Chào bạn
Rất nhiều người bệnh tiểu đường tuýp 2 ở Việt Nam hiểu lầm rằng tiêm insulin có nghĩa là bệnh đã nặng lên, do đó chần chờ trong điều trị. Tuy nhiên, trên thực tế thì hoàn toàn ngược lại.
Với tiểu đường tuýp 1, việc tiêm insulin là bắt buộc. Nhưng ít ai biết, tiêm insulin cũng được khuyến cáo ở người bệnh tiểu đường tuýp 2. Tại Hoa Kỳ, đa số bệnh nhân đều được bác sĩ tư vấn dùng insulin sớm nếu có điều kiện. Bởi lẽ, đây là một thuốc điều trị an toàn, hiệu quả cao, giúp bảo toàn chức năng tuyến tụy. Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc dùng insulin sớm hơn ở người bệnh tiểu đường tuýp 2 làm tăng khả năng phòng ngừa biến chứng.
Rất nhiều trường hợp, đường huyết quá cao, chuẩn bị phẫu thuật hay bệnh nhân có nhiễm toan, có vấn đề về chức năng gan thận, bác sĩ sẽ đề nghị tiêm insulin tạm thời. Điều này sẽ đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, chứ không có nghĩa bệnh đã nặng hay bệnh đã bước vào giai đoạn cuối. Nếu mẹ bạn được khuyến cáo tiêm insulin, bạn có thể yên tâm cho bác sử dụng.
Thuốc dù có an toàn đến đâu nhưng khi sử dụng sai cách cũng có thể gây hại. Do đó, trước khi bắt đầu điều trị với insulin, gia đình và bác nên nắm rõ các lưu ý sau:
- Chọn kim tiêm phù hợp với loại thuốc được kê. Insulin có kim tiêm riêng, thuốc 40 UI sẽ phù hợp với kim 40 UI. Khi đi mua kim tiêm, bạn cần nói rõ với dược sĩ tại quầy rằng bạn mua để tiêm insulin và loại insulin mà bác sĩ kê cho bạn là gì.
- Biết cách tiêm đúng.
- Thay đổi vị trí tiêm liên tục.
- Hỏi bác sĩ về cách điều chỉnh liều khi đi ốm, cách xử lý khi quên tiêm.
- Nên có máy đo đường huyết cầm tay tại nhà để theo dõi đường huyết thường xuyên.
- Kiểm tra HbA1c tại bệnh viện sau mỗi 3 tháng để điều chỉnh liều nếu cần.
Dưới đây là bài viết về cách tiêm insulin đúng. Hy vọng sẽ giúp bạn và gia đình sử dụng loại thuốc này đúng cách và đạt hiệu quả cao nhất.
Thân mến!