Người bệnh đái tháo đường mắc kèm tăng huyết áp sẽ thúc đẩy nhanh quá trình tiến triển của biến chứng trên tim mạch, thận, mắt, thần kinh…
Theo một thống kê cho thấy, có tới 60 - 80% người mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) typ 2 bị tăng huyết áp. Bệnh đái tháo đường kèm tăng huyết áp làm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong và đột quỵ, tăng gấp 3 lần nguy cơ bệnh mạch vành, thúc đẩy nhanh quá trình tiến triển của các biến chứng trên tim mạch, mắt, thận, thần kinh…
Kiểm soát tốt huyết áp cũng như các chỉ số đường huyết và mỡ máu là những vấn đề rất quan trọng đối với người mắc bệnh tiểu đường, giúp phòng ngừa và làm chậm quá trình phát triển của biến chứng.
Huyết áp là áp lực của máu lên các thành mạch. Huyết áp của người khỏe mạnh bình thường là 120/80mg. Một người được cho là cao huyết áp (HA) khi HA > 140/90mmHg, trong đó HA tâm thu > 140mmHg (HA tâm thu là huyết áp đo được khi tim co bóp máu đi) và/hoặc HA tâm trương > 90mmHg (HA tâm trương là huyết áp đo được khi máu trở về tim). Đối với người mắc bệnh đái tháo đường typ 2 mục tiêu điều trị là đưa huyết áp về mức < 130/85mmHg. Việc điều trị cao huyết áp cho người ĐTĐ typ 2 có thể tùy vào tình trạng bệnh mà sử dụng phương pháp dùng thuốc hay không dùng thuốc hoặc kết hợp cả hai.
Bệnh nhân tiểu đường cần kiểm tra huyết áp thường xuyên để phòng ngừa các biến chứng
Xem thêm: • Giải pháp cho biến chứng bệnh tiểu đường • ALA công thức hóa giải biến chứng bệnh tiểu đường
- Giảm cân nặng nếu bệnh nhân thừa cân hoặc béo phì, xác định mức độ thừa cân và mục tiêu dự trên chỉ số BMI = cân nặng/chiều cao2 (kg/m2).
o Bình thường: BMI = 18,5 - 22,9 kg/m2
o Thiếu cân: BMI< 18,5 kg/m2
o Thừa cân: BMI = 23 – 24,9 kg/m2
o Béo phì: BMI ≥ 25 kg/m2
- Giảm vòng eo: nam < 90 cm, nữ < 80 cm.
- Ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi (những quả ít ngọt như: Thanh long, táo, bưởi) và protein từ thực vật (các chế phẩm từ đậu tương); hạn chế ăn các chất béo và chất béo bão hòa, những thực phẩm chứa nhiều cholesterol.
- Ăn giảm muối (< 6g/ngày - tương đương 1 thìa cà phê gạt ngang).
- Hạn chế uống rượu, bia: Không quá 2 ly rượu nhỏ/ngày (30 ml), < 750 ml bia.
- Ngừng hút thuốc lá.
- Tăng cường hoạt động thể lực: Đi bộ nhanh 30 - 45 phút/ngày vào hầu hết các ngày trong tuần. Với người có bệnh tim mạch và các bệnh mạn tính khác như tiểu đường cần được bác sĩ cho chỉ định cách tập luyện hợp lý.
Những bệnh nhân có huyết áp tâm thu 130 - 139 mmHg hoặc huyết áp tâm trương 80 - 89mmHg cần được áp dụng biện pháp không dùng thuốc đơn độc trong 3 tháng, nếu không đạt được huyết áp mục tiêu thì phải kết hợp với việc dùng thuốc.
Có rất nhiều nhóm thuốc dùng để điều trị cao huyết áp như: Thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn thụ thể, thuốc đối kháng canxi, thuốc giãn mạch, thuốc tác động lên hệ thần kinh trung ương, thuốc ức chế men chuyển... Hầu hết các nhóm thuốc cao huyết áp đều có những tác dụng phụ. Vì vậy thầy thuốc luôn phải cân nhắc lựa chọn nhóm thuốc nào có tác dụng tối ưu và hạn chế tác dụng phụ, đặc biệt là những tác dụng phụ trên thận để điều trị tăng huyết áp cho người bệnh ĐTĐ typ 2.
Nhóm thuốc ức chế men chuyển (ACE) như Captopril, Enalapril... là nhóm thuốc được sử dụng nhiều nhất nên được lựa chọn đầu tiên ở bệnh nhân ĐTĐ có tăng HA, do vừa có tác dụng hạ huyết áp vừa có tác dụng bảo vệ thận. ACE có tác dụng ngăn chặn sự chuyển angiotensin I thành angiotensin II (là chất có tác dụng co mạch), do đó làm giãn mạch và hạ huyết áp. Thuốc còn có tác dụng làm giảm phì đại thất trái, giảm protein niệu và microalbumin niệu, do đó làm chậm tốc độ tiến triển bệnh thận (ở cả đái tháo đường typ 1 và đái tháo đường typ 2).
Thành công trong điều trị tăng huyết áp kèm theo đái tháo đường typ 2 thường đòi hỏi một trị liệu kết hợp, giữa các thuốc đơn độc hoặc với viên kết hợp liều cố định. Tùy trường hợp, các thầy thuốc có thể phối hợp ức chế men chuyển với lợi tiểu, hoặc ức chế men chuyển với chẹn kênh canxi để đạt hiệu quả điều trị như mong muốn.