Bạn thân mến,
Chế độ ăn chỉ là một trong số rất nhiều những yếu tố có thể tác động làm thay đổi lượng đường trong máu của bạn. Bởi vậy, để kiểm soát tốt đường huyết bạn cần phải kết hợp nhiều yếu tố, thay vì chỉ kiểm soát mình chế độ ăn. Một số yếu tố điển hình có thể kể đến đó là:
- Tập thể dục: Có thể làm giảm lượng đường trong máu của bạn. Vì vậy, bạn cần xây dựng một chế độ luyện tập hợp lý và tham khảo ý kiến của bác sỹ nếu cần thiết. Các bài tập như erobic, yoga… thường được khuyến khích ở người bệnh tiểu đường. Nên nhớ kiểm tra đường huyết thường xuyên trước và sau quá trình tập luyện.
- Bệnh mắc kèm: Nếu bạn bị sốt, nhiễm trùng… có thể làm tăng đường huyết.
- Căng thẳng: Người bệnh tiểu đường thường được khuyên nên thư giãn tinh thần, hạn chế stress, căng thẳng trong công việc và cuộc sống hàng ngày.
- Sử dụng thuốc: Một số thuốc có thể ảnh hưởng đến đường huyết chính vì vậy bạn cần phải hỏi ý kiến của bác sỹ trước khi sử dụng bất kỳ một loại thuốc nào.
- Giấc ngủ: Giấc ngủ rất quan trọng với người bệnh tiểu đường. Ngủ quá nhiều hoặc quá ít đều có khả năng làm tăng sự đề kháng insulin, từ đó làm tăng đường huyết.
- Caffeine: Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu bạn uống 1 cốc cafe hàng ngày có khả năng làm giảm lượng đường trong máu.
- Chu kỳ kinh nguyệt: Ở phụ nữ sự thay đổi các hormon sinh dục trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh cũng có thể làm thay đổi lượng đường trong máu.
- Tăng cân: Dư thừa cân nặng có thể gây khó khăn trong việc kiểm soát đường huyết của bạn. Chính vì vậy những người bị bệnh tiểu đường thường được khuyên duy trì chỉ số cân nặng hợp lý.
Trên đây chỉ là một số ít các yếu tố tác động có thể ảnh hưởng đến giá trị đường huyết. Điều căn bản là bạn phải hiểu về nó để quá trình điều trị bệnh đạt hiệu quả cao hơn.
Chúc bạn mạnh khỏe!
Thân!