Giải đáp của ThS.BS Nguyễn Huy Cường - Nguyên Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nội tiết Trung ương:
Trái cây nào người tiểu đường cũng ăn được, không phải hạn chế bất cứ loại nào. Đương nhiên, trong trái cây có đường nhưng bên cạnh đó chúng còn chứa rất nhiều chất xơ, vitamin và muối khoáng nên tựu chung vẫn có lợi cho sức khỏe.
Bạn cũng cần biết rằng, so với các thực phẩm chứa tinh bột thì trái cây tươi chứa ít đường hơn. Tính bình quân 1 lạng hoa quả ngọt nhất (ví dụ: chuối, xoài, nho, mít…) chứa khoảng 15g đường. Các loại khác như táo, cam, dưa, dứa… thì ít đường hơn. Trong khi đó, 1 lạng thực phẩm chứa tinh bột lại chứa nhiều đường hơn, cụ thể tôi đã liệt kê trong bảng sau:
Như vậy, nếu xét về khối lượng thì ăn hoa quả sẽ nạp ít đường hơn ăn tinh bột. Tuy nhiên, nếu ít đường mà ăn nhiều thì vẫn là nhiều đường. Ví dụ 1 quả chuối nặng 1 lạng là 15g đường, 2 quả chuối thì sẽ gấp đôi lên.
Cho nên, nếu ăn nhiều hoa quả lên thì phải ăn ít tinh bột đi. Thậm chí có những bữa có thể không cần ăn tinh bột. Ví dụ như bữa sáng ăn 2 quả trứng vịt lộn và 1 quả cam là đủ. Nếu đường máu đang cao, ăn ít tinh bột như vậy sẽ có lợi. Nếu đường máu đang thấp, chỉ xấp xỉ khoảng 4 mmol/l, thì phải ưu tiên ăn tăng tinh bột để đẩy đường máu lên mức an toàn.
Nhìn chung, khi sử dụng thực phẩm, chúng ta cần thay đổi giữa các loại sao cho lượng đường gần giống nhau. Ví dụ có thể thay 1 lạng chuối bằng 1 lạng xoài vì đều là 15g đường. Thay 2 lạng xoài cho nửa bát cơm vì đều chứa khoảng 30g đường.
Kinh nghiệm của tôi cho thấy, đường trong hoa quả làm tăng đường máu ít hơn đường trong tinh bột. Tuy nhiên, chúng ta không thể ăn hoa quả thay cơm thường xuyên được. Nếu ăn thêm hoa quả thì nên giảm bớt cơm và phải đo đường máu sau ăn để xem việc thêm/bớt bao nhiêu là hợp lý (sau khi ăn, đường máu nên dưới 11).
Xem thêm: Giảm đường huyết tự nhiên: Những giải pháp hiệu quả
Nguyên tắc trong chế độ ăn của người bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường nên ăn gì? Thực đơn tốt nhất cho người tiểu đường
Chúc bạn sức khỏe!