Chào anh Đỗ Văn Tiến,
Trong chia sẻ của anh chưa có thông tin cụ thể về thể trạng, cân nặng, và các triệu chứng để anh phát hiện ra trước khi đến khám bác sĩ… nên rất khó để chúng tôi kết luận anh bị tiểu đường typ 1 hay typ 2. Dưới đây, chúng tôi sẽ cung cấp chi tiết các thông tin so sánh giữa tiểu đường type 1 và type 2 để anh có thể tự phân biệt 2 thể bệnh này.
Tiểu đường hay còn gọi là đái tháo đường được phân biệt thành 2 loại chính type 1 và type 2 theo nguyên nhân gây bệnh. Mỗi loại sẽ có những điểm đặc trưng riêng biệt về cả triệu chứng, đối tượng người bệnh, biến chứng và cách điều trị.
Tiểu đường type 1 là do tế bào β của đảo tụy bị phá hủy dẫn đến thiếu insulin tuyệt đối và làm đường huyết tăng cao. Bệnh có các điểm đặc biệt sau:
+ Thường xuất hiện ở người trẻ tuổi (< 40 tuổi).
+ Khởi bệnh đột ngột, cấp tính, với những triệu chứng rầm rộ như tiểu nhiều, khát nhiều, gầy nhiều.
+ Thể trạng gầy.
+ Dễ có nhiễm toan ceton.
+ Tổn thương vi mạch thường sau vài năm.
+ Nồng độ insulin huyết thanh thấp.
+ Bắt buộc phải điều trị bằng insulin.
Khác với tuýp 1, tiểu đường tuýp 2 liên quan đến kháng insulin và rối loạn tiết insulin. Cơ thể vẫn có thể tạo insulin nhưng hormone này hoạt động không hiệu quả khiến đường huyết cũng tăng lên.
Đặc điểm của tiểu đường type 2:
+ Thường gặp ở người lớn tuổi (> 40 tuổi), thường có liên quan đến yếu tố gia đình (tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường)
+ Bệnh khởi phát từ từ.
+ Thể trạng thường béo.
+ Ít có nhiễm toan ceton.
Type 1 và type 2 là phân loại theo nguyên nhân gây bệnh nên khó có thể đánh giá tuýp tiểu đường nào nguy hiểm hơn, nặng hơn. Bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng sức khỏe của người bệnh để nhận định xem mức độ rủi ro của họ ra sao. Người bệnh nào đường huyết càng cao, có nhiều bệnh mắc kèm, hay bị biến chứng thì sẽ cần điều trị và theo dõi nghiêm ngặt hơn.
Đa số trường hợp bác sĩ sẽ dựa vào triệu chứng và độ tuổi để chẩn đoán. Tuy nhiên với 1 số trường hợp nghi ngờ, người bệnh có thể phải làm thêm xét nghiệm peptid C, định lượng nồng độ insulin hoặc nghiệm pháp glucagon. Nếu nồng độ insulin, peptid C thấp hoặc không tăng nhiều sau khi tiêm glucagon thì đó là tiểu đường type 1.
Anh cũng không cần quá lo lắng về vấn đề bản thân mắc tuýp tiểu đường nào hay so sánh tiểu đường type 1 và type 2 bệnh nào nặng nhẹ, nguy hiểm hơn. Bởi lẽ dù anh mắc type 1 hay type 2 nếu phối hợp điều trị với bác sĩ tốt thì anh vẫn có thể sống khỏe mạnh gần như bình thường.
Thân mến!