Chỉ số GI – chỉ số đường huyết của thực phẩm là gì?

Chào bạn,
GI là chữ viết tắt của Glycemic Index, có nghĩa là chỉ số đường huyết thực phẩm (GI).
Thực phẩm sau khi ăn vào sẽ được tiêu hóa, hấp thu vào máu và làm tăng đường huyết. Mức độ tăng đường huyết tùy thuộc vào số lượng thực phẩm ăn vào, hàm lượng và loại chất bột đường (carbohydrate, gludid), thành phần chất đạm, chất béo, chất xơ chứa trong thực phẩm, cách chế biến…
Để đánh giá mức độ ảnh hưởng của thực phẩm làm tăng đường huyết nhanh, trung bình hay chậm, người ta phải chuẩn hóa thực phẩm với cùng một số lượng chất bột đường là 50 gram như nhau và lấy đường glucose hay bánh mì trắng làm chuẩn với giá trị là 100, gọi là chỉ số đường huyết GI. Phân loại các nhóm thực phẩm theo chỉ số GI mà người bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) nên/ không nên sử dụng như sau:
– Nhóm thực phẩm có GI > 70, chỉ số đường cao (làm tăng đường huyết nhanh chóng), nhóm thực phẩm này người bệnh ĐTĐ cần tránh. Bao gồm: Đường, mật ong, nước mía, bánh kẹo ngọt, hoa quả sấy khô, quả ngâm đường, thức uống có cồn…
– Nhóm thực phẩm có GI từ 56 – 69, chỉ số đường huyết trung bình, là nhóm thực phẩm người bệnh ĐTĐ cần hạn chế. Bao gồm: Bánh mì ngọt, khoai tây, bánh bột gạo, nước uống có đường, dứa, cam, sữa chua có đường…
– Nhóm thực phẩm có GI < 55, chỉ số đường huyết thấp (làm tăng đường huyết chậm), người bệnh ĐTĐ nên sử dụng nhóm thực phẩm này. Bao gồm: gạo, sữa lạt đã lọc bớt chất béo, sữa chua không đường, nước táo, đậu trắng, đậu nành, đậu phộng, tất cả các loại cá…
Chúc bạn sức khỏe!
cho em hỏi là hai thực phẩm có năng lượng bằng nhau thì GI có giống nhau không? Tại sao? mong sớm nhận được phản hồi
Chào bạn,
Chỉ số đường huyết là chỉ số đánh giá mức độ tăng đường huyết của thực phẩm sau ăn (Glycemic Index – GI), lấy giá trị glucose làm chuẩn là 100. Còn năng lượng trong thực phẩm là chỉ số đánh giá số Kcal cung cấp cho cơ thể trong 100 g thực phẩm. Đây là 2 chỉ số khác nhau nên không phải 2 thực phẩm có năng lượng bằng nhau thì chỉ số GI sẽ giống nhau.
Thân mến!