Biến chứng bàn chân Charcot là tổn thương thần kinh chi phối bàn chân và suy giảm tuần hoàn tại chỗ, thường gặp trong bệnh đái tháo đường.
Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh lý mạn tính và có xu hướng ngày càng gia tăng. Theo thống kê cho thấy, có đến khoảng 16 triệu người Mỹ (chiếm 6% dân số) bị mắc ĐTĐ. Bệnh gây ra rất nhiều biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường, mắt, thận, thần kinh… Trong đó tổn thương bàn chân là một biến chứng phổ biến và là nguyên nhân thường gặp khiến người bệnh ĐTĐ phải nhập viện.
Năm 1868, một thầy thuốc tên Charcot lần đầu tiên đã mô tả tổn thương thoái hóa khớp do nguyên nhân thần kinh xảy ra ở những bệnh mất đi cảm giác. Thật sự bệnh Charcot khi đó rất hiếm xảy ra ở đái tháo đường, lý do vì sự hiểu biết về bệnh ĐTĐ có giới hạn và nhiều trường hợp chỉ chẩn đoán khi bị cấp tính. Cơ chế tổn thương xương trong bệnh Charcot là do giảm lượng máu cung cấp thứ phát liên quan tới bệnh lý thần kinh. Điều này làm tăng hoạt động của hủy cốt bào và đưa đến dễ gãy xương. Xương trở nên dễ tổn thương và dễ gãy dù chỉ bị chấn thương nhẹ, vấn đề này có liên quan đến việc giảm nhận cảm của thần kinh ngoại biên. Đồng thời cũng có sự giảm biên độ vận động của khớp do hiện tượng glycosyl hóa của mô liên kết. Tất cả các yếu tố trên tác động lên bàn chân và làm phá hủy cấu trúc bình thường.
Trong bệnh lý ĐTĐ, có hai lý do đưa đến bàn chân Charcot là tổn thương thần kinh chi phối bàn chân và suy giảm tuần hoàn tại chỗ. Bàn chân sẽ bị biến dạng và đưa đến bất hoạt. Sự tổn thương thần kinh làm cho bệnh nhân ĐTĐ mất cảm giác ở bàn chân, một số người ĐTĐ lâu ngày còn không cảm nhận được khi đâm kim vào da lòng bàn chân. Một vết thương nhỏ như vết muỗi cắn có thể tiến triển thành nhiễm trùng nghiêm trọng. Mạch máu trong ĐTĐ bị tổn thương, giảm lượng máu nuôi bàn chân sẽ dẫn đến yếu mô xương, các xương ở bàn chân bị gãy và khớp cổ chân, ngón chân bị biến dạng. Người bệnh đái tháo đường sẽ có nguy cơ cao bị gãy xương bàn chân. Khi hiện tượng gãy xương bàn chân xảy ra thì người bệnh không cảm nhận do tổn thương thần kinh cảm giác. Người bệnh tiếp tục đi đứng sẽ dẫn đến tổn thương gãy thêm trầm trọng và biến dạng khớp, các góc xương gãy nhô xuống lòng bàn chân tạo ra những điểm loét da. Bàn chân bị tổn thương và biến dạng được gọi là bàn chân Charcot, đây là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất của bàn chân ở người bệnh ĐTĐ.
Biến chứng bàn chân Charcot ở người bệnh tiểu đường
Mặc dù bệnh nhân ĐTĐ bị bàn chân Charcot thường không thấy cảm giác đau nhưng có một số dấu hiệu khác để có thể nhận biết bệnh. Dấu hiệu thường gặp nhất ở giai đoạn sớm của bàn chân Charcot là sưng bàn chân - triệu chứng này xảy ra khi không hề có một chấn thương gì trước đó. Bên cạnh sưng bàn chân là hiện tượng đỏ da bàn chân. Triệu chứng sưng, đỏ bàn chân ở bệnh nhân ĐTĐ thường được chẩn đoán là nhiễm trùng xương nhưng thực tế nhiễm trùng xương ít xảy ra nếu không có tổn thương da (loét da). Người bệnh ĐTĐ hàng ngày phải tự xem xét bàn chân mình, nếu phát hiện sưng đỏ phải đến bác sĩ để xác định hoặc loại trừ giai đoạn đầu của bàn chân Charcot.
Xem thêm: Triệu chứng bệnh tiểu đường – 10 dấu hiệu dễ bị bỏ lỡ - Biến chứng tiểu đường
Để xác định chính xác cần có thiết bị chụp phim, trong đó X-quang là một kỹ thuật thông dụng và dễ làm. X-quang bàn chân giúp đánh giá đậm độ xương, trong giai đoạn sớm của bàn chân Charcot, hình ảnh X-quang có thể bình thường. Khi bệnh tiến triển, chụp X-quang sẽ phát hiện các tổn thương gãy xương nhiều điểm và biến dạng khớp. Chụp cộng hưởng từ hạt nhân (MRI) có thể giúp đánh giá tốt hơn về xương bàn chân và khớp cổ chân. Ngoài ra còn có thể dùng kỹ thuật xạ hình xương để đánh giá tình trạng nhiễm trùng cũng như tổn thương xương.
Xem thêm: Loét bàn chân tiểu đường: Cách điều trị tránh đoạn chi
Mục tiêu của việc điều trị biến chứng bàn chân Charcot trong bệnh ĐTĐ là làm lành các xương bị gãy cùng với việc phòng ngừa biến dạng thêm của bàn chân và hiện tượng phá hủy khớp. Điều trị cụ thể gồm can thiệp phẫu thuật và không phẫu thuật. Bệnh nhân sẽ được can thiệp phẫu thuật khi bàn chân bị biến dạng khó đi lại và có nguy cơ cao đưa đến loét hoặc khi đã dùng giày bảo vệ nhưng không hiệu quả hoặc trong một số trường hợp gãy xương không vững và biến dạng đòi hỏi phẫu thuật mới lành xương được.
Các biện pháp điều trị hỗ trợ tránh phải phẫu thuật gồm mang giày theo đúng số, không đi quá chật để tránh biến dạng bàn chân. Khi mang giày bảo vệ, bệnh nhân phải tránh đặt trọng lực cơ thể lên xương bàn chân cho đến khi xương gãy lành hẳn.
Tất nhiên điều cơ bản nhất ở tất cả bệnh nhân ĐTĐ là vẫn phải kiểm soát tốt đường huyết và phòng tránh biến chứng thần kinh, mạch máu.
Xem kinh nghiệm điều trị khô ngứa da, dày móng do biến chứng tiểu đườngTheo Tạp chí Thuốc & Sức khỏe số 486
Xem thêm: Thảo dược giúp giảm đường huyết, cải thiện biến chứng tiểu đường.