Tiểu đường thai kỳ không nên ăn gì để tốt cho thai nhi?

  • Icon

    Từ tuần thứ 20 trở đi, tôi tăng cân rất nhanh, có khi 1 tháng tăng được 6 đến 7 kg. Các vùng da ở nách, cổ, khuỷu tay rất xạm và dày lên. Đi khám bác sĩ cho biết tôi có 3 chỉ số đường huyết đều ở mức cao, chẩn đoán tiểu đường thai kỳ. Bác sĩ cho về nhà tuần đầu tiên, điều chỉnh chế độ ăn sau đó quay lại bệnh viện xét nghiệm máu lần 2. Tôi rất bối rối, xin chuyên gia tư vấn giúp tôi những thực phẩm tiểu đường thai kỳ không nên ăn để tốt cho thai nhi?

    Icon

    Chào bạn,

    Tiểu đường thai kỳ là bệnh tiểu đường xảy ra khi mang thai, lúc đó cơ thể người mẹ trở nên đề kháng với insulin hoặc không tạo ra đủ lượng insulin cần thiết, dẫn đến nồng độ glucose (đường) cao trong máu.

    Nếu bạn mắc tiểu đường thai kỳ, việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học có thể giúp kiểm soát tình trạng bệnh, làm ổn định đường huyết mà không cần phải sử dụng thuốc. Nguyên tắc chung là nên ăn các thực phẩm tươi sống, giàu đạm thực vật, vitamin, khoáng chất và hạn chế tinh bột, đường. Bên cạnh đó, bạn nên hạn chế các nhóm thực phẩm sau:

    - Sữa và các chế phẩm từ sữa chưa được tiệt trùng: Mặc dù sữa có chứa rất nhiều canxi, protein, vitamin D giúp xương, răng, tim và các dây thần kinh của thai phát triển toàn diện. Nhưng không phải tất cả các sản phẩm từ sữa đề an toàn với mẹ bầu. Các chuyên gia khuyến cáo, bạn nên sử dụng sữa tươi và các loại sữa trên nhãn ghi rõ đã được tiệt trùng.

    - Thịt chế biến sẵn: Thay vì các bữa ăn nhanh bên ngoài, tốt nhất bạn nên tự chuẩn bị bữa ăn cho chính mình. Các loại thịt chế biến sẵn thường có hàm lượng muối cao, và đôi khi chúng không an toàn cho các mẹ bầu.

    - Các loại rau sống, đồ ăn tái, chưa chín kỹ: Bình thường, bạn hoàn toàn có thể tiêu thụ các thực phẩm này. Tuy nhiên, chúng tiềm ẩn rất nhiều vi khuẩn gây bệnh đường ruột như E.coli, Salmonella… có hại cho thai nhi và sức khỏe bà bầu.

    - Nước ép trái cây: Ăn trái cây được khuyến cáo, nhưng nước ép lại là một lựa chọn tệ hại. Bởi quá trình chế biến đã làm mất hàm lượng chất xơ, khiến đường được hấp thu nhanh hơn.

    - Trứng chưa nấu chín: Trứng cung cấp nguồn protein, vitamin và khoáng chất tuyệt vời cho sức khỏe. Nhưng nếu bạn đang mang thai, bạn hãy chắn chắn các món từ trứng đã được chế biến kỹ và chín hoàn toàn. Bởi vì trứng sống có thể nhiễm Salmonella làm tăng nguy cơ tiêu chảy, nôn, sốt…

    - Cà phê: Tiêu thụ một lượng lớn cà phê trong thời kỳ mang thai làm tăng nguy cơ sẩy thai. Do đó, bạn nên giảm tiêu thụ loại đồ uống này.

    - Cá biển có hàm lượng thủy ngân cao: Phụ nữ mang thai cần tránh cá có hàm lượng thủy ngân cao, vì hóa chất này có khuynh hướng tích tụ trong cơ thể gây hại cho hệ thần kinh. Các loại cá bạn nên tránh: cá mập, cá kiếm, cá ngừ, cá thu…

    - Gan: Vitamin A có nhiều trong gan, nếu ăn một lượng vừa phải có thể giúp thuận lợi cho quá trình phát triển phôi thai. Tuy nhiên, quá nhiều vitamin A có thể làm tăng nguy cơ dị tật thai nhi.

    Bên cạnh chế độ ăn uống, bạn cũng nên duy trì luyện tập thể dục thường xuyên, vừa sức như: đi bộ, ngồi thiền, tránh thức khuya, căng thẳng và duy trì một thể trọng hợp lý.

    Xem thêm: Chế độ ăn cho tiểu đường thai kỳ

    Chúc bạn và thai nhi khỏe mạnh!

Câu hỏi chuyên gia