Tiểu đường thai kì – những điều cần biết

Tiểu đường thai kì có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm đối với mẹ và bé trong quá trình mang thai hay sau khi sinh.

Khoảng 3 – 8% phụ nữ khi mang thai mắc bệnh tiểu đường thai kì. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm trên thai nhi và người mẹ nếu không kiểm soát tốt đường huyết. Đa số các trường hợp sau khi sinh, đường huyết thường trở về bình thường, tuy nhiên người mẹ có nguy cơ cao mắc tiểu đường typ 2 và mắc tiểu đường thai kì ở lần mang thai tiếp theo.

Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ dẫn đến tiểu đường thai kì?

Insulin là một hormon do tuyến tụy tiết ra, giúp vận chuyển glucose từ máu vào trong tế bào để tạo ra năng lượng cho mọi hoạt động của cơ thể. Trong thời kì mang thai, nhau thai tạo ra các hormon có nồng độ cao hơn insulin và hầu hết các hormon làm suy giảm hoạt động của insulin (các hormon đối kháng insulin), do đó nồng độ glucose trong máu tăng cao. Khi thai nhi phát triển, nhau thai tăng sản xuất các hormon đối kháng, gây tăng đường huyết và ở mức độ nào đó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển, sinh trưởng của bé. Tiểu đường thai kì thường phát triển ở 3 tháng cuối thai kì (tuần 24 – 28) hoặc có thể sớm hơn (ở tuần 20).

Trong quá trình mang thai, ở giai đoạn đầu trong thời kì thai nghén, các bà mẹ thường gầy sút do không thể ăn được nhiều. Do đó sau khi hết giai đoạn nghén, các bà mẹ thường có tâm lý “ăn bù” để tăng bổ sung chất dinh dưỡng cho thai nhi. Mặt khác, một số phụ nữ khi mang thai thường thèm ăn đồ ngọt, thực phẩm chứa nhiều tinh bột nhưng lại ít ăn rau xanh, chất xơ. Chế độ ăn uống không khoa học và ít vận động trong thời kì mang thai có thể làm tăng nồng độ đường trong máu và dẫn đến tiểu đường thai kì.

Bất kì phụ nữ nào khi mang thai cũng đều có thể mắc tiểu đường thai kì, tuy nhiên những phụ nữ có những yếu tố sau đây sẽ có nguy cơ mắc tiểu đường thai kì cao hơn:

- Phụ nữ có thai ở tuổi trên 30

- Gia đình có tiền sử mắc bệnh đái tháo đường

- Thừa cân: chỉ số BMI  ≥ 30

- Đã bị đái tháo đường thai kì ở lần mang thai trước

- Em bé đã sinh có cân nặng khá lớn (> 4,1kg)

- Có thai lưu

- Chủng tộc: phụ nữ người da đen hoặc da đỏ, gốc Tây Ban Nha, Châu Á có nhiều khả năng mắc bệnh đái tháo đường thai kì hơn.

Bất kể người phụ nữ nào khi mang thai cũng đều có thể mắc tiểu đường thai kỳ

Bất kể người phụ nữ nào khi mang thai cũng đều có thể mắc tiểu đường thai kỳ

Các biến chứng có thể xảy ra khi người mẹ mắc bệnh tiểu đường thai kì

Biến chứng trên thai nhi

Nếu người mẹ kiểm soát đường huyết không tốt sẽ tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng nguy hiểm đối với đứa trẻ.

Cân nặng quá mức: Đường từ máu của mẹ có thể qua nhau thai vào cơ thể trẻ, làm tăng nồng độ đường trong máu, do đó kích thích tuyến tụy của trẻ tăng sản xuất insulin, tăng nhập glucose vào tế bào, tăng cung cấp năng lượng cho các tế bào và kích thích thai nhi phát triển.

Sinh non: Đường huyết tăng cao có thể làm tăng nguy cơ chuyển dạ sớm hoặc thai nhi quá lớn, cần phải mổ.

Suy hô hấp cấp: Trẻ có nguy cơ cao bị suy hô hấp cấp và nguy cơ cao hơn ở trẻ sinh non. Phổi của trẻ sinh non chưa phát triển hoàn thiện, do đó trẻ cần trợ thở cho đến khi phổi phát triển hoàn thiện và khỏe mạnh.

Hạ đường huyết: Ngay sau khi sinh trẻ có thể hạ đường huyết do lượng insulin được sản xuất khá cao. Hạ đường huyết có thể gây co giật ở trẻ. Cần tiêm tĩnh mạch glucose cho trẻ để đưa đường huyết trở về mức bình thường.

Dị tật bẩm sinh trên thai nhi hoặc ảnh hưởng đến các cơ quan như não, tim, mắt…

Tăng tỉ lệ sảy thai

Bệnh béo phì và đái tháo đường typ2: Tuyến tụy tăng sản xuất insulin, em bé nhận được nhiều năng lượng hơn mức cần thiết, năng lượng có thể được dự trữ dưới dạng các mô mỡ, do đó làm tăng nguy cơ béo phì và ĐTĐ typ 2 trong tương lai.

Có thể gây tử vong cho trẻ trước hoặc sau khi sinh.

Biến chứng trên người mẹ

Tiểu đường thai kì cũng làm tăng nguy cơ biến chứng trên người mẹ:

- Tăng nguy cơ cao huyết áp và tiền sản giật – biến chứng nguy hiểm trong thời kì mang thai, có thể ảnh hưởng đến sự sống của mẹ và bé.

- Đái tháo đường typ 2: người mẹ có nguy cơ cao mắc đái tháo đường thai kì ở lần mang thai tiếp và tiến triển đái tháo đường typ 2 sau này.

Xét nghiệm chẩn đoán

Đái tháo đường thai kì thường ít xuất hiện các triệu chứng, tuy nhiên khi có một số triệu chứng điển hình như khát nhiều, tiểu nhiều thì cần sớm đến gặp bác sĩ để thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán và có hướng điều trị kịp thời.

Chẩn đoán bệnh bằng nghiệm pháp dung nạp glucose: thực hiện vào buổi sáng, sau ăn 8h. Sản phụ được uống 75g glucose/250 ml nước. Sau 1h sẽ được đo nồng độ glucose trong máu.

Đường huyết bình thường: < 130 – 140 mg/dL (< 7,2 – 7,8 mmol/l)

Nếu đường huyết cao hơn mức bình thường thì người mẹ có nguy cơ cao mắc đái tháo đường thai kì và cần được lặp lại xét nghiệm để có chẩn đoán chính xác. Tiến hành lại nghiệm pháp dung nạp glucose và đo đường huyết sau 1h, 2h và 3h. Nếu ≥ 2 kết quả trên mức bình thường thì được chẩn đoán tiểu đường thai kì.

Người mẹ mắc đái tháo đường thái kì cần được theo dõi thường xuyên

Phòng và điều trị tiểu đường thai kì

- Trước khi mang thai cần kiểm tra sức khỏe tổng thể. Nếu có dấu hiệu tăng đường huyết cần hỏi ý kiến bác sĩ để có hướng điều trị và theo dõi thích hợp.

- Trong thời kì mang thai người mẹ nên định kì thăm khám và làm các xét nghiệm như xét nghiệm đường huyết, chỉ số HbA1C, đánh giá chức năng tim, mắt, gan, thận…; siêu âm thai và theo dõi sự phát triển, sinh trưởng của thai nhi. Đặc biệt ở 3 tháng cuối thai kì cần thường xuyên kiểm tra đường huyết và kiểm soát nồng độ đường trong máu ổn định, dưới 7 mmol/l. Bên cạnh đó cần kết hợp chế độ ăn uống, sinh hoạt, luyện tập lành mạnh. Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, lựa chọn thực phẩm tối ưu, tăng cường luyện tập (thiền, yoga, đi bộ. đạp xe, bơi lội, làm việc nhà…) ít nhất 30 phút/ngày.

- Khi phát hiện tiểu đường thai kì, người mẹ cần có biện pháp điều trị tích cực và kiểm soát tốt đường huyết để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra với mẹ và bé:

Giám sát và kiểm soát đường huyết: Theo dõi đường huyết 4 – 5 lần/ngày vào buổi sáng, trước ăn, sau ăn 2h. Kiểm soát tốt đường huyết (không để đường huyết tăng cao) để đảm bảo thai nhi khỏe mạnh, tránh các biến chứng khi mang thai và sau khi sinh

Chế độ ăn uống, sinh hoạt, luyện tập phù hợp: Hạn chế tinh bột, đồ ngọt; tăng cường thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng, chất xơ và ít calo, chất béo (rau xanh, ngũ cốc, trái cây…). Theo dõi cân nặng, không nên tăng cân quá nhanh. Tăng cường luyện tập sẽ giúp giảm nhanh đường huyết (kích thích tế bào dung nạo glucose, tăng độ nhạy cảm của insulin) và giảm bớt một số triệu chứng thường gặp trong thời kì mang thai (đau lưng, chuột rút cơ bắp, sưng, táo bón, khó ngủ…). Hỏi ý kiến các chuyên gia dinh dưỡng, tiểu đường hay nội tiết để có chế độ ăn uống hợp lý, đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé.

Đồng thời cần tránh căng thẳng, lo lắng, buồn phiền; không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cafein…

Lựa chọn thực phẩm

Định kì thăm khám và tiến hành một số xét nghiệm: Xét nghiệm đường huyết, chỉ số HbA1c; ceton nước tiểu; xét nghiệm đánh giá chức năng nhau thai và các cơ quan; siêu âm thai...Quản lý chặt chẽ sự phát triển của bé. Không giảm cân, kiêng ăn: Trong quá trình mang cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ. Không kiêng ăn và cần lựa chọn thực phẩm tốt cho sức khỏe mẹ và bé.

Thuốc: Nếu các chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh vẫn không giúp bạn kiểm soát được đường huyết thì bạn cần sử dụng thuốc để hạ đường huyết. Bác sĩ có thể cân nhắc cho bạn sử dụng insulin tiêm.

Kiểm tra đường huyết sau khi sinh: Kiểm tra đường huyết ngay sau khi sinh và 6 – 12 tuần sau sinh để đảm bảo đường huyết của người mẹ đã trở về mức bình thường.

Đái tháo đường thai kì nếu được kiểm soát tốt sẽ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé. Bà mẹ trước và trong thời kì mang thai cần chuẩn bị cho mình những kiến thức về bệnh học để giúp phòng bệnh và sớm phát hiện bệnh để có hướng điều trị thích hợp.

xem bệnh nhân sử dụng tốtNguồn: http://www.mayoclinic.org/