Chào bạn,
Đối với một người phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thì việc có thể mang thai được hay không luôn là nỗi băn khoăn, lo lắng bởi sợ rằng bệnh tật của mình có thể ảnh hưởng đến con. Mặc dù các rủi ro liên quan đến việc mang thai khi mắc bệnh tiểu đường là có thể xảy ra, tuy nhiên sự lo lắng căng thẳng quá mức của người mẹ có thể làm nặng hơn tình trạng này. Trên thực tế, phụ nữ mắc bệnh tiểu đường vẫn hoàn toàn có khả năng sinh có thai và sinh ra một đứa con khỏe mạnh bình thường, nếu kiểm soát tốt bệnh trước và trong quá trình mang thai. Vì vậy, bạn đừng nên quá lo lắng.
- Lên kế hoạch cụ thể trước khi mang thai: Bạn cần có sự chuẩn bị chu đáo trước khi mang thai dưới sự tư vấn cụ thể của các bác sĩ chuyên khoa tiểu đường và thai sản. Điều này rất cần thiết vì sẽ giúp bạn hạn chế tối được những rủi ro có thể xảy ra trong suốt thai kỳ. Trước khi quyết định mang thai, các bác sĩ cũng sẽ cần làm thêm một số các xét nghiệm để đánh giá ảnh hưởng của bệnh tiểu đường trên thận, võng mạc mắt, thần kinh và mạch vành. Nếu phát hiện đã có biến chứng trên tim mạch hay biến chứng thận thì không nên mang thai vì có thể làm bệnh nặng hơn.
- Kiểm soát tốt đường huyết: Bạn sẽ cần kiểm soát tốt mức đường huyết từ 3 tháng trước khi mang thai và duy trì chỉ số HbA1c < 6,0%.
- Bổ sung acid folic: Bổ sung acid folic 4mg/ngày, từ trước 3 tháng và trong suốt quá trình mang thai để giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh cho bé.
- Chế độ ăn uống: Bạn phải cân bằng chế độ ăn sao cho lượng đường trong máu luôn duy trì ở mức ổn định. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến của một chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng chế độ ăn hợp lý trong suốt thai kỳ.
- Chế độ luyện tập: Tập thể dục nên được khuyến khích cả trước và trong quá trình mang thai. Bạn có thể tham khảo các bài tập có lợi cho việc sinh nở sau này. Tốt nhất bạn cùng chồng có thể tham gia lớp học tiền sản.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên: Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ là điều bắt buộc đối với một người phụ nữ mắc bệnh tiểu đường khi mang thai, để đảm bảo rằng thai nhi đang phát triển bình thường và sức khỏe của người mẹ không bị ảnh hưởng.
Con cái sinh ra và phát triển khỏe mạnh luôn là niềm hạnh phúc của bố mẹ. Dù là người bệnh tiểu đường đi chăng nữa thì cũng không thể cướp đi thiên chức thiêng liêng này. Bạn hãy lập ngay kế hoạch ăn uống, luyện tập thể dục và kiểm soát đường huyết khoa học, để mang lại sự phát triển tốt nhất cho thai nhi.
Chúc gia đình bạn hạnh phúc.
Thân!