Suy giảm trí nhớ ở người bệnh tiểu đường tuổi trung niên

Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường ở tuổi trung niên, ưu tiên số 1 phải là kiểm soát tốt đường huyết và tăng cường sức khỏe não bộ. Bởi theo một số nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học đã tìm ra nhiều bằng chứng cho thấy: biến chứng của bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến não bộ, gây giảm trí nhớ, sự chú ý và kỹ năng nhận thức sau này.

Mối liên quan giữa bệnh tiểu đường và suy giảm trí nhớ

Elizabeth Selvin - Tiến sĩ dịch tễ và y học của trường Y tế công cộng Johns Hopkins Bloomberg tại Baltimore, Mỹ cùng các cộng sự đã tiến hành một nghiên cứu trên quy mô lớn, để chứng minh mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và nguy cơ suy giảm trí nhớ cho người bệnh ở tuổi trung niên.

Nghiên cứu được tiến hành trên 13351 tình nguyện viên trong độ tuổi 48 – 67, đến từ 4 khu vực Maryland, Minnesota, Mississippi và Bắc Carolina, Mỹ. Các tình nguyện viên nhận được bài kiểm tra về khả năng nhận thức, sau đó lặp lại vào thời điểm 6 và 20 năm sau, nhằm đánh giá khả năng ghi nhớ của họ.

Kết quả cho thấy, những người bệnh tiểu đường, đặc biệt là người bệnh lâu năm và người bệnh thường xuyên gặp khó khăn trong việc kiểm soát đường huyết có điểm số thấp hơn 19% so với những người khỏe mạnh trong cùng độ tuổi, điều này đồng nghĩa với việc họ bị suy giảm trí nhớ và nhận thức nhanh hơn.

Đọc thêm: Giải pháp từ thiên nhiên giúp ngăn ngừa và cải thiện biến chứng của tiểu đường.

Kết quả này cho thấy mối liên quan giữa tiền tiểu đường và bệnh tiểu đường với nguy cơ suy giảm trí nhớ sau này ở người bệnh. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng cho biết, nó chưa đủ để kết luận chính xác xem các rối loạn đường máu có phải là nguyên nhân thực sự gây ra vấn đề này hay không. Theo các chuyên gia, bệnh tiểu đường làm tổn thương các mạch máu, trong đó có mạch máu não và đây có thể là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này. Một số giả thiết khác cho rằng, vì glucose là nguồn dinh dưỡng chính nuôi dưỡng não bộ, nên nó cũng xảy ra tình trạng đề kháng insulin. Chính tình trạng đề kháng insulin trong não bộ là cơ hội để hình thành các mảng bám có tên là amyloid - nguyên nhân gây bệnh Alzheimer và làm suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi.

Người bệnh tiểu đường có nguy cơ cao bị suy giảm trí nhớ và khả năng nhận thức sau này

Người bệnh tiểu đường có nguy cơ cao bị suy giảm trí nhớ và khả năng nhận thức sau này

Chiến lược bảo vệ não bộ ngay từ bây giờ

Phát hiện của nhóm nghiên cứu về mối liên quan giữa người mắc đái tháo đường tuổi trung niên với nguy cơ suy giảm trí nhớ đã mở ra phương pháp tiếp cận tích cực hơn trong việc quản lý đường trong máu, đặc biệt là ngăn ngừa biến chứng tiểu đường ở tuổi trung niên có thể giúp ngăn chặn bệnh Alzheimer trong tương lai. Nhưng các nhà khoa học cũng cảnh báo các bác sĩ nên thận trọng về việc giảm mức đường trong máu quá nhanh hoặc quá thấp ở cao tuổi, vì họ rất dễ bị tổn thương trước tác động của hạ đường huyết, nên có thể lợi bất cập hại.

Theo Hiệp hội tiểu đường Mỹ, nếu đang mắc bệnh tiểu đường, bạn có thể phòng tránh nguy cơ suy giảm trí nhớ bằng cách sau:

- Kiểm soát đường huyết càng gần giới hạn càng tốt.

- Tập thể dục đều đặn, vừa sức, và duy trì cân nặng ở mức tối ưu

- Chế độ ăn giảm chất béo và cholesterol, tăng cường trái cây và rau quả.

- Tích cực tham gia các hoạt động mang tính giải trí và thư giãn, nhưng cũng đòi hỏi sự vận dụng trí não thường xuyên.

Tiến sĩ Elizabeth Selvin chia sẻ: “Muốn có được một trí tuệ tốt ở tuổi 70, bạn nên rèn luyện từ năm 50 tuổi, điều này quan trọng với bất cứ ai, đặc biệt là bệnh nhân tiểu đường”.

Nguy cơ bị suy giảm trí nhớ ở những người bị tiểu đường là rất cao, tuy nhiên không phải là không thể phòng tránh. Hãy kiểm soát tốt đường huyết của bạn ngay từ hôm nay để tránh xa các biến chứng của bệnh tiểu đường và có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Chia sẻ bệnh nhân điều trị tiểu đường hiệu quả

Theo nguồn:http://consumer.healthday.com