Người bệnh tiểu đường nên tập luyện như nào?

Người bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) cần tập luyện thể dục đúng cách để giúp giảm đề kháng insulin, kiểm soát tốt đường huyết, huyết áp, mỡ máu... giúp giảm thiểu các biến chứng.

Tuy nhiên, làm thế nào để có thể tập luyện hiệu quả và đảm bảo an toàn, tránh những tác hại do thiếu sự chuẩn bị và do tập luyện không đúng phương pháp gây ra? Chúng ta cần phải tuân thủ theo những nguyên tắc và hướng dẫn cụ thể.

Chuẩn bị trước khi tập luyện

- Những người mới bắt đầu tập luyện trước hết cần xác định loại hình vận động phù hợp với đặc điểm cá nhân, tình trạng sức khỏe, cường độ, thời gian vận động.

- Nên kiểm tra sức khỏe tổng quát trước khi tập, để phát hiện sớm những bệnh lý, những rối loạn tiềm tàng khác hoặc những biến chứng đã có của đái tháo đường, đặc biệt là với các bệnh lý hay biến chứng tim mạch, huyết áp, thận, thần kinh ngoại biên, bệnh lý cơ quan vận động để được tư vấn vận động phù hợp nhất.

- Trước khi tập luyện nên đo đường máu, nếu đường máu lớn hơn 250mg/dL (trên 14mmol/L) và xét nghiệm có ceton trong nước tiểu thì nên điều trị hết ceton trong nước tiểu rồi mới tập. Trong trường hợp đường máu quá thấp dưới 70mg/dL hoặc quá cao trên 300mg/dL, đặc biệt đái tháo đường typ 1 thì mặc dù không có ceton niệu cũng không nên tập.

- Trang phục, giày tập phải phù hợp, nhất là đối với những người có biến chứng thần kinh ngoại biên gây giảm hoặc mất cảm giác ở chân.

- Không nên tập quá gần (dưới 2h) hoặc quá xa (trên 4h) sau khi ăn. Cũng cần chuẩn bị sẵn một số thức ăn có đường để bổ sung kịp thời khi có các biểu hiện hoa mắt chóng mặt, vã mồ hôi, run tay chân… do hạ đường huyết trong khi tập, nhất là ở những người đang dùng thuốc hạ đường huyết và insulin.

- Nên tập theo nhóm để được hỗ trợ kịp thời khi có các nguy cơ hạ đường máu hay biến chứng tim mạch (đau thắt ngực), đặc biệt ở những người có tiền sử bệnh lý hoặc đã có biến chứng tim mạch.

- Thận trọng với những môn thể thao dã ngoại đòi hỏi gắng sức nhiều, khó xử lý kịp thời khi có bất thường như leo núi, xe đạp đường dài…

Khuyến cáo chung cho việc tập luyện thể lực với bệnh nhân đái tháo đường

Hình thức tập luyện Các loại bài tập Tần suất tập luyện Cường độ tập luyện Thời gian tập
Hoạt động thể lực cơ bản Đi bộ, leo cầu thang, các bài tập thể dục, làm vườn Hàng ngày - Có thể nói chuyện được trong khi tập. - Nhịp tim >30 phút
Các bài tập sức bền Đi bộ nhanh, chạy bộ, đạp xe, bơi, khiêu vũ, thể dục thẩm mỹ, các môn thể thao với bóng 3-5 lần/tuần - Cho tới khi khó thở. - Nhịp tim đạt 70-80% nhịp tim tối đa, hoặc mức 13-15 theo thang điểm Borg. 30-60 phút
Các bài tập sức mạnh Các bài tập đối kháng, nhảy dây, các bài tập kéo, đẩy, nâng 2-3 ngày/tuần - Tập tới khi mệt. -  Nhịp tim >80% - gần mức tối đa, hoặc mức 16-17 thang điểm Borg.    Số lần tập tùy thuộc năng lực

(*) Nhịp tim cao nhất đạt được với bài tập gắng sức tối đa.

(**) Gunna Borg 1998 – thang điểm gắng sức: 6 – không phải gắng sức; 7 –8 cực nhẹ; 9–11 rất nhẹ–nhẹ; 11–13 nhẹ–trung bình; 13–16 trung bình–nặng; 16–17 nặng–rất nặng; 18–19 cực nặng; 20 gắng sức tối đa.

Phương pháp tập luyện

- Khởi động khoảng 5–10 phút với bài tập thể dục cường độ thấp, các động tác mềm dẻo, căng dãn cơ để phòng tránh chấn thương.

- Sau thời gian áp dụng những bài tập có cường độ thấp, có thể lựa chọn các bài tập nặng hơn với cường độ từ trung bình (các bài tập sức bền), thời gian tối thiểu 30 phút mỗi ngày là phù hợp với tình trạng sức khỏe và đặc điểm lối sống, sở thích của cá nhân. Có thể chọn hoặc phối hợp thêm với các bài tập cường độ lớn hơn (các bài tập sức mạnh) với thời gian thích hợp.

- Giảm dần khối lượng và cường độ vận động khoảng 5–10 phút trước khi kết thúc buổi tập bằng các động tác thư giãn thả lỏng, co duỗi khớp, đi bộ hít thở nhẹ nhàng.

the-duc-cho-nguoi-benh-tieu-duongTập luyện giúp người bệnh tiểu đường kiểm soát đường huyết tốt

- Cường độ và thời gian vận động có ý nghĩa quyết định đối với hiệu quả tập luyện. Để tính cường độ vận động một cách chính xác người ta dựa vào khả năng hấp thụ oxy tối đa (VO2 max) trong vận động của mỗi người tập, do đó cần có sự tư vấn của bác sĩ, chuyên gia thể lực. Tuy vậy, người tập cũng có thể tự xác định được một cách tương đối thông qua test nói chuyện, nhịp tim tối đa và/hoặc mức độ gắng sức theo cảm nhận (thang điểm Borg). Một điều cần nhấn mạnh là nên bắt đầu với lượng vận động nhẹ sau đó mới từ từ tăng dần, duy trì tập luyện với cường độ thấp hơn năng lực một chút nhưng đều đặn thường xuyên có ý nghĩa hơn nhiều so với hoạt động cường độ cao trong thời gian ngắn.

- Những người mắc hoặc có biến chứng bệnh tim mạch nên giảm cường độ và tránh các hoạt động cần sức mạnh như đẩy tạ, chạy nhanh, các môn đối kháng. ĐTĐ có biến chứng thần kinh ngoại biên nên tập các bài tập vận động cơ bản, nhẹ nhàng, có thể ngồi tập vận động. Hoạt động thể lực với mục đích giảm cân phải phối hợp với chế độ dinh dưỡng thích hợp, giảm lượng calo đưa vào.

- Người mới tham gia tập luyện nên đo đường máu sau khi tập trong một thời gian để đánh giá ảnh hưởng của tập luyện, nhằm xác định loại hình bài tập, cường độ, thời gian, tần suất vận động thích hợp nhất. Ngừng tập và đi khám ngay nếu phát hiện những bất thường của cơ thể sau quá trình tập luyện. Đồng thời cũng cần định kỳ kiểm tra tổng thể để phát hiện sớm những ảnh hưởng bất lợi của việc tập luyện và để nhận được sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa về sử dụng, thay đổi thuốc và liều lượng thuốc đang sử dụng.

Hoạt động tập luyện cần thực hiện một cách có hệ thống, với những bài tập thể lực và lượng vận động thích hợp còn giúp cải thiện hoạt động chức năng của tim như giảm tần số tim lúc nghỉ, tăng khả năng co bóp tống máu (tim hoạt động hiệu quả hơn), giúp điều hòa huyết áp, giảm mỡ máu, hạn chế nguy cơ thừa cân, cải thiện chức năng hệ vận động cũng như các chức năng khác của cơ thể. Nhờ đó có tác dụng nâng cao thể trạng chung của cơ thể, phòng chống, điều trị và hạn chế biến chứng của bệnh ĐTĐ, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chia sẻ bệnh nhân điều trị tiểu đường hiệu quả

TS.BS. Phạm Quang Thuận Theo SKĐS – 11/2013