Tiểu đường thai kỳ có nên uống sữa tươi không đường?

Chào bạn,
Sữa tươi là một thực phẩm rất giàu dinh dưỡng. Gần như tất cả các mẹ bầu đều cần thức uống này trong thời gian mang thai. Tuy nhiên, một số loại sữa tươi có thể ảnh hưởng đến đường huyết. Vì vậy, người mẹ bị tiểu đường thai kỳ cần cân nhắc lựa chọn khi sử dụng loại thực phẩm này.
Tiểu đường thai kỳ có nên uống sữa tươi không đường?
Câu trả lời là có. Sữa tươi không đường sẽ ít ảnh hưởng đến đường huyết hơn các loại sữa thông thường. Khi sử dụng loại sữa này, bạn cũng không cần lo lắng không đủ dinh dưỡng cho thai nhi. Bởi sữa tươi không đường chỉ ít đường hơn sữa thông thường nhưng vẫn có đầy đủ các protein, vitamin, khoáng chất khác. Do bạn đang mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, đường huyết tăng cao nên cần hạn chế sử dụng các chất đường bột, kể cả đường trong sữa tươi bổ sung hằng ngày. Điều này sẽ giúp bảo vệ cả bạn và bé trước những ảnh hưởng xấu do đường máu tăng cao gây nên.
Có thể thay sữa không đường bằng sữa hạnh nhân không?
Thực chất, bạn vẫn có thể dùng các loại sữa khác như sữa óc chó hạnh nhân. Tuy nhiên do những loại sữa này vẫn có đường nên bạn chỉ nên dùng với số lượng vừa phải, khoảng 1 lần/ngày. Mỗi lần bạn không nên dùng quá 200ml và không cho thêm đường khi dùng để tránh đường huyết tăng cao.
Ngoài ra có 1 lưu ý nhỏ khi uống sữa là bạn chỉ nên dùng vào các bữa phụ (giữa các bữa ăn chính trong ngày) thay vì ngay sau bữa ăn. Mẹo này cũng giúp lượng đường trong máu của bạn ổn định hơn.
Lưu ý khác khi bị tiểu đường thai kỳ
Điều lo lắng nhất khi thai phụ bị tiểu đường thai kỳ là những ảnh hưởng trong tương lai cho cả con và mẹ. Rất may là sự lo lắng này sẽ được triệt tiêu nếu bạn có cách kiểm soát đường huyết tốt.
Bên cạnh việc dùng sữa tươi không đường, để giảm lượng đường trong máu tốt hơn, bạn nên ăn nhiều rau xanh, ăn giảm mỡ, giảm đồ ngọt, tinh bột, đồng thời vận động đều đặn và theo dõi đường huyết thường xuyên. Dưới đây là bài viết hướng dẫn cụ thể cách xây dựng chế độ ăn cho người mẹ bị tiểu đường, bạn hãy đọc và áp dụng nhé:
http://bienchungtieuduong.vn/bai-viet/che-do-dinh-duong/che-do-an-khi-bi-tieu-duong-thai-ky.html
Nhìn chung, tiểu đường thai kỳ là một thử thách nhỏ trong quá trình sinh con. Chỉ cần bạn kiểm soát tốt đường huyết bằng cách ưu tiên các thực phẩm ít carbohydrate như sữa tươi không đường, chắc chắn bạn có thể sinh con khỏe mạnh như tất cả các bà mẹ khác.
Nếu muốn được tư vấn thêm, hãy gọi cho chúng tôi theo số 0936.057.996
Chúc gia đình bạn sức khỏe!
Thân mến!
tiểu đường thai kì có ăn được trứng vịt lộn thay buổi ăn sáng ko ạ? và sữa tươi ko đường nên uống vào thời điểm nào để đường ko tăng cho bé có dưỡng chất ạ. Rất mong nhận đc tư vấn từ bác sỹ. em xin cảm ơn
Chào bạn,
Về trứng vịt lộn thì bạn không nên ăn quá 2 quả/tuần. Bởi trứng vịt lộn chứa nhiều cholesterol, không tốt cho sức khỏe nói chung khi bạn ăn thường xuyên mỗi ngày.
Về sữa tươi không đường bạn có thể uống vào các bữa phụ hoặc vào sáng sớm khi ăn cùng với hoa quả hoặc là ngũ cốc nguyên hạt. Sữa tươi không đường một ngày bạn có thể uống làm 2 lần, mỗi lần một cốc 200 – 250ml. Thay đổi giữa các loại sữa động vật bạn có thể uống thêm sữa từ thực vật (ví dụ sữa đậu nành, sữa hạt óc chó…).
Chúc bạn sức khỏe!
E mang thai 28t mới đi xét nghiệm đường huyết thai kì kết quả là lúc đói:4.1 mmol/l
Sau 60 phút 14.0
Sau120 phút ăn 8.7
Vậy liệu em có bị đường huyết thai kì không
Chào bạn
Với chỉ số của bạn hiện tại thì bạn đã bị tiểu đường thai kỳ. Bởi bạn đang có 2/3 chỉ số vượt ngưỡng (đường huyết sau uống đường 1h trên 10 mmol/l và sau 2h trên 8.5 mmol/l). Mặc dù so với phụ nữ không bị tiểu đường thai kỳ, bạn sẽ có nhiều rủi ro hơn. Tuy nhiên đừng quá lo lắng nhé, bạn hoàn toàn có thể giảm tối đa các rủi ro này bằng cách:
– Giảm lượng tinh bột trong bữa ăn. Và thay vào đó tăng lượng chất đạm tốt từ cá, các loại đậu, hạt, thịt nạc
– Ăn thành nhiều bữa nhỏ. Trái cây, sữa chữa chua nên ăn vào bữa phụ khoảng 9h tối, 15 – 16h chiều.
– Ăn nhiều rau xanh và ăn rau vào đầu bữa, trước khi ăn cơm, thức ăn.
– Ăn chậm và đúng giờ
– Đi dạo nhẹ nhàng hoặc tập yoga cho bà bầu 30 phút/ngày.
– Ngủ đủ giấc
– Giữ tâm lý thoải mái
Dưới đây là 1 bài viết chi tiết về tiểu đường thai kỳ, bạn có thể đọc tham khảo thêm nhé:
http://bienchungtieuduong.co/bai-viet/phuong-phap-dieu-tri/kiem-soat-tieu-duong-thai-ki-khong-can-dung-thuoc.html
Chúc bạn và bé mạnh khỏe!
Chào bác sĩ!
Em hiện đang mang thai 26 tuần, cách đây mấy ngày em có test đường (75gr) thì trả kết quả về là em bị tiểu đường thai kỳ. Nay em xin hỏi bác sĩ cách ăn uống cho hợp lý với người bị tiểu đường thai kỳ như em. Hiện tại em đã ngưng sử dụng sữa bầu, ăn uống bình thường ( cơm buổi trưa 1 chắn và buổi tối 1 chắn ) rau luộc, canh, cá, thịt , trái cây ( dưa hấu, bưởi, thanh long ) được chia đều trong ngày.
+ Em chuyển sang dùng sữa tươi không đường( VINAMILK) 1 ngày 2 cử sáng 9h và tối trước khi ngủ 1 tiếng (khoảng 440ml).
+ Trong ngày em có ăn một số loại đậu như đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen ( vơi số lượng rất ít và được luộc chín chứ không sử dụng qua đường ) và chia ra các ngày ăn trong tuần
+ và em có ăn thêm hạt óc chó vào mỗi ngày với số lượng 4 hạt/1 ngày.
+ 1 Tuần em ăn 2 quả hột vịt lộn . Vậy cho em hỏi cách ăn uống của em như vậy có hợp lý đối với người bị tiểu đường thai kỳ như em không ah?
Em đang mang thai nên rất phân vân về khẩu phần ăn cho người bị tiểu đường thai kỳ, Kiêng cử nhiều quá em sợ thai nhi chậm phát triển
Rât mong bác sĩ tư vấn giúp em những thắc mắc trên ah, Cảm ơn bác sĩ.
Chào bạn
Nguyên tắc chung trong ăn uống đối với phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ là:
– Giảm lượng tinh bột trong bữa ăn nhưng không nhịn hoàn toàn. Có thể tăng lượng chất đạm tốt từ cá, các loại đậu, hạt, thịt nạc để đảm bảo đủ dinh dưỡng và không bị đói giữa ngày
– Ăn thành nhiều bữa nhỏ. Trái cây, sữa chữa chua nên ăn vào bữa phụ khoảng 9h tối, 15 – 16h chiều.
– Ăn rau xanh vào đầu bữa, trước khi ăn cơm, thức ăn.
So sánh trên nguyên tắc này thì tạm thời về thành phần bữa ăn của bạn ổn. Tuy nhiên vì chưa biết chính xác số lượng bạn ăn bao nhiêu nên chúng tôi chưa kết luận được chính xác 100%. Ví dụ như trái cây, chúng vẫn chứa đường. Nếu ăn cơm sau đó ăn tráng miệng luôn bằng nhiều trái cây thì đường huyết vẫn có nguy cơ tăng. Cách tốt nhất là nếu có điều kiện, bạn mua máy thử đường huyết cầm tay. Sau bữa ăn khoảng 2 tiếng bạn đo đường máu, nếu dưới 8.5 mmol/l (150 mg/dl) thì bữa ăn của bạn đang ổn. Còn cao hơn thì có thể giảm bớt lượng trái cây, củ, tinh bột hoặc thay vì ăn cơm trắng, bạn có thể ăn đan xen với cơm gạo lứt.
Nhìn chung, với sự cố gắng của bạn thì chúng tôi tin tưởng rằng bạn có thể sinh bé khỏe mạnh.
Dưới đây là 1 bài viết về chế độ ăn cho tiểu đường thai kỳ, bạn có thể tham khảo thêm: https://bienchungtieuduong.co/bai-viet/che-do-dinh-duong/che-do-an-khi-bi-tieu-duong-thai-ky.html
Chúc bạn và bé sức khỏe!