Vitamin A giúp điều tiết mắt, bảo vệ các tế bào niêm mạc, tăng cường hệ miễn dịch và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Đối với người bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), vitamin A còn giúp tăng sản xuất insulin và điều hòa đường huyết.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học trường Đại học Y Weill Cornell – New York, giảm hấp thu vitamin A dẫn đến giảm sản xuất các tế bào insulin, làm tăng nồng độ đường huyết. Tuy nhiên, khi tăng hàm lượng vitamin A trong khẩu phẩn ăn thì đường huyết dần trở lại bình thường.
Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Montreal và Trung tâm nghiên cứu Chum cũng cho biết: Acid retinoic (tiền chất của vitamin A) có tác dụng điều hòa đường huyết và kích thích chuyển hóa các tế bào mỡ dư thừa thành tế bào mỡ nâu (tế bào mỡ tốt giúp đốt cháy đường, calo dư thừa). Do đó nó có vai trò quan trọng trong điều trị bệnh béo phì và đái tháo đường type 2.
Thiếu vitamin A tăng nguy cơ phát triển đái tháo đường typ2
Cung cấp đầy đủ vitamin A là thật sự cần thiết đối với người bệnh ĐTĐ, không chỉ giúp tăng sản xuất insulin, kiểm soát đường huyết mà còn giúp cải thiện biến chứng do ĐTĐ như tăng thị lực, tăng cường hệ miễn dịch cơ thể.
Người bệnh nên lựa chọn những thực phẩm có hàm lượng vitamin A hay tiền vitamin A cao trong khẩu phần ăn,như các loại thực phẩm có màu xanh thẫm (rau ngót, rau đay, rau muống, rau khoai lang, súp lơ xanh, kinh giới, xương sông, lá lốt, rau thơm…), củ quả có màu cam, đỏ (cà chua, gấc, bí đỏ, cà rốt, đu đủ chín, hồng, xoài, cam, mít, dứa…), gan, trứng, đậu, sữa, bơ, cá, thịt nạc… Tuy nhiên, nó rất dễ bị phân hủy bởi nhiệt độ, do đó khi chế biến thức ăn nên tránh đun quá lâu vì sẽ làm giảm đáng kể hàm lượng vitamin A.
Vitamin A là vitamin tan trong dầu, do đó để được hấp thu tốt nhất thì trong bữa ăn nên có một lượng nhỏ chất béo. Mặt khác, nó cũng sẽ khó thải trừ hơn so với các vitamin tan trong nước khi dư thừa. Do vậy, khi bổ sung thêm vitamin A, người bệnh chỉ nên uống với liều 2.500 UI/ngày và sử dụng cách quãng, tức là dùng liên tục trong 3 tuần thì tạm ngừng 1 – 2 tuần rồi mới sử dụng tiếp.
Khi có các triệu chứng của tình trạng ngộ độc do thừa vitamin A như mệt mỏi, dễ bị kích thích, chán ăn, sút cân, rối loạn tiêu hóa, sốt, chảy máu… người bệnh nên đi khám ngay để có phương pháp điều trị kịp thời. Mặt khác, khi có một số biểu hiện do thiếu vitamin A như khô mắt, quáng gà, rụng tóc, rụng lông mày, da khô… thì nên đến gặp bác sĩ để được chỉ định liều bổ sung thích hợp, không tự ý bổ sung liều cao hay tăng liều đang sử dụng.
Nguồn tham khảo: http://www.medicalnewstoday.com/