Thế nào là biến chứng tiểu đường và những biến chứng tiểu đường thường gặp nhất

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ, biến chứng tiểu đường là 1 trong số 7 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại quốc gia này. Điều đáng sợ nhất ở bệnh tiểu đường chính là các vấn đề về sức khỏe do biến chứng của căn bệnh này gây ra không được báo trước. Người bệnh có thể bị mù lòa hoặc tử vong vì một cơn đau tim hay đột quỵ hoặc nhiễm trùng hay suy thận.

Vậy, thế nào là biến chứng tiểu đường?

Biến chứng tiểu đường là những tổn thương ở mạch máu, thần kinh và các cơ quan trọng khác của cơ thể do rối loạn chuyển hóa đường gây ra. Sự nguy hiểm của biến chứng chính là sự tiến triển âm thầm trong nhiều năm và ảnh hưởng đến mỗi người bệnh theo những cách khác nhau, khó nhận biết ở giai đoạn sớm.

Điểm khởi phát của tất cả các biến chứng bắt đầu từ việc cơ thể bị thiếu hụt hormone chuyển hóa đường, kéo theo các rối loạn chuyển hóa khác và tạo ra vòng xoáy bệnh tật.

Cơ thể cần đường (glucose) để làm năng lượng hoạt động. Nguồn năng lượng này được đưa vào cơ thể thông qua con đường ăn uống. Ở người bình thường, sau khi ăn, đường được đưa đến các mô cơ để tạo năng lượng và được dự trữ ở gan.

Ở người bệnh tiểu đường, lượng đường tồn dư trong máu tăng cao, trong khi tế bào không có glucose để tạo năng lượng, để duy trì hoạt động, cơ thể buộc phải dùng chất béo (mỡ) thay thế. Quá trình đốt cháy chất béo thành năng lượng, làm gia tăng các chất thải độc hại, được gọi chung là các gốc tự do. Chính sự tồn tại của các gốc tự do và sự quá tải của chúng đã tạo ra hàng loạt stress Oxy hóa làm tổn thương mạch máu.

Hệ thống mạch máu của cơ thể bị thít chặt

Hệ thống mạch máu của cơ thể bị thít chặt

Stress oxy hóa cùng với tình trạng viêm mạn tính ở trong lòng mạch máu do bệnh tiểu đường đã thúc đẩy nhanh quá trình xơ vữa mạch máu lớn, chít hẹp mạch máu nhỏ. Từ đó làm giảm khả năng cung cấp máu nuôi dưỡng các cơ quan đích và sinh biến chứng tiểu đường.

Các biến chứng tiểu đường nguy hiểm thường gặp nhất

Biến chứng võng mạc

Đường huyết tăng cao làm tổn thương hệ thống mao mạch ở đáy mắt, gây bệnh võng mạc tiểu đường. Dần dần, người bệnh bị suy giảm thị lực (nhìn mờ, nhòe, đau nhức hốc mắt), nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến mù lòa. Tiểu đường cũng làm tăng nguy cơ một số bệnh về mắt khác như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, phù hoàng điểm.

Giữ đường huyết ổn định và khám đáy mắt định kỳ 3 – 6 tháng/lần là cách tốt nhất để phát hiện sớm biến chứng này.

Các vấn đề về tim mạch

Theo số liệu thống kê của Chương trình phòng ngừa bệnh đái tháo đường Quốc gia, trên 65% số ca tử vong ở người bệnh tiểu đường là do bệnh tim và đột quỵ. Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch gấp 2 lần so với những người bình thường khác, đặc biệt là bệnh tăng huyết áp, bệnh mạch vành, xơ cứng động mạch.

Tổn thương do viêm và stress oxy hóa trong lòng mạch và sự bồi đắp của cholesterol ở thành mạch máu làm hạn chế lưu lượng máu đi nuôi cơ thể, được cho là nguyên nhân chính gây biến chứng này. Ngoài việc ổn định đường máu bằng thuốc điều trị, tập thể dục hàng ngày, thì chế độ ăn giảm chất béo, giảm cholesterol, giảm muối, tăng rau xanh, bỏ thuốc lá, cũng là cách để ngăn chặn rủi ro này.

Bệnh thần kinh tiểu đường

Là biến chứng phổ biến và thường xuất hiện sớm nhất ở người bệnh tiểu đường. Thống kê cho thấy 50% trường hợp xuất hiện biến chứng thần kinh ngay ở thời điểm chẩn đoán, bao gồm:

- Biến chứng thần kinh ngoại biên: Biểu hiện ban đầu có thể chỉ là tê bì, châm chích như kim châm, hoặc nóng rát trên da. Theo thời gian, biến chứng nặng lên khiến người bệnh mất dần cảm giác đau, nóng, lạnh khi tiếp xúc và tư thế đi đứng không thật chân,...

- Biến chứng thần kinh tự chủ: Ảnh hưởng đến dây thần kinh kiểm soát hoạt động tự chủ như nhịp tim, nhịp thở, tuyến tiết (mồ hôi, dịch tiết)…

Bệnh thận do tiểu đường

Theo thời gian, đường trong máu cao gây tổn thương tới hàng triệu vi mạch (mạch máu nhỏ) tại thận, làm suy giảm chức năng lọc, bài tiết của thận. Khi đó, các chất thải thay vì được đào thải ra ngoài, chúng lại bị tích tụ lại trong máu và gây ngộ độc cho tất cả các cơ quan nội tạng của cơ thể. Suy thận được coi là biến chứng nặng nề nhất và chi phí chữa trị cũng tốn kém nhất trong các biến chứng tiểu đường.

Suy thận do biến chứng tiểu đường

Suy thận do biến chứng tiểu đường

Để phòng tránh bệnh thận do tiểu đường, không chỉ cần đưa đường huyết về sát ngưỡng bình thường mà cần phát hiên sớm các dấu vết của biến chứng qua các xét nghiệm nước tiểu và đo mức lọc cầu thận ở mỗi lần khám bệnh.

Biến chứng nhiễm trùng của tiểu đường

Đường trong máu cao là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, đồng thời làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể. Vì vậy, bị nhiễm trùng, như nhiễm trùng răng lợi, tiết niệu, sinh dục, tình trạng viêm nhiễm kéo dài, dai dẳng và khó điều trị là một trong những biến chứng tiểu đường phổ biến mà người bệnh có thể mắc phải.

Khô ngứa da

Da là cơ qua rộng lớn nhất của cơ thể, nên bệnh tiểu đường cũng gây biến chứng trên da theo nhiều cách khác nhau. Cùng với việc mất nước, giảm độ ẩm và rối loạn việc điều tiết mồ hôi do đường huyết cao khiến cho da dễ bị khô ngứa, nứt nẻ, hoặc bị ẩm ướt quá mức ở những vùng có nếp gấp và làm cho da bị nhiễm nấm. Các điểm tì đè hay bị chịu áp lực lớn có thể phát triển thành “chai chân”, mầm mống của bệnh lý bàn chân sau này.

Ngoài các biến chứng thường gặp kể trên, còn rất nhiều biến chứng khác mà người bệnh có thể chưa biết đến như rối loạn xương khớp, suy giảm trí nhớ, trầm cảm cũng gơp phần làm cho bệnh tiểu đường khó chữa trị hơn. Vì vậy, song song với việc kiểm soát đường huyết, phòng ngừa biến chứng cũng là mục tiêu quan trọng không thể tách rời trong điều trị bệnh tiểu đường,

Nguồn tham khảo: https://www.healthline.com/health/diabetes/effects-on-body