Tất cả những điều bạn cần biết về vi rút corona để phòng tránh dịch viêm phổi Vũ Hán

Trong những ngày gần đây, dịch viêm phổi cấp do vi rút corona bắt nguồn từ Vũ Hán, Trung Quốc là tâm điểm của toàn thế giới. Với tốc độ lây lan nhanh chóng, WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu liên quan đến dịch bệnh này. Những thông tin sau đây sẽ giúp bạn chủ động phòng tránh coronavirus để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

Theo thống kê mới nhất ngày 1/2/2020 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổng số ca mắc vi rút corona đã lên tới 11948, tổng số trường hợp tử vong là 259. Tại nước ta, có 5 trường hợp đã được xác nhận dương tính với vi rút này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán thực chất không nguy hiểm nếu chúng ta có kiến thức đúng để chủ động phòng ngừa.

Virus corona là gì?

Virus corona, tên đầy đủ là Novel coronavirus 2019, hay 2019-nCoV, là một loại virus đường hô hấp mới gây bệnh viêm phổi cấp. Ca bệnh đầu tiên được xác định ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

Vi rút corona xuất phát từ đâu?

Nguồn gốc của nCoV hiện chưa được xác định chính xác. Virus này là một họ lớn, có thể gây bệnh ở người và một số loài động vật như lạc đà, mèo, cầy hương và dơi. Các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới đang nỗ lực phân tích cây di truyền của virus này để tìm ra nguồn gốc của nCoV.

Con đường lây lan của bệnh viêm phổi virus corona

Vi rút corona lây lan trực tiếp từ người sang người thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh (bao gồm: mồ hôi, nước bọt, đờm, chất nhầy mũi, nôn, nước tiểu hoặc phân tiêu chảy…). Khi người mang vi rút ho, hắt hơi, xì mũi hoặc bắt tay có thể thiến người xung quanh bị phơi nhiễm. Nếu bạn chạm tay vào một vật có chứa dịch cơ thể của người bệnh, sau đó đưa tay lên miệng, mũi hoặc dụi mắt,... bạn cũng có thể bị lây nhiễm vi rút Vũ Hán.

Các quốc gia đã có ca nhiễm vi rút corona (Nguồn CDC - Cập nhật đến 31/1/2020)

Các quốc gia đã có ca nhiễm vi rút corona (Nguồn CDC - Cập nhật đến 31/1/2020)

Bệnh viêm phổi corona có triệu chứng như thế nào?

Sau khi bị nhiễm nCoV, các triệu chứng sẽ xuất hiện sau khoảng 2 - 14 ngày. Đây cũng là thời gian ủ bệnh và hoàn toàn có thể lây lan cho những người xung quanh. Triệu chứng thường gặp bao gồm sốt, ho và khó thở. Các triệu chứng khác bao gồm sổ mũi, đau đầu, đau họng…

Triệu chứng nó thể nặng hay nhẹ hơn tùy thuộc vào thể trạng người bệnh.

Những ai dễ bị mắc viêm phổi do coronavirus?

Người mắc bệnh tim mạch, bệnh phổi và những người có hệ miễn dịch yếu như người già, trẻ em, người bệnh tiểu đường, người đang sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch (mới ghép tạng, bệnh lupus ban đỏ…) là những đối tượng có nguy cơ cao mắc viêm phổi Vũ Hán.

Cách phòng chống virus corona

Hiện tại, chưa có vaccine để ngăn ngừa nhiễm vi rút corona. Vì vậy, cách tốt nhất để ngăn ngừa là tránh tiếp xúc với nguồn bệnh và chủ động tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.

Tránh tiếp xúc với vi rút corona

Cũng như các loại vi rút, vi khuẩn khác, bạn có thể giảm nguy cơ nhiễm nCoV bằng những thói quen đơn giản sau đây:

- Rửa ray bằng xà phòng tối thiểu 20 giây sau khi đến những nơi công cộng có chạm tay vào các vật dụng như tay nắm cửa, lan can cầu thang, hàng hóa ở chợ/siêu thị (bổ sung thêm để cụ thể hóa nội dung rửa tay). Sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn có chứa ít nhất 60% cồn nếu không có xà phòng và nước.

- Khi ho và hắt hơi, cần che miệng và mũi bằng khuỷu tay hoặc khăn giấy. Sau đó, cần vứt khăn giấy rửa tay ngay.

- Tránh chạm tay chưa rửa sạch lên mắt, mũi, miệng.

- Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh; người có biểu hiện sốt, ho, khó thở và người mới đến vùng dịch.

- Nếu có biểu hiện sốt, ho và khó thở, hãy đeo khẩu trang và đến ngay bệnh viện. Đồng thời chia sẻ lịch trình di chuyển của bạn cho các bác sĩ để phục vụ công tác ngăn ngừa bệnh lây lan. Bạn có thể liên hệ các bệnh viện sau nếu nghi ngờ nhiễm viêm phổi Vũ Hán:

Số điện thoại đường dây nóng của các bệnh viện bạn có thể liên hệ khi nghi ngờ nhiễm virus corona

Số điện thoại đường dây nóng của các bệnh viện bạn có thể liên hệ khi nghi ngờ nhiễm virus corona

- Khi đi chợ hoặc đến các khu vực có ca nhiễm coronavirus mới, tránh tiếp xúc trực tiếp với thịt động vật sống.

- Không tiêu thụ các sản phẩm từ động vật còn sống hoặc chưa được nấu chín. Thịt, sữa hoặc nội tạng động vật cần được bảo quản riêng để tránh lây nhiễm chéo với các thực phẩm chưa nấu chín.

- Nếu tiếp xúc với người bệnh, cần tự cách ly và theo dõi 14 ngày.

- Làm sạch và khử trùng các vật và bề mặt thường xuyên chạm vào bằng cồn hoặc dung dịch tiệt trùng.

- Không nên di du lịch đến Trung Quốc vì đây là ổ dịch.

- Khi đến nơi đông người hoặc tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh, cần đeo khẩu trang đúng cách theo hướng dẫn của Bộ Y tế:

 

Hướng dẫn đeo khẩu trang đúng cách để phòng chống virus corona

8 cách tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể

Hệ miễn dịch giúp bạn chống chọi khi có vi khuẩn, virus tấn công. Vì vậy, nếu có một hệ miễn dịch khỏe mạnh, bạn cũng tránh được nguy cơ mắc viêm phổi do vi rút corona nếu chẳng may tiếp xúc với người bệnh. Để có một hệ miễn dịch khỏe mạnh, trước tiên, bạn cần một lối sống lành mạnh. Dưới đây là những cách tăng cường miễn dịch hiệu quả, được khuyến cáo bởi Đại học Harvard (Hoa Kỳ):

1. Không hút thuốc lá

Cảm giác buồn nôn và ho sau khi hút thuốc lá có lẽ chính là cách mà cơ thể “nói” cho ta biết có quá nhiều hóa chất độc hại mà ta đang đưa vào cơ thể mình. Các chất này không chỉ gây ung thư mà còn làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể. Vì vậy, hãy tránh xa thuốc lá để bảo tồn hệ miễn dịch của bạn.

2. Ăn nhiều trái cây và rau quả

Ăn nhiều trái cây và các loại rau quả chứa vitamin C, vitamin E, beta-carotene và kẽm là cách hiệu quả để tăng cường hệ miễn dịch. Một số lựa chọn cho bạn: Trái cây họ cam quýt, kiwi, táo, nho đỏ, cải xoăn, hành tây, rau bina, khoai lang, cà rốt…

Tỏi cũng là một loại thực phẩm đặc biệt tốt cho hệ miễn dịch, giúp chống lại virus và vi khuẩn.

3. Tập thể dục thường xuyên

Cố gắng tập thể dục đều đặn, vừa phải , như đi bộ 30 phút mỗi ngày. Điều này sẽ giúp hệ miễn dịch chống lại nhiễm trùng. Tập thể dục cũng có thể giúp bạn ngủ ngon hơn và điều này vô hình chung cũng rất có lợi cho hệ miễn dịch.

4. Uống rượu có chừng mực

Chất cồn trong rượu, bia làm giảm lượng bạch cầu trong máu. Bạch cầu đóng vai trò rất quan trọng trong hệ miễn dịch, giúp bảo vệ cơ thể khỏi cuộc tấn công của các vi khuẩn, virus có hại. Cơ quan Y tế quốc gia Anh khuyến cáo lượng rượu như sau:

- Nam giới: Không nhiều hơn 3 – 4 đơn vị/ngày.

- Nữ giới: Không nhiều hơn 2 – 3 đơn vị/ngày.

Một đơn vị uống chuẩn chứa 10gr cồn, tương đương với 1 chén rượu mạnh (40 độ, 30ml); 1 ly rượu vang (13,5 độ, 100ml); 1 vại bia hơi (330ml); 2/3 chai hoặc lon bia (330ml), theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

5. Ngủ đủ giấc

Khi thiếu ngủ, cơ thể sẽ sản sinh ra nhiều hormone gây ức chế miễn dịch. Đó là lý do những người thiếu ngủ thường mắc các bệnh nhiễm trùng nhiều hơn những người ngủ đủ giấc. Hãy cố gắng ngủ 7 - 9 tiếng mỗi ngày.

6. Cố gắng giảm thiểu căng thẳng

Căng thẳng kéo dài khiến cơ thể sản sinh ra hormone ức chế miễn dịch. Bạn không thể tránh khỏi căng thẳng hoàn toàn, tuy nhiên có một số cách để giảm thiểu như: Thiền, tập thể dục, nghe nhạc, đọc sách, sống chậm hơn và kết nối với những người khác. Một nghiên cứu cho thấy, thiền giúp cơ thể tạo ra nhiều kháng thể chống lại bệnh cúm và tăng phản ứng miễn dịch lên sau 4 tháng.

7. Hạn chế sử dụng thực phẩm chứa nhiều bột đường đã qua tinh chế vì làm tăng đường huyết. Đường huyết tăng cao làm ức chế hệ miễn dịch hoạt động

8. Giữ ấm cơ thể và giữ gìn vệ sinh đường hô hấp để phòng virus xâm nhập. Súc miệng bằng nước muối 0.9% mỗi khi vệ sinh răng miệng. Uống nước ấm thường xuyên để chống khô họng, vì khi khô họng, dịch nhày tiết ít hơn và virus, vi khuẩn dễ xâm nhập

Bạn đã làm gì để phòng chống virus corona và bệnh viêm phổi Vũ Hán? Hãy thực hiện ngay những hướng dẫn trong bài viết này để bảo vệ bản thân và gia đình trước đại dịch này nhé!

Nguồn:

https://www.who.int/emergencies/diseases/novel-coronavirus-2019/advice-for-public

https://www.who.int/publications-detail/home-care-for-patients-with-suspected-novel-coronavirus-(ncov)-infection-presenting-with-mild-symptoms-and-management-of-contacts

https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/hcp/guidance-prevent-spread.html

https://www.cdc.gov/coronavirus/about/symptoms.html

https://www.health.harvard.edu/staying-healthy/how-to-boost-your-immune-system

https://www.webmd.com/cold-and-flu/cold-guide/10-immune-system-busters-boosters#1

http://vncdc.gov.vn/vi/phong-chong-dich-benh-viem-phoi-cap-ncov