Tăng nguy cơ đái tháo đường typ2 ở phụ nữ bị stress

Stress gây rối loạn chuyển hóa, rối loạn tâm thần dẫn đến tăng đường huyết, tăng cân, mất ngủ, do đó tăng nguy cơ mắc đái tháo đường (ĐTĐ) typ2, đặc biệt là ở phụ nữ.

Cùng với cuộc sống hiện đại là những nguy cơ dẫn đến các bệnh lý tim mạch, tiêu hóa, run tay chân, tiểu đường… Stress là một trong những yếu tố nguy cơ cao dẫn đến các bệnh lý trên, đặc biệt tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường typ2 ở phụ nữ - đối tượng thường xuyên phải đối mặt với stress do phải đảm đương nhiều công việc như chăm sóc gia đình, con cái, việc làm… đồng thời phải trải qua một số thời kì làm thay đổi nội tiết tố trong cơ thể như thời kì mang thai, giai đoạn tiền mãn kinh.

Stress và nguy cơ mắc đái tháo đường typ2 ở phụ nữ

Các nhà khoa học từ Viện dịch tễ học Munich – Đức đã tiến hành nghiên cứu trên 5.337 người khỏe mạnh ở độ tuổi từ 29 – 66 đang đi làm và đánh giá một số yếu tố như tiền sử gia đình, chỉ số BMI, áp lực công việc (stress). Trong 12 năm, có khoảng 300 người đã mắc bệnh đái tháo đường typ2 và gặp tỉ lệ cao ở những người luôn phải đối mặt với tình trạng căng thẳng trong công việc. Giáo sư Karl-Heinz Ladwig – người tham gia nghiên cứu cũng cho biết: Hiện nay khoảng 1/5 số người lao động gặp phải tình trạng căng thẳng hay stress trong công việc. Stress tăng gần gấp đôi nguy cơ mắc ĐTĐ, kể cả ở những người có chỉ số BMI bình thường.

Tăng 45% nguy cơ mắc đái tháo đường typ2 ở phụ nữ bị stress

Tăng 45% nguy cơ mắc đái tháo đường typ2 ở phụ nữ bị stress

Giáo sư Karestan Koenen cùng các cộng sự thuộc trường Đại học Y tế công cộng Columbia Mailma – Mỹ cũng đã tiến hành nghiên cứu trên 49.739 nữ y tá ở độ tuổi 24 – 42 và đánh giá các chỉ số cân nặng, thói quen hút thuốc, triệu chứng stress sau chấn thương. Kết quả cho thấy có hơn 3.000 nữ y tá phát triển bệnh ĐTĐ typ2; những phụ nữ bị rối loạn stress sau chấn thương, có nguy cơ cao mắc ĐTĐ typ2 và cao gấp 2 lần so với những phụ nữ bình thường.

Tiến sĩ Alasdair Rankin – Giám đốc nghiên cứu của Hiệp hội bệnh tiểu đường Anh cho rằng: Để giảm nguy cơ mắc ĐTĐ typ2, ngoài việc kiểm soát cân nặng bằng chế độ ăn uống khoa học, luyện tập thể dục thường xuyên thì việc kiểm soát stress cũng đóng một vai trò rất quan trọng.

Stress gây tăng đường huyết, tăng cân

Stress gây tăng tiết một số hormon như epinephrine, cortisol để tạo glucose từ glycogen dự trữ ở gan, đồng thời lại gây giảm tác dụng của insulin dẫn đến nồng độ glucose tăng cao trong máu. Mặt khác cortisol còn gây rối loạn chuyển hóa chất béo: tăng nồng độ acid béo tự do, thay đổi phân bố mỡ trong cơ thể (tăng lắng đọng mỡ ở vùng ngực, bụng, mặt).

Bên cạnh đó, stress cũng khiến người bệnh không kiểm soát được thói quen ăn uống và có xu hướng thèm ăn chất ngọt, chất béo, ăn nhiều nhưng nhanh đói; đồng thời cũng khiến người bệnh lười vận động dẫn đến tăng cân nhanh, làm tăng nguy cơ mắc ĐTĐ typ2.

Tăng đường huyết, tăng cân là 2 yếu tố nguy cơ cao tiến triển thành ĐTĐ typ2, do vậy người bệnh cần có một số biện pháp để kiểm soát tốt stress, đồng thời duy trì đường huyết và cân nặng, sẽ giúp giảm nguy cơ mắc ĐTĐ typ2 như:

- Khi căng thẳng, bạn có thể thư giãn bằng cách nghe nhạc, đọc sách, đi bộ, làm những việc yêu thích, tắm nước nóng hay tập thiền, yoga sẽ giúp bạn trấn tĩnh, thư thái, giảm căng thẳng. Bạn cũng nên thường xuyên gặp gỡ, nói chuyện với người thân, bạn bè để chia sẻ những áp lực trong cuộc sống và mang lại sự thoải mái ,vui vẻ. Không nên làm việc quá sức, thức khuya, ngủ thiếu giấc, nên có những giấc ngủ sâu và đặc biệt không nên bỏ qua giấc ngủ trưa.

Luyện tập thể dục giúp giải tỏa stress và duy trì cân nặng

Luyện tập thể dục giúp giải tỏa stress và duy trì cân nặng

- Tăng cường vận động là một biện pháp giải tỏa stress rất hữu hiệu, do giúp giải phóng và cân bằng năng lượng của não bộ. Luyện tập thể dục thể thao sẽ tăng cường lưu thông khí huyết, tăng cường sức khỏe và giúp người bệnh quên đi những áp lực đè nén trước đó, làm tinh thần sảng khoái; đồng thời còn giúp giảm nồng độ đường trong máu, đốt cháy năng lượng dư thừa, là biện pháp giảm cân, duy trì cân nặng hiệu quả, an toàn.

- Có kế hoạch ăn uống hợp lý để kiểm soát cân nặng, đường huyết: Ăn đúng bữa, hạn chế đồ ngọt, chất béo. Khi có cảm giác thèm ăn nên ăn uống nhiều nước, ăn rau xanh hoặc hoa quả có hàm lượng đường thấp, không ăn vặt, đặc biệt là đồ ăn nhanh, bánh kẹo, socola…

Làm việc nhà, tăng cường vận động, thư giãn có thể giúp giảm cảm giác thèm ăn. Bên cạnh đó, người bệnh không nên sử dụng rượu bia, cafein, chè đặc, thuốc lá – là những yếu tố kích thích có thể làm nặng hơn tình trạng stress, đồng thời cũng gây tăng đường huyết làm tăng nguy cơ mắc ĐTĐ typ2.

- Nếu các biện pháp trên không giúp cải thiện được tình trạng stress thì bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn, chia sẻ giúp bạn giải tỏa căng thẳng, hoặc nếu cần bác sĩ có thể kê cho bạn sử dụng một số loại thuốc để cải thiện tình trạng. Bạn cũng có thể tham gia các lớp học, câu lạc bộ giải tỏa stress để được giúp đỡ và có phương pháp cải thiện hiệu quả.

Stress không chỉ gây tăng đường huyết ở người bệnh đái tháo đường mà còn làm tăng đường huyết ở cả những người chưa mắc ĐTĐ. Bên cạnh đó, khi đường huyết tăng cao lại làm nặng hơn tình trạng stress. Do vậy, những người thường xuyên bị stress, đặc biệt là phụ nữ, cần có giải pháp cân bằng áp lực cuộc sống sẽ giúp đẩy lùi stress, đồng thời kiểm tra đường huyết định kỳ để phòng ngừa tiến triển thành ĐTĐ typ2.

Nguồn tham khảo: http://www.webmd.com/ http://www.medicalnewstoday.com/ http://womenshealth.gov/