Bạn thân mến!
Đối với một người phụ nữ đang ở độ tuổi sinh con, nếu chẳng may bị bệnh tiểu đường có thể mang thai hay không luôn là nỗi băn khoăn, lo lắng nhất. Bất kỳ một người phụ nữ nào cũng mong muốn trở thành một người mẹ nhưng lại lo sợ bệnh tật có thể ảnh hưởng đến con. Mặc dù các rủi ro liên quan đến việc mang thai nếu bị bệnh tiểu đường là có thể xảy ra, tuy nhiên sự lo lắng, căng thẳng quá mức của người mẹ sẽ làm nặng hơn tình trạng này. Có một tin tốt cho bạn rằng bạn vẫn có khả năng có thai và sinh con khỏe mạnh bình thường.
Một số những lời khuyên dưới đây có thể giúp làm giảm rủi ro khi mang thai, bạn nên ghi chép lại vào một cuốn sổ nhỏ để khi cần có thể xem ngay:
- Lên kế hoạch cụ thể trước khi mang thai: Điều này thật cần thiết vì chuẩn bị chu đáo sẽ hạn chế được những phát sinh có thể xảy ra trong quá trình mang thai. Bạn cũng nên đi khám sức khỏe định kỳ trước khi mang thai để xem lượng đường trong máu có ổn định không.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên: Một người phụ nữ mang thai việc kiểm tra sức khỏe định kỳ đã là bắt buộc, đối với người bệnh tiểu đường khi mang thai sẽ càng trở nên cần thiết hơn. Khám sức khỏe định kỳ có thể phát hiện được chỉ số đường huyết của bạn có được kiểm soát tốt không, thai nhi có đang phát triển bình thường không và bạn có xuất hiện biến chứng nào không từ đó sẽ có những hướng xử lý kịp thời để hạn chế rủi ro xuống mức thấp nhất.
- Cẩn thận với cơn hạ đường huyết: Đường huyết có thể thay đổi thất thường khi bạn sử dụng Insulin. Trong quá trình mang thai những thay đổi trong cơ thể có thể ảnh hưởng rất lớn đến lượng đường trong máu đặc biệt là thức ăn và quá trình tập luyện. Hãy nhớ rằng luôn mang theo đường glucose và một ít bánh kẹo ngọt để ăn tạm thời khi có dấu hiệu như cơn choáng váng, lú lẫn, vã mồ hôi…
- Chế độ ăn: Cân bằng chế độ ăn sao cho lượng đường trong máu vẫn giữ ở mức ổn định. Hãy hỏi ý kiến của bác sỹ nếu bạn thấy cần thiết.
- Chế độ luyện tập: Tập thể dục nên được khuyến khích trước và trong quá trình mang thai. Bạn có thể tham khảo các bài tập có lợi cho việc sinh nở sau này như những lớp học tiền sản.
- Sử dụng thuốc: Quá trình mang thai rất nhạy cảm vì vậy tất cả các thuốc mà bạn sử dụng phải tuân theo chỉ dẫn của bác sỹ. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc, dùng sai thời gian hoặc sai liều chỉ định.
- Sử dụng thêm Acid Folic: Liều acid folic thường được khuyến cáo là 5mg sẽ giúp hạn chế các dị tật bẩm sinh có thể xảy ra ở trẻ. Tuy nhiên bạn vẫn phải tuân thủ theo chỉ định của bác sỹ để sử dụng.
- Sử dụng thêm một số giải pháp hỗ trợ có nguồn chính từ thiên nhiên: trước khi mang thai và sau khi cai sữa hoàn toàn sẽ giúp làm ổn định đường huyết, phòng ngừa biến chứng tiểu đường.
Con cái sinh ra và phát triển khỏe mạnh luôn là niềm hạnh phúc của bố mẹ. Dù là người bệnh tiểu đường đi chăng nữa thì cũng không thể cướp đi thiên chức được sinh con thiêng liêng này. Bạn hãy lập ngay kế hoạch ăn uống, luyện tập thể dục và kiểm soát đường huyết khoa học để mang lại cho con sự phát triển tốt nhất ngay từ trong giai đoạn thai nhi cho đến khi trưởng thành.
Chúc gia đình bạn hạnh phúc.
Thân!