng mạc tiểu đường có thể gây mù lòa

Bệnh lý võng mạc tiểu đường có thể gây mù lòa

Phương pháp điều trị

Điều trị bằng laser là phương pháp điều trị bệnh lý võng mạc được lựa chọn sử dụng ở cả hai giai đoạn: Không tăng sinh và tăng sinh. Phương pháp này hạn chế sự thiếu máu cục bộ võng mạc, là nguyên nhân chính dẫn đến tăng sinh mạch máu nhỏ, đồng thời cũng hạn chế sự rò rỉ máu và các chất trong máu từ mạch máu nhỏ bị tổn thương ra võng mạc.

Đối với người bệnh tiểu đường có thời gian mắc bệnh trên 5 năm, điều trị bằng laser có thể giảm nguy cơ mù lòa từ 50% xuống còn 5%. Tuy nhiên, phương pháp này lại làm mất 50% tầm nhìn ngoại biên của họ.

Suy thận mạn - Biến chứng tiểu đường nguy hiểm trên hệ vi mạch

Bên cạnh biến chứng võng mạc, bệnh thận tiểu đường cũng là một biến chứng mạch máu phổ biến. Theo Gs Thái Hồng Quang - chủ tịch hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam: tại các thành phố lớn tại Việt Nam có khoảng 50% trường hợp chạy thận nhân tạo là do đái tháo đường. Con số này chứng tỏ mức độ nguy hiểm của biến chứng này. Người bệnh nào mà kiểm soát đường huyết càng kém, mắc kèm tăng huyết áp thì nguy cơ bị tổn thương thận càng cao.

Khoảng 30 – 40% người tiểu đường mắc bệnh trên 25 năm bị suy thận

Phương pháp điều trị

Đường huyết và chỉ số huyết áp là hai yếu tố nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến biến chứng suy thận tiểu đường, nên điều trị suy thận người bệnh tiểu đường cần đặc biệt quan tâm đến hai vấn đề sau:

  • Kiểm soát đường huyết: Kiểm soát tốt đường huyết giúp làm chậm quá trình suy thận, đồng thời làm chậm tiến triển của mọi biến chứng khác. Mục tiêu lý tưởng là duy trì chỉ số HbA1c dưới 7%.
  • Kiểm soát huyết áp: Kiểm soát huyết áp nghiêm ngặt làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tim mạch và phòng ngừa, làm chậm quá trình tiến triển của bệnh thận. Người bệnh nên dùng các loại thuốc huyết áp như thuốc chuyển đổi angiotensin và thuốc chẹn thụ thể angiotensin.

Biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường: Bắt nguồn từ biến chứng mạch máu

Đây là một biến chứng mạch máu nhỏ của bệnh tiểu đường khá phổ biến và nguy hiểm. Đôi khi, tăng đường huyết bất thường có thể dẫn đến biến chứng thần kinh cấp tính – biến chứng này có thể cải thiện khi đường huyết được kiểm soát. Tuy nhiên, phần lớn biến chứng thần kinh đều là mạn tính và cần điều trị kiên trì trong thời gian dài.

  • Biến chứng thần kinh ngoại biên của bệnh tiểu đường: Làm tổn thương hệ thống thần kinh cảm giác, biểu hiện chính là người bệnh mất cảm giác đau, nóng, lạnh,... hoặc rối loạn hệ thống thần kinh kiểm soát vận động, di chuyển cơ bắp.
  • Biến chứng thần kinh tự chủ: Làm tổn thương hệ thống thần kinh kiểm soát hoạt động tự chủ như nhịp tim, nhịp thở, tuyến tiết (mồ hôi, dịch tiết), các chức năng sinh lý...

Phương pháp điều trị

Ổn định đường huyết tốt có thể là cách phòng ngừa hiệu quả biến chứng thần kinh tiểu đường. Tuy nhiên, một khi biến chứng đã phát sinh, ổn định đường huyết không còn nhiều ảnh hưởng đến việc kiểm soát những cơn đau – hệ lụy chính của biến chứng.

Trong trường hợp mắc biến chứng ở giai đoạn sớm, các cơn đau có thể được xoa dịu bởi thuốc giảm đau liều nhẹ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, khi bệnh nhân đã ở vào giai đoạn muộn của biến chứng, Bác sỹ có thể sẽ phải chỉ định cho bệnh nhân dùng Opiate (một dạng thuốc pha á phiện). Cụ thể, một số loại thuốc có thể được sử dụng cho bệnh nhân biến chứng thần kinh là: Amitriptyline, duloxetine, gabapentin và pregabalin. Trong đó amitriptyline là lựa chọn đầu tiên, nhưng pregabalin là đặc biệt hữu ích vì cho hiệu quả điều trị nhanh chóng.

Ngoài sử dụng thuốc để điều trị biến chứng thần kinh, người bệnh cần đặc biệt chú ý đến việc chăm sóc bàn chân, vì bàn chân họ rất dễ bị nhiễm trùng, loét rộng, dẫn đến đoạn chi.

Biến chứng mạch máu nhỏ của bệnh tiểu đường thường bắt đầu với những triệu chứng đơn giản, dễ bị bỏ qua. Người bệnh cần sớm phát hiện và điều trị bệnh lý võng mạc, biến chứng thần kinh, bệnh thận,... để điều trị ngay từ giai đoạn đầu, phòng ngừa những hậu quả đáng tiếc cho sức khỏe.

Xem thêm: chia sẻ của những người bệnh tiểu đường đã cải thiện đáng kể biến chứng nhờ tìm đúng phương pháp điều trị

Tham khảo: http://www.clinmed.rcpjournal.org/content/10/5/505.full