Phụ nữ và bệnh tiểu đường

Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nam giới trong việc kiểm soát đường huyết do ảnh hưởng của chu kỳ kinh nguyệt, sử dụng thuốc tránh thai và nội tiết tố.

Ảnh hưởng của chu kỳ kinh nguyệt với bệnh tiểu đường

Biến động của nồng độ hormone trong các chu kỳ kinh nguyệt có thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát lượng đường trong máu. Khi lượng Estrogen tự nhiên cao, cơ thể của bạn có thể trở nên đề kháng với Insulin (cả Insulin của cơ thể lẫn Insulin được tiêm vào). Nhiều phụ nữ nhận thấy rằng, lượng đường trong máu của họ có xu hướng cao hơn vào khoảng 3-5 ngày trước, trong hoặc sau khi chu kỳ kinh nguyệt.

Ảnh hưởng của chu kì kinh nguyệt lên lượng đường trong máu là khác nhau ở mỗi người. Cách duy nhất để quản lý tốt đường huyết trong giai đoạn này là thường xuyên theo dõi và ghi lại mức độ thay đổi đường huyết trong khoảng thời gian trước, trong và sau chu kì, lặp lại ít nhất 2-3 tháng cho đến khi nhận thấy được biểu đồ thay đổi của riêng bạn. Điều này cho phép bạn điều chỉnh liều Insulin và chế độ ăn cả trước, trong và sau thời gian này để kiểm soát tốt hơn lượng đường trong máu.

Phụ nữ bị tiểu đường khó kiểm soát đường huyết hơn nam giới

Phụ nữ bị tiểu đường khó kiểm soát đường huyết hơn nam giới

Các triệu chứng tiền kinh nguyệt (PMS) như đau, đầy hơi, khó chịu cũng có thể trở nên nặng hơn khi kiểm soát đường huyết không tốt. Khi đó cần kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên hơn và dùng Insulin phụ hoặc tập thể dục giảm mức đường huyết xuống.

Cảm giác thèm ăn trong giai đoạn tiền kinh nguyệt được kích hoạt bởi sự gia tăng Progesterone (thường là thèm Sôcôla hay các loại thực phẩm ngọt) có thể gây khó khăn hơn cho việc kiểm soát đường huyết. Lúc này bạn phải cố gắng tự cho vào danh sách thực đơn của mình những thực phẩm không đường và chất béo, đồng thời phải tăng liều Insulin hoặc tăng tập thể dục để bù đắp.

Bạn cũng có thể bị hạn chế tập luyện trong thời gian này. Vì vậy, tăng liều Insulin có thể là một lựa chọn tốt để giữ cho lượng đường trong máu ổn định.

Sử dụng thuốc tránh thai và bệnh tiểu đường

Phụ nữ bị đái tháo đường typ 2 sử dụng thuốc tránh thai có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Vì vậy nếu bạn lựa chọn sử dụng phương pháp tránh thai bằng thuốc, hãy sử dụng một viên thuốc liều thấp kèm theo kiểm tra lượng Cholesterol và huyết áp thường xuyên.

Thời kỳ mãn kinh và bệnh tiểu đường

Ở thời kỳ mãn kinh, cơ thể giảm sản xuất các hormone Estrogen và Progesterone cho đến khi không còn kinh nguyệt. Estrogen và Progesterone có thể ảnh hưởng đến đáp ứng của tế bào với Insulin. Sự thay đổi của nồng độ hormone có thể làm biến động mạnh lượng đường trong máu, khiến cho việc kiểm soát đường huyết trở nên khó khăn, dễ dẫn đến nhiều biến chứng tiểu đường nguy hiểm như tổn thương thần kinh, các bệnh về mắt, tim mạch… Vì vậy, trong thời kỳ này bệnh nhân cần phải thường xuyên kiểm tra đường huyết để có những điều chỉnh kịp thời trong điều trị nhằm giữ lượng đường máu ổn định ở giới hạn cho phép. 

Đời sống tình dục của phụ nữ mắc bệnh tiểu đường

Hầu hết những phụ nữ mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt là tiểu đường loại 2 đều ít hay nhiều gặp các vấn đề về đời sống tình dục. Quản lý bệnh tiểu đường bằng cách kiểm soát tốt đường huyết có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề này.

Khô âm đạo: Ít dịch bôi trơn âm đạo có thể do nồng độ hormone thấp, tổn thương mạch máu hoặc tổn thương thần kinh (ngăn chặn quá trình gây kích thích và sản xuất chất dịch). Ngoài ra, căng thẳng, tuổi tác, mang thai và một số thuốc cũng có thể làm giảm sản lượng dịch. Trong trường hợp này, sử dụng chất bôi trơn là một giải pháp dễ dàng, hoặc người bệnh cũng có thể lựa chọn điều trị bằng nội tiết tố.

Nhiễm trùng: Nhiễm nấm (viêm âm đạo) gây ra bởi một loại nấm trong âm đạo, lượng đường trong máu cao sẽ khiến nó phát triển nhanh hơn. Nếu không được điều trị, có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu nghiêm trọng. Những nhiễm trùng gây đau, ngứa có thể được điều trị bằng các loại kem bôi và thuốc uống, nhưng quan trọng nhất vẫn cần kiểm soát tốt lượng đường trong máu.

Độ kín âm đạo: Do co thắt cơ xung quanh cửa âm đạo, âm đạo hẹp có thể gây khó khăn hoặc đau đớn khi quan hệ tình dục. Bài tập thư giãn cơ bắp gọi là "Kegel" có thể cải thiện được tình trạng này. Nó được thực hành bằng cách thắt chặt các cơ để ngăn chặn dòng chảy của nước tiểu, sau đó thư giãn. Sử dụng kỹ thuật này trước hoặc trong quá trình quan hệ tình dục.

Khó đạt cực khoái: Những vấn đề trên có thể gây đau đớn hoặc khó chịu khi quan hệ tình dục, làm cho việc đạt cực khoái trở nên khó khăn. Ngoài ra, sự tổn thương các dây thần kinh cũng làm giảm cảm giác dẫn đến cực khoái. Những ảnh hưởng về tâm lý cũng có thể làm giảm ham muốn tình dục. Hãy đến gặp các bác sĩ phụ khoa nếu bạn đang có những vấn đề này.

Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường hãy luôn chú ý quan tâm đến tình trạng sức khỏe của mình và kiểm soát tốt đường huyết để bệnh tiểu đường và biến chứng của nó không còn là nỗi lo lắng cho bản thân và gia đình bạn.

Chia sẻ bệnh nhân điều trị tiểu đường hiệu quả

Trích nguồn: http://www.diabetesnet.com