Không chỉ những người bị tiểu đường dễ mắc các bệnh về nướu răng, mà chính bệnh nướu răng cũng ảnh hưởng đến việc kiểm soát đường huyết và thúc đẩy nhanh tiến trình biến chứng của bệnh tiểu đường. Vì vậy, đối với bệnh nhân tiểu đường, việc chăm sóc răng miệng cần được chú ý và đầu tư kĩ lưỡng hơn rất nhiều so với người bình thường.
Những người bị tiểu đường có nguy cơ cao hơn đối với các vấn đề về sức khỏe răng miệng, chẳng hạn như chảy máu răng, viêm lợi, rụng răng... Nguyên nhân là do người bệnh tiểu đường dễ bị nhiễm trùng, vì đường máu tăng cao là môi trường thuận lợi để cho vi khuẩn phát triển. Đồng thời vết thương cũng khó được chữa lành do khả năng miễn dịch của cơ thể suy giảm, giảm khả năng chống lại vi khuẩn, kết hợp với sự tổn thương mạch máu, dẫn đến nuôi dưỡng kém.
Người bệnh tiểu đường nên kiểm tra răng miệng thường xuyên
Hãy gặp nha sĩ ngay lập tức nếu bạn nhận thấy bất kỳ các dấu hiệu và triệu chứng nào của bệnh răng lợi:
- Đỏ, sưng, đau, chảy máu răng lợi.
- Chảy mủ ở răng lợi.
- Lợi lỏng lẻo và bị tụt khỏi răng.
- Hơi thở có mùi hôi.
- Rụng răng.
- Hai hàm răng không khép kín.
- Viêm răng lợi: Bệnh tiểu đường gây chít hẹp mạch máu, làm chậm dòng chảy của các chất dinh dưỡng đến nuôi các mô trong cơ thể, đồng thời làm chậm dòng chảy của những chất thải từ các mô cơ thể đi ra, bao gồm cả miệng. Dẫn đến khả năng bị nhiễm khuẩn tăng lên, trong khi khả năng chống nhiễm trùng lại giảm. Kết quả là bệnh nhân tiểu đường thường xuyên mắc các bệnh về răng lợi. Nếu không được điều trị và kiểm soát tốt, nhiễm trùng sẽ tiến triển nặng hơn, làm phá hủy các tổ chức xung quanh răng (bệnh nha chu), răng trở nên lỏng lẻo, sẽ tự rụng hoặc buộc phải nhổ bỏ.
- Sâu răng: Khi nồng độ glucose máu cao, bệnh nhân tiểu đường có thể có nhiều glucose trong nước bọt, các mảng bám trên răng dễ hình thành. Đồng thời, bệnh tiểu đường có thể gây rối loạn thần kinh thực vật, làm giảm tiết nước bọt, dẫn đến khô miệng. Những yếu tố này tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh sâu răng phát triển. Điều này có thể khắc phục bằng cách đánh răng đều đặn 2 lần mỗi ngày với kem đánh răng có chứa chất fluor. Dùng tăm hoặc sử dụng chỉ nha khoa làm sạch kẽ răng mỗi ngày.
- Nấm miệng: Candida albicans là một loại nấm men tự nhiên sẵn có trong miệng, khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ phát triển quá mức và gây ra bệnh. Những yếu tố của bệnh tiểu đường như khô miệng, glucose trong nước bọt cao, và sức đề kháng kém sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tưa miệng. Nấm miệng gây ra các mảng màu trắng hoặc màu đỏ trên niêm mạc miệng, gây khó chịu và viêm loét. Vệ sinh miệng tốt và kiểm soát tốt đường huyết rất quan trọng để có thể điều trị bệnh tưa miệng thành công. Nha sĩ có thể chỉ định các loại thuốc kháng nấm để điều trị.
Sử dụng chỉ nha khoa để chăm sóc răng miệng hàng ngày
- Làm theo lời khuyên của bác sĩ về chế độ ăn uống và dùng thuốc để giữ cho lượng đường trong máu càng gần mức bình thường càng tốt.
- Đánh răng hai lần một ngày với kem đánh răng có chứa fluor.
- Sử dụng chỉ tơ nha khoa làm sạch kẽ răng mỗi ngày.
- Khám nha sĩ thường xuyên để được tư vấn về cách chăm sóc thích hợp tại nhà, và được can thiệp kịp thời khi có dấu hiệu của bệnh.
- Tránh khô miệng bằng cách uống nhiều nước và nhai kẹo cao su không đường để kích thích sản xuất nước bọt.
- Không hút thuốc.
Sức khỏe răng miệng là một vấn đề khá quan trọng đối với bệnh nhân tiểu đường. Với chế độ chăm sóc hợp lý và tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ thì những vấn đề trên sẽ hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của bạn.
XEM THÊM CHIA SẺ CÁCH TRỊ TIỂU ĐƯỜNG HIỆU QUẢ
Trích nguồn: http://www.betterhealth.vic.gov.au