Tiểu đường type 1- những điều cần lưu ý khi đi khám bệnh

Nếu phát hiện thấy những triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh tiểu đường type 1, bạn nhất thiết phải đi khám bác sỹ để được chẩn đoán chính xác. Lo lắng, băn khoăn sẽ là tâm trạng chung khó tránh khỏi của đa số người trong lần đầu đi khám bệnh. Tuy nhiên, ngay cả khi đã mắc bệnh tiểu đường nhiều năm, bạn cũng vẫn có thể gặp lúng túng khi thăm khám định kỳ để đánh giá tình trạng kiểm soát bệnh. Thật vậy, do phải sử dụng nhiều thuốc và thực hiện chế độ ăn chặt chẽ, 1 buổi đi khám sẽ làm thay đổi ít nhiều lịch sinh hoạt của bệnh nhân. Bên cạnh đó, trình tự xét nghiệm, phải chuẩn bị những gì hay hỏi bác sỹ những gì là các vấn đề quyết định thành công của buổi khám nếu người bệnh chủ động được.

Vì vậy trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích để chuẩn bị cho 1 buổi khám bệnh tiết kiệm thời gian và thật sự hiệu quả.

Những gì bạn cần kiểm tra khi có bệnh tiểu đường type 1

Khám lần đầu

Đến bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa nội tiết – đái tháo đường (ĐTĐ) kiểm tra là cách tốt nhất bạn cần làm nếu nghi ngờ mình mắc bệnh tiểu đường type 1. Chỉ cần một vài xét nghiệm máu đơn giản bác sĩ có thể xác định được tình trạng bệnh của bạn và đưa ra cách điều trị phù hợp. Các xét nghiệm này bao gồm:

- Thử đường huyết lúc đói: là chỉ số đường huyết khi bạn nhịn đói, thường vào đầu buổi sáng. Bạn sẽ không được ăn uống bất kỳ thứ gì trong vòng 8 giờ trước khi lấy máu.

- Xét nghiệm HbA1C (glycated hemoglobin): Chỉ số HbA1C là chỉ số thể hiện cho tỷ lệ đường trong máu gắn với hemoglobin của hồng cầu, giúp xác định đường huyết trung bình của một người trong vòng 3 tháng trở lại.

Xét nghiệm đường huyết và chỉ số HbA1c giúp chẩn đoán bệnh tiểu đường

Xét nghiệm đường huyết và chỉ số HbA1c giúp chẩn đoán bệnh tiểu đường

- Thử đường huyết ở thời điểm bất kỳ: Bạn không cần phải nhịn ăn hoặc uống trước khi lấy máu làm xét nghiệm.

- Thử đường huyết 2 giờ sau khi uống 75g glucose: Bạn sẽ được lấy máu kiểm tra nồng độ đường trước và 2 giờ sau khi uống glucose. Thử nghiệm này đánh giá khả năng dung nạp glucose của bạn.

Thông thường, bạn sẽ được chỉ định làm 1 hoặc 2 loại thử nghiệm trong số trên. Kết quả xét nghiệm được so sánh với giới hạn cho phép, và dựa vào tiêu chuẩn chẩn đoán ĐTĐ, bác sỹ sẽ đưa ra kết luận cuối cùng là bạn có đang mắc tiểu đường hay không.

Nếu được chẩn đoán mắc tiểu đường type 1, bạn sẽ có được những hướng dẫn điều trị cụ thể bằng thuốc, cùng với những điều chỉnh bằng chế độ ăn và vận động. Đồng thời, một lịch khám định kỳ được đưa ra để bác sỹ đánh giá hiệu quả của phương pháp điều trị, có những điều chỉnh nếu cần thiết nhằm đạt được hiệu quả kiểm soát bệnh cao nhất.

Khám định kỳ

Bác sỹ sẽ đánh giá mức đường huyết của bạn bằng một xét nghiệm máu. Thông thường, chỉ số HbA1C sẽ được kiểm tra do đây là chỉ số vàng để đánh giá tình trạng kiểm soát đường huyết và có thể giúp tiên lượng về biến chứng của bệnh. Ngoài ra, một số chỉ số máu khác như mỡ máu, ure, creatinine, acid uric, men gan… cũng có thể được xét nghiệm để đánh giá chức năng gan, thận và phòng ngừa biến chứng tiểu đường.

Bên cạnh đó, tuỳ vào tình trạng bệnh, mức độ của các biến chứng mà bạn có thể được chỉ định làm các xét nghiệm khác như:

- Soi đáy mắt để phát hiện sớm biến chứng võng mạc.

- Kiểm tra bàn chân: màu sắc da, vết nứt, xước ở bàn chân hoặc kẽ ngón chân, cảm giác ở bàn chân.

- Xét nghiệm nước tiểu để đánh giá cụ thể hơn chức năng thận, kiểm tra nếu có nhiễm khuẩn tiết niệu.

- Điện tim để kiểm tra chức năng tim mạch…

Thông thường, nếu bạn đã bị tiểu đường lâu năm, đặc biệt là có kèm theo bệnh cao huyết áp, bệnh thận hay đang mang thai, thì kiểm tra mắt và chân cần được thực hiện thường xuyên, do đây là những biến chứng xảy ra sớm và phổ biến nhất của bệnh tiểu đường.

Khám mắt định kỳ để phát hiện sớm biến chứng võng mạc do đái tháo đường

Khám mắt định kỳ để phát hiện sớm biến chứng võng mạc do đái tháo đường

   Xem thêm:    • Những biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường và cách phòng ngừa    • Công thức vàng hóa giải biến chứng của tiểu đường

Bạn cần chuẩn bị những gì trước buổi khám?

Để chuẩn bị tốt cho cuộc hẹn với bác sĩ, bạn nên tham khảo ý kiến của các thành viên trong câu lạc bộ sức khỏe nơi bạn tham gia hoặc từ chính bác sĩ của mình. Dưới đây là một số thông tin bổ ích cho quá trình chuẩn bị của bạn.

Bạn có thể làm gì?

Viết ra bất kỳ câu hỏi nào mà bạn có thể nghĩ trong đầu. Có thể về triệu chứng bệnh, về lối sống, thói quen tốt cho điều trị bệnh, cách sử dụng thuốc… Chuẩn bị một danh sách các câu hỏi sẽ giúp bạn tận dụng tối đa thời gian của bạn với bác sĩ. Đối với bệnh tiểu đường type 1, nên ưu tiên làm rõ một số vấn đề sau:

- Tần suất theo dõi lượng đường trong máu: Bao nhiêu lâu phải thử đường huyết một lần? Và thử vào các thời điểm nào là tốt nhất? - Việc điều trị bằng insulin: loại insulin được sử dụng, thời gian dùng thuốc, liều lượng? Cách sử dụng các loại bút hoặc bơm tiêm? Xử trí ra sao nếu bạn quên tiêm thuốc? - Biến chứng hạ đường huyết: Làm thế nào để nhận biết và xử trí?

- Tình trạng tăng đường huyết: Phải làm gì khi lượng đường trong máu đột ngột tăng cao do một số loại thực phẩm bạn sử dụng

- Biến chứng nhiễm toan xeton do tăng đường huyết (thường gặp ở người bệnh tiểu đường type 1): Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị?

- Dinh dưỡng: Các loại thực phẩm nên và không nên sử dụng? Ảnh hưởng của chúng đến lượng đường trong máu như thế nào?

- Tập thể dục: Bộ môn nào phù hợp, lưu ý trước và sau khi tập luyện?

- Về chăm sóc y tế: bao lâu đi khám định kỳ? Khi nào cần khám mắt, thần kinh…

Hãy cố gắng chia sẻ với bác sĩ tất cả các vấn đề mà bạn còn băn khoăn, để có được những kiến thức hữu ích nhất giúp quản lý tốt căn bệnh của mình.

Bạn cũng cần ghi lại tất cả những thông tin về thói quen sinh hoạt và lối sống gần đây của bạn, kể cả những thay đổi. Bởi đây là những thông tin thực sự hữu ích để giúp bác sĩ khai thác được các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình kiểm soát bệnh của bạn.

Bên cạnh đó, hãy cung cấp cho bác sĩ danh sách của tất cả các loại thuốc, vitamin và các chất bổ sung mà bạn đang dùng. Đồng thời, mang theo một cuốn sổ tay ghi lại lượng đường máu mà bạn đo hằng ngày hoặc lượng đường máu bạn đo được vào mỗi lần kiểm tra định kỳ để bác sĩ tiện theo dõi và đưa ra đánh giá.

Những gì bác sĩ sẽ hỏi bạn?

Hãy chuẩn bị trả lời trước cho những câu mà bác sĩ có thể sẽ hỏi bạn, bao gồm:

- Các biện pháp quản lý lượng đường máu hiện tại có gây khó chịu cho bạn không?

- Bạn có hay gặp tình trạng hạ đường huyết không?

- Bạn có nhận biết được lúc cơ thể bị hạ đường huyết không?

- Chế độ ăn uống hằng ngày của bạn như thế nào?

- Bạn có đang duy trì chế độ luyện tập thể dục không? Bạn tập với tần suất và thời gian như thế nào?

- Bạn sử dụng trung bình bao nhiêu insulin trong một ngày?

Hy vọng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng như trên, bạn sẽ có một buổi khám bệnh thực sự thoải mái và hiệu quả.

Chia sẻ bệnh nhân điều trị tiểu đường hiệu quả

Nguồn tham khảo: http://www.mayoclinic.org/ http://tieuduong.org/