Biến chứng thần kinh tự chủ có thể gây tổn thương đến hầu hết các cơ quan trong cơ thể và làm suy giảm chất lượng cuộc sống người bệnh. Khi một biến chứng ở cơ quan nào đó xuất hiện có nghĩa các biến chứng đã lan tỏa nhiều nơi, do vậy người bệnh cần sớm có biện pháp điều trị để phòng ngừa các biến chứng khác phát triển.
Đái tháo đường là bệnh mãn tính, có nguy cơ gây ra nhiều biến chứng thần kinh nguy hiểm bao gồm bệnh lý thần kinh ngoại biên và bệnh lý thần kinh tự chủ. Thần kinh tự chủ bao gồm hệ thần kinh giao cảm, phó giao cảm kiểm soát mọi hoạt động của các cơ quan, nội tạng trong cơ thể như tim, phổi, mắt, ruột, bàng quang, cơ quan sinh dục… Biến chứng thần kinh tự chủ do bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) có thể gây tổn thương bất kỳ cơ quan, nội tạng nào. Tuy nhiên nếu biết cách kiểm soát đường huyết và phòng ngừa biến chứng bệnh tiểu đường, người bệnh đái tháo đường hoàn toàn có thể chung sống hoà bình với căn bệnh này.
Đường huyết tăng cao kéo dài làm mất sự nhạy cảm của các sợi thần kinh và gây rối loạn khả năng dẫn truyền tín hiệu. Mặt khác, nồng độ đường trong máu tăng cao và kéo dài làm qúa trình oxy hóa diễn ra mạnh mẽ và sinh nhiều gốc tự do gây hủy hoại các mạch máu. Bên cạnh đó, bệnh ĐTĐ gây rối loạn chuyển hóa lipid, làm tăng nồng độ chất béo trong máu và nguy cơ hình thành các mảng xơ vữa trong lòng mạch. Mạch máu bị tổn thương, chít hẹp sẽ giảm cung cấp oxy và dưỡng chất nuôi dưỡng các cơ quan, nội tạng và sợi thần kinh.
Hậu quả của 2 quá trình trên là các biến chứng thần kinh ở hầu hết cơ quan, nội tạng; gây ra các triệu chứng khiến người bệnh đau đớn dai dẳng, làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Bệnh tiểu đường gây biến chứng ở hầu hết các cơ quan, nội tạng
Sự hình thành và diễn biến của biến chứng thần kinh tự chủ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố bao gồm:
- Kiểm soát đường huyết kém: Đây là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất làm thúc đẩy nhanh tiến trình sinh biến chứng thần kinh tự chủ ở người bệnh ĐTĐ cũng như nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
- Mắc bệnh ĐTĐ lâu năm: Những người mắc bệnh ĐTĐ lâu năm sẽ có nguy cơ cao mắc biến chứng thần kinh tự chủ. Phần lớn những người mắc bệnh trên 15 năm đều có xuất hiện biến chứng này.
- Bệnh thận: Bệnh thận làm giảm chức năng lọc của thận, tăng các chất độc trong máu, do đó gây tổn thương các tế bào thần kinh, mạch máu và tăng nhanh quá trình biến chứng ở các cơ quan khác.
- Hút thuốc lá: làm hẹp và cứng động mạch, do đó giảm lưu lượng máu nuôi dưỡng đến các tế bào.
Biến chứng hệ thần kinh tự chủ có thể gây tổn thương một hoặc nhiều cơ quan, nội tạng với các triệu chứng điển hình như:
- Bệnh tim: Tăng nhịp tim khi nghỉ, nhịp tim nhanh liên tục, tụt huyết áp tư thế đứng, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim không đau…
- Bệnh về mắt: Mắt nhìn mờ, xuất hiện điểm đen, đồng tử mắt người bệnh không tự điều chỉnh từ sáng sang tối hoặc ngược lại.
- Rối loạn tiết mồ hôi: Làm giảm hoặc tăng tiết mồ hôi khiến da trở nên khô hay quá ẩm ướt.
- Rối loạn tiêu hóa: Chậm rỗng dạ dày, chậm tiêu, dễ buồn nôn, ăn không ngon, táo bón hoặc đi lỏng không kiểm soát, thường sau ăn hay về đêm.
- Rối loạn điều hòa thân nhiệt.
- Nuốt nghẹn, nuốt khó.
- Hạ đường huyết không nhận biết: Là tình trạng người bệnh không nhận biết được các triệu chứng khi bị hạ đường huyết như mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt…
- Rối loạn chức năng bàng quang: đi tiểu không kiểm soát hay bí tiểu, đái són, nhiễm khuẩn đường niệu…
- Rối loạn cương ở nam giới; khô âm đạo, nhiễm khuẩn âm đạo ở phụ nữ…
Duy trì ổn định đường huyết trong khoảng giới hạn cho phép và kiểm soát tốt chỉ số HbA1c là biện pháp giúp phòng ngừa biến chứng hữu hiệu. Giảm 1% chỉ số HbA1c sẽ giảm 21% nguy cơ biến chứng và 38% nguy cơ biến chứng trên tim mạch.
Chế độ ăn uống, luyện tập khoa học giúp duy trì đường huyết ổn định
- Duy trì chế độ ăn uống khoa học:
Để kiểm soát tốt đường huyết, trước tiên người bệnh cần kiểm soát chế độ ăn chặt chẽ: Giảm tối đa đồ ngọt (bánh kẹo, nước ngọt có gas, đường…) và các thực phẩm chứa nhiều chất béo, dầu mỡ (mỡ động vật, da gia cầm, đồ chiên xào, thức ăn nhanh, phủ tạng động vật…). Tăng cường rau xanh, chất xơ, hoa quả tươi, tuy nhiên không nên ăn nhiều hoa quả có hàm lượng đường cao. Bên cạnh đó cần đảm bảo chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất cho người bệnh, có thể tham khảo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng.
- Tập luyện thể dục điều độ:
Người bệnh cần kết hợp luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày, để giúp giảm nồng độ đường trong máu, cải thiện độ nhạy của insulin và tăng cường sức khỏe toàn trạng.
- Tuân thủ điều trị:
Việc tuân thủ điều trị cũng rất quan trọng, đặc biệt ở những người bệnh phải sử dụng insulin. Nên kiểm tra đường huyết hàng ngày để có mức điều chỉnh liều thuốc phù hợp.
- Sử dụng các hoạt chất chống oxy hóa:
Sử dụng các hoạt chất chống oxy hóa sẽ giúp tạo ra một mạng lưới bảo vệ, ngăn ngừa sự hủy hoại mạch máu và các sợi thần kinh, từ đó giúp phòng ngừa và cải thiện các biến chứng do ĐTĐ. Một chất chống oxy hóa lý tưởng đang được sử dụng rất phổ biến trên thế giới đó là Acid alpha lipoic, viết tắt là ALA. Với lợi thế là một chất chống oxy hóa mạnh, thấm tốt và các tế bào thần kinh, ALA mang lại hiệu quả cao trong việc điều trị biến chứng, đặc biệt là các biến chứng thần kinh do ĐTĐ.
Biến chứng thần kinh tự chủ là một trong những biến chứng mạn tính nguy hiểm và khó điều trị, nếu được phát hiện càng sớm thì khả năng hồi phục càng cao. Vì vậy, khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào của biến chứng, người bệnh cần sớm đến gặp bác sỹ để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, từ đó có phương pháp điều trị thích hợp để giúp cải thiện biến chứng đang mắc phải và phòng ngừa các biến chứng khác xuất hiện.