Những điều người tiểu đường cần biết khi Covid-19 quay trở lại

Làn sóng Covid-19 thứ 2 đang quay trở lại Việt Nam với diễn biến vô cùng phức tạp. Đây là chủng virus mới lây lan rất nhanh, ai cũng có thể là ca bệnh tiếp theo nếu vô tình tiếp xúc với nguồn lây. Người bệnh tiểu đường lại là đối tượng có nguy cơ mắc và rủi ro cao hơn. Vì vậy, hãy trang bị sẵn kiến thức để ứng phó với dịch bệnh ngay cả trong tình huống xấu nhất nhé!

Những thói quen giúp phòng ngừa Covid-19 như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn hay rửa tay bằng xà phòng… không còn quá xa lạ khi chúng ta đã trải qua một đợt dịch vào tháng 4. Đối với người bệnh tiểu đường, bên cạnh những biện pháp phòng ngừa cơ bản đó, việc tăng cường sức đề kháng cho cơ thể và chuẩn bị xử trí trong trường hợp nghi nhiễm cũng rất quan trọng.

Tăng cường hệ miễn dịch để đẩy lùi virus

Hệ miễn dịch là hàng rào bảo vệ, ngăn không cho virus xâm nhập vào cơ thể. Đáng tiếc là tình trạng đường trong máu cao đã khiến cho “hàng rào” này trở nên lỏng lẻo và dễ bị sụp đổ trước sự tấn công của virus corona. Vì thế, người bệnh tiểu đường cần chủ động tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng của cơ thể theo hướng dẫn trong bài viết này.

Trong trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19

Sự nguy hiểm của SARS-CoV-2 là dễ kích hoạt hệ miễn dịch của cơ thể tấn công các cơ quan nội tạng thông qua việc kích hoạt bão Cytokine (phản ứng quá khích của hệ thống miễn dịch làm giải phóng ồ ạt các chất tiền viêm) làm đông đặc phổi, viêm cơ tim, suy thận… và gây rối loạn đông máu ở người có tiền sử tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi hoặc ở người cao tuổi, người béo phì.

Đặc điểm của chủng SARS-CoV-2 mới này không chỉ gây ra các triệu chứng điển hình là sốt, ho dai dẳng, mất khứu giác (không phân biệt được mùi) mà còn gây ra nhiều các triệu chứng khác không điển hình như đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, tiêu chảy, giảm trí nhớ, chán ăn, khó thở. Vì thế, trong mùa dịch, bất cứ khi nào gặp phải các triệu chứng tương tự như cúm hoặc tiêu chảy đi kèm với nhức đầu, mất mùi, chán ăn, đau họng, đau ngực, không ho, sốt bạn thấy mình bị ho, sốt đều cần cẩn trọng và nên làm theo hướng dẫn sau:

1/ Liên hệ với Trung tâm y tế gần nhất hoặc đường dây nóng của Bộ Y tế theo số 19009059 để được hướng dẫn thăm khám và điều trị phù hợp, bạn không nên tự ý mua thuốc về sử dụng.

2/ Với những trường hợp cũng có biểu hiện sốt, ho nhưng không có yếu tố nguy cơ nhiễm Covid-19 hoặc chưa được nhập viện, trước mắt bạn cũng cần thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà để hạ sốt và phòng ngừa tình huống xấu nhất là bị nhiễm Covid-19. Cụ thể:

Theo dõi sức khỏe

Nếu bị sốt trên 38,5 độ C, bạn có thể tự hạ sốt bằng cách:

+ Dùng thuốc hạ sốt (Paracetamol)

+ Lau người bằng nước ấm

+ Chườm trán bằng khăn mát

+ Uống bù nước liên tục để tránh mất nước khi sốt. Nên uống nước ấm (nước đun sôi để nguội, nước điện giải, nước ép rau củ quả). Mỗi lần, bạn nên uống thành nhiều ngụm nhỏ, giữ cho họng không bị khô. Tổng lượng nước đủ 2,5 đến 3 lít mỗi ngày.

Tiếp tục sử dụng thuốc tiểu đường

Đường huyết của bạn sẽ tăng khi bị sốt. Chính vì vậy, dù mệt đến đâu cũng đừng quên uống thuốc tiểu đường để kiểm soát đường huyết.

Tốt nhất, bạn nên mua máy đo đường huyết cá nhân để theo dõi chỉ số trong quá trình cách ly tại nhà. Nếu đã sử dụng thuốc mà đường huyết vẫn cao, hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn tăng liều hoặc đổi loại thuốc khác phù hợp hơn.

Ngoài thuốc điều trị, bạn cũng nên sử dụng thêm các sản phẩm thảo dược hỗ trợ ổn định đường huyết để ngăn bệnh tiểu đường tiến triển nặng.

Ăn thức ăn mềm, lỏng, ấm

Khi bị nhiễm virus và bị sốt, cơ thể sẽ mệt mỏi, hấp thu kém và không có cảm giác thèm ăn. Lúc này, bạn cần ăn các thực phẩm dạng lỏng như cháo, súp, cơm nhão... để bổ sung đủ dưỡng chất và năng lượng cho cơ thể, giúp sức khỏe nhanh chóng hồi phục.

Tránh ăn các thực phẩm khó tiêu như thịt bò, đồ biển, đồ chiên xào lúc này, bởi chúng sẽ làm gia tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa, gây đầy trướng, khó tiêu mà cơ thể vẫn không đủ năng lượng cần thiết.

Súc họng bằng nước muối ấm

Trước khi xâm nhập vào phổi, virus corona “trú ngụ” ở dịch họng. Việc súc họng thường xuyên bằng nước muối ấm là cách hiệu quả để giảm mật độ virus và tránh bệnh tiến triển nặng hơn.

Súc họng giúp tránh cho Covid-19 tiến triển nặng hơn

Súc họng giúp tránh cho Covid-19 tiến triển nặng hơn

Cách súc họng: Pha loãng muối với nước ấm, uống một ngụm nhỏ (5 - 10ml). Sau đó, bạn ngửa cổ và đẩy nước xuống họng và nói “aaaa”. Thực hiện liên tục 30 phút một lần.

Tự cách ly trong nhà

Nếu có thể, hãy ở trong một phòng riêng với nhà vệ sinh riêng biệt. Mọi sinh hoạt của bạn cần gói gọn trong căn phòng này. Khi tiếp xúc với người nhà, bạn cần đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn (2 mét).

Xem thêm: 5 điều cần biết để kiểm soát bệnh tiểu đường trong mùa dịch Covid-19

Không tự ý mua thuốc về điều trị

Mới đây, tổ chức Y tế thế giới (WHO) có công bố rằng thuốc Dexamethasone giúp giảm tỷ lệ thở máy và giảm tỷ lệ tử vong cho người bệnh Covid-19. Tuy nhiên, thuốc này chỉ có tác dụng trong giai đoạn bệnh nặng (khi hệ miễn dịch trở nên quá mẫn), không nên dùng để phòng ngừa hoặc trong giai đoạn nhẹ vì sẽ gây suy giảm miễn dịch và phản tác dụng. Thêm vào đó, thuốc Dexamethasone còn có thể làm tăng đường huyết ở người bệnh tiểu đường.

Bạn không nên tự ý mua thuốc về sử dụng tại nhà, chỉ nên dùng khi có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ.

Lưu ý cho người nhà của bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19

Đối với người nhà (người chăm sóc), cần đeo khẩu trang, găng tay, kính và đồ bảo hộ nếu có. Khi tiếp xúc với quần áo hoặc đồ dùng cá nhân của người bệnh cũng cần đeo găng tay, khẩu trang và rửa tay thật sạch bằng xà phòng ngay sau đó. Đồng thời, cần khử khuẩn trong nhà (mặt bàn, sàn nhà, tay nắm cửa và các vật dụng khác) bằng dung dịch sát khuẩn. Người chăm sóc cũng cần hạn chế tiếp xúc với người khác, tránh lây lan dịch bệnh.

Những lưu ý khác

Nếu phải đến bệnh viện, bạn cần đeo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển và không nên đi phương tiện công cộng. Khi đến khám, cần cung cấp đủ thông tin về tiền sử bệnh mạn tính (tiểu đường, tim mạch, bệnh thận,...) nếu có, và các loại thuốc đang sử dụng. Các thông tin này sẽ giúp bác sĩ có phác đồ điều trị phù hợp để ngăn chặn diễn biến xấu.

Khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona, bạn sẽ được điều trị theo phác đồ của bệnh viện. Lúc này, bạn chỉ cần tuân thủ đúng phác đồ và thả lỏng tinh thần để việc điều trị nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Trên đây là hướng dẫn chi tiết bạn cần ghi nhớ và thực hiện khi có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm Covid-19. Hãy chia sẻ những thông tin hữu ích này để Việt Nam một lần nữa chiến thắng đại dịch, bạn nhé!