Thời tiết lạnh có ảnh hưởng xấu tới bệnh tiểu đường vì có thể làm tăng đường huyết, dễ phát triển biến chứng tim mạch và tăng nguy cơ đột quỵ.
Khi nhiệt độ ngoài trời quá lạnh, cơ thể sẽ phải có những phản ứng để thích nghi, từ đó có thể làm gia tăng lượng đường trong máu. Vì vậy, bạn không nên ở bên ngoài trời lạnh quá lâu, nhất là khi đang có biến chứng tim mạch hoặc biến chứng thần kinh, để tránh bị tổn thương nặng hơn.
Thời tiết lạnh có thể làm tăng đường huyết ở người bệnh tiểu đường
Điều đó giải thích tại sao tỷ lệ người bệnh bị đột quỵ gia tăng mỗi khi thời tiết trở nên lạnh giá. Bạn hãy nhớ đảm bảo uống đủ nước ấm trong ngày. Nhiệt độ thấp cũng làm cho lưu lượng máu xuống nuôi dưỡng chân giảm, cộng thêm sự tê cóng làm mất cảm giác. Cả hai yếu tố này khiến bàn chân của bệnh nhân tiểu đường rất dễ bị tổn thương, dẫn đến vết loét nhiễm khuẩn khó khỏi và trong một số trường hợp phải cắt cụt bàn chân. Do vậy, người bệnh tiểu đường nên hạn chế tập thể dục ngoài trời trong những ngày quá lạnh, thay vào đó hãy vận động bằng cách luyện tập trong nhà.
Đa số máy đo đường máu hoạt động không tốt khi nhiệt độ quá thấp. Trước khi đo hãy làm ấm máy đo bằng chính nhiệt độ của cơ thể (ủ trong lòng bàn tay). Bàn tay cũng cần được làm ấm và tăng tưới máu bằng cách đơn giản như xoa hai vào nhau và quay cánh tay rộng nhất có thể nhiều lần.
Khi thời tiết lạnh, bạn có thể khó nhận biết được các triệu chứng hạ đường huyết vẫn thường quan sát thấy như vã mồ hôi, mệt nhọc, run, rối loạn ý thức... Nếu như lúc đó máy đo đường huyết hoạt động không tốt, và bạn đang phân vân với những triệu chứng như thế liệu mình có bị hạ đường huyết hay không? Hay chỉ là một trạng thái phản ứng của cơ thể do trời lạnh? Thì tốt nhất bạn hãy xử lý như là mình đang bị hạ đường huyết (ví dụ ăn nhẹ một chút bánh hoặc kẹo ngọt), vì nếu sau đó đường máu có tăng cao một chút, thì vẫn dễ điều trị hơn là để biến chứng hạ đường huyết cấp tiến triển đến mức nặng.