Mang thai là cuộc hành trình kỳ diệu nhất trong cuộc đời của mỗi người phụ nữ, và một thai kỳ khỏe mạnh luôn là mong ước của tất cả các bà bầu. Tuy nhiên, để mang được một sinh linh bé nhỏ đến với thế giới này không phải là quá trình dễ dàng. Bạn sẽ phải trải qua rất nhiều sự thay đổi trong cơ thể, đôi khi những thay đổi này có thể trở nên nghiêm trọng và làm ảnh hưởng tới sức khỏe của cả mẹ và con. Trong số đó, đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐ thai kỳ) là một vấn đề tương đối phổ biến và dễ mắc phải ở các bà bầu.
Khi nghe bác sĩ kết luận bị ĐTĐ thai kỳ, tâm lý chung của các bà mẹ là thường cảm thấy rất hoang mang, lo lắng. Quả thực ĐTĐ thai kỳ không phải là một vấn đề đơn giản, nó có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Tuy nhiên, bạn cũng đừng nên quá sợ hãi, bởi nếu được phát hiện sớm và điều trị tốt, bạn hoàn toàn có thể sinh ra một em bé khỏe mạnh và không bị ảnh hưởng bởi căn bệnh tiểu đường.
Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách nhận biết đái tháo đường thai kỳ, cùng cách chăm sóc trong và sau quá trình mang thai để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho cả mẹ và bé.
Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng tăng đường huyết chỉ xảy ra trong quá trình mang thai và thường sẽ tự khỏi sau khi con bạn ra đời.
Phụ nữ mang thai dễ mắc đái tháo đường thai kỳ do tăng đề kháng insulin
Nguyên nhân khiến phụ nữ mang thai dễ bị mắc đái tháo đường là do những hormone của nhau thai tiết ra làm giảm sự nhạy cảm của insulin đối với tế bào, còn được gọi là hiện tượng đề kháng insulin. Bình thường, sau khi ăn, lượng đường trong máu của chúng ta sẽ tăng lên. Để đáp ứng với tình trạng này, tuyến tụy sẽ tiết ra một hormone có tên gọi là insulin, giúp đưa đường vào trong tế bào và chuyển hóa thành năng lượng cho cơ thể hoạt động, từ đó giữ cho lượng đường trong máu luôn ổn định trong giới hạn cho phép. Khi hoạt động của insulin trở nên kém hiệu quả, lượng đường trong máu sẽ tăng cao và tạo tiền đề để phát triển bệnh đái tháo đường.
Bạn sẽ có nguy cơ cao phát triển đái tháo đường thai kỳ nếu bạn nằm trong những nhóm đối tượng sau đây:
- Đã từng mắc đái tháo đường thai kỳ trong những lần sinh trước
- Có tiền sử bị tăng đường huyết
- Bạn mang thai khi trên 35 tuổi
- Trong gia đình có người mắc đái tháo đường
- Chỉ số khối cơ thể BMI > 35kg/m2 (cân nặng (kg)/ chiều cao bình phương (m2)).
- Có tiền sử sinh con to
- Hội chứng buồng trứng đa nang
- Có tiền sử dùng thuốc corticosteroid hay thuốc chống loạn thần dài ngày.
Mặc dù bệnh tiểu đường thai kỳ hầu như không gây ra các dấu hiệu hoặc triệu chứng nào đáng chú ý, nhưng cũng có những trường hợp có thể xuất hiện các biểu hiện tương tự như người tiểu đường tuýp 2 hoặc tiểu đường type 1. Vì vậy, nếu nhận thấy một số dấu hiệu sau đây, bạn nên sớm đi gặp bác sĩ để được kiểm tra về bệnh đái tháo đường:
- Khát nước thường xuyên, tỉnh giấc giữa đêm để uống thật nhiều nước.
- Đi tiểu nhiều lần hơn so với nhu cầu của các bà bầu bình thường khác, lượng nước tiểu mỗi lần cũng nhiều.
- Vùng kín bị nhiễm nấm, ngứa ngáy khó chịu và khó điều trị bằng các thuốc thông thường.
- Các vết trầy xước, vết thương khó lành.
- Sụt cân nhiều, thường xuyên thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng và kiệt sức.
- Nước tiểu có nhiều kiến bu…
Những dấu hiệu trên thường dễ bị nhầm lẫn với các dấu hiệu bình thường của phụ nữ khi mang thai. Vì vậy, cách tốt nhất để chẩn đoán và phát hiện sớm bệnh tiểu đường thai kỳ vẫn là phải xét nghiệm máu định kỳ theo chỉ định của bác sỹ.
Thông thường, thai phụ sẽ phải làm xét nghiệm đường máu vào tuần thứ 24 – 28 của thai kỳ. Nếu bạn thuộc đối tượng có nguy cơ cao, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn làm xét nghiệm ở một thời điểm sớm hơn hoặc ngay trong lần khám thai đầu tiên để giúp phát hiện sớm bệnh.
Phát hiện sớm tiểu đường thai kỳ bằng cách thăm khám định kỳ
Để chẩn đoán chính xác ĐTĐ thai kỳ, bạn sẽ được làm xét nghiệm chỉ số đường huyết khi đói và nghiệm pháp dung nạp glucose, đo đường huyết sau 1h và 2h.
Tiêu chuẩn chẩn đoán ĐTĐ thai kỳ như sau:
- Đường huyết khi đói (sau 8h nhịn ăn) ≥ 5,3 mmol/l
- Nghiệm pháp dung nạp glucose: Người mẹ được uống 75g glucose và đo chỉ số đường huyết:
+ Sau 1h ≥ 10,0 mmol/l
+ Sau 2h ≥ 8,5 mmol/l
Nếu bạn có 2/3 chỉ số bất thường, có nghĩa là bạn đã bị mắc ĐTĐ thai kỳ. Nếu chỉ có 1/3 chỉ số vượt ngưỡng thì bạn có nguy cơ cao bị ĐTĐ, khi đó bạn cần phải lưu ý kiểm soát thật tốt đường huyết bằng chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học và định kì kiểm tra đường huyết 1 tháng một lần, đặc biệt là từ sau tuần 24.
Nếu bạn bị đái tháo đường thai kỳ, bạn và em bé sẽ có nguy cơ cao gặp phải một số biến chứng sau:
- Thai quá to: Lượng đường trong máu của bạn cao sẽ đi qua nhau thai và kích thích tuyến tụy của em bé tăng tiết ra insulin. Một trong những tác dụng của insulin là làm tăng cân, vì vậy em bé có thể phát triển quá lớn (> 4kg) và gây khó khăn cho quá trình sinh nở.
- Sinh non và hội chứng suy hô hấp: Lượng đường trong máu tăng cao có thể gây kích thích làm mẹ chuyển dạ sớm dẫn đến sinh non. Trong một số trường hợp thai quá to, bác sĩ cũng có thể tác động để cho mẹ đẻ sớm. Trẻ sinh non dễ gặp hội chứng suy hô hấp và thường yếu ớt hơn những trẻ đủ tháng vì vậy chúng cần được chăm sóc đặc biệt hơn ngay từ lúc mới ra đời.
- Đa ối: Là tình trạng có quá nhiều nước ối (> 1000 ml, thường là > 3000 ml), có thể gây ra nhiều biến chứng cho cả mẹ và thai nhi. Với thai nhi, đa ối có thể dẫn đến thai chết lưu, sa dây rốn, vỡ ối non… Với mẹ, đa ối có thể khiến cho mẹ rất khó chịu hoặc bị đau nhiều trước khi đẻ; làm chuyển dạ kéo dài, gây khó sinh; hoặc tử cung co yếu gây đờ tử cung, nguy cơ băng huyết sau sinh.
- Sảy thai hoặc thai chết lưu: thường do dị tật bẩm sinh, suy hô hấp thai hoặc người mẹ bị nhiễm toan xê tôn do tăng đường huyết.
- Hạ đường huyết: Em bé của các bà mẹ bị tiểu đường thai kỳ có thể bị biến chứng hạ đường huyết ngay sau khi sinh, vì lượng insulin được sản xuất ra trong máu của bé quá nhiều. Hạ đường huyết nặng có thể khiến bé bị co giật. Cho bé bú ngay lập tức hoặc truyền glucose tĩnh mạch có thể giúp đưa lượng đường trong máu của bé trở về bình thường
- Tăng huyết áp và tiền sản giật: Bà mẹ bị tiểu đường thai kỳ sẽ có nguy cơ cao bị tăng huyết áp và tiền sản giật. Đây là một biến chứng nặng có thể đe dọa tới tính mạng của cả mẹ và bé.
Kiểm soát và duy trì mức đường huyết ổn định là mục tiêu hàng đầu trong điều trị tiểu đường thai kỳ. Để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi, mẹ cần cố gắng luôn kiểm soát đường huyết trong giới hạn là: đường huyết khi đói < 5,8 mmol/l, sau ăn 1h < 7,8 mmol/l và sau ăn 2h < 7,2 mmol/l. Đồng thời cũng không được để đường huyết khi đói hạ xuống quá thấp, dưới 3,4 mmol/l, vì sẽ gây ra biến chứng hạ đường huyết rất nguy hiểm.
Để kiểm soát tốt đường huyết, quan trọng nhất vẫn là thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt và tập luyện của mẹ. Một chế độ ăn uống, luyện tập khoa học có thể giúp mẹ kiểm soát tốt đường huyết và phòng ngừa các biến chứng của ĐTĐ thai kỳ mà không cần phải sử dụng bất kỳ một loại thuốc điều trị nào.
Nhiều mẹ bầu vẫn tưởng rằng có thai là phải ăn cho 2 người, nên luôn cố gắng ăn thật nhiều để cho con. Với tâm lý này, điều chỉnh chế độ ăn dường như là một điều rất khó đối với những mẹ bị tiểu đường thai kỳ. Nhưng trên thực tế, mẹ bầu không cần ăn quá nhiều về lượng mà vẫn đảm bảo đầy đủ dưỡng chất và lại giúp kiểm soát đường huyết trong ngưỡng an toàn. Tốt nhất mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có một thực đơn phù hợp, cân bằng được cả về mặt năng lượng, vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Khi tư vấn cho bạn, bác sĩ sẽ dựa trên nhu cầu tổng số năng lượng mỗi ngày tính theo cân nặng. Những mẹ đã có cân nặng lý tưởng, thì tổng năng lượng cần cung cấp là khoảng 30 kcal/kg/ngày, những thai phụ gầy sẽ cần nhiều năng lượng hơn và ngược lại.
Để tránh đường huyết tăng cao, mẹ bầu nên kiêng các thức ăn, nước uống chứa nhiều đường hấp thu nhanh như bánh kẹo, sữa đặc, nước ngọt có gas, và hạn chế các đồ béo, đồ nếp như mỡ, phủ tạng động vật, xôi, bánh chưng… thay vào đó nên tăng cường rau xanh, chất xơ và ngũ cốc nguyên hạt.
Một số thói quen ăn uống của mẹ trong thời kỳ mang thai như luôn có cảm giác thèm ăn, ăn nhiều hơn bình thường nhưng lại nhanh đói, ăn không đúng bữa, hay ăn vặt, ăn đêm… cũng là nguyên nhân khiến lượng đường trong máu tăng cao. Vì vậy, mẹ cần phải lưu ý điều chỉnh lại các thói quen này, nên ăn chia làm nhiều bữa nhỏ, mỗi bữa ăn chỉ một lượng vừa phải, hạn chế các đồ ăn vặt, ăn đêm. Tổng số năng lượng cần được chia đều cho 3 bữa ăn chính và 3 bữa ăn phụ nhưng không nên ăn nhiều carbohydrat (đường, bánh kẹo, bánh mỳ, cơm…) vào buổi sáng.
Cùng với chế độ ăn uống, hoạt động thể chất thường xuyên cũng sẽ giúp mẹ kiểm soát tốt lượng đường trong máu, nhờ tăng sử dụng glucose ở cơ và giảm đề kháng insulin. Bên cạnh đó, nó còn giúp giảm một số triệu chứng khó chịu thường gặp trong thời kỳ mang thai như khó ngủ, đau lưng, chuột rút cơ bắp, đầy bụng, chậm tiêu, táo bón...
Mẹ có thể lựa chọn các môn luyện tập nhẹ nhàng như đi bộ, đi xe đạp, bơi lội, thiền, yoga và duy trì ít nhất 30 phút mỗi ngày để kiểm soát đường huyết và tăng cường sức khỏe.
Kiểm soát tốt đường huyết bằng cách luyện tập khoa học
Nếu những biện pháp tự nhiên không có hiệu quả, bạn sẽ được bác sĩ xem xét để cho sử dụng thuốc điều trị. Cho đến nay human insulin (insulin có nguồn gốc từ người) là thuốc duy nhất được chấp nhận cho điều trị ĐTĐ thai kỳ, gồm có Insulin thường (Insulin Actrapid) và Insulin bán chậm NPH (Insulatard) hoặc Insulin hỗn hợp (Mixtard) giữa Insulin thường và Insulin NPH. Phác đồ điều trị sẽ phụ thuộc vào cân nặng, tình trạng bệnh, đáp ứng của mẹ và tuổi thai, vì vậy bạn cần phải lưu ý tuân thủ chặt chẽ theo chỉ định của bác sĩ. Liều insulin trung bình lúc khởi đầu thường là 0,3 đơn vị/kg cân nặng/ngày, chia tiêm dưới da 2-4 lần mỗi ngày, vào trước bữa ăn và trước lúc đi ngủ.
Tùy loại insulin mà thời gian từ khi tiêm đến khi ăn là khác nhau. Thông thường thời điểm ăn là khi insulin bắt đầu có tác dụng. Ví dụ, với insulin thường là 20 - 30 phút, insulin mixtard cũng là 30 phút, insulin bán chậm (lente, NPH, insulatard...) là 60 phút. Bạn phải lưu ý ăn đúng bữa sau khi tiêm, bởi nếu ăn muộn hơn sẽ có nguy cơ cao bị hạ đường huyết.
Tốt nhất, bạn nên đo đường huyết 4-6 lần/ngày (vào trước bữa ăn, 2 giờ sau ăn và trước khi đi ngủ). Nếu có sự tăng, giảm đường huyết bất thường cần thông báo ngay với bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời.
Sau khi em bé ra đời, cơ thể của bạn sẽ bắt đầu được hồi phục. Thông thường, chỉ khoảng vài tuần sau khi sinh, đường huyết sẽ trở về bình thường. Tuy nhiên, trong những tuần đầu tiên chăm sóc em bé, bạn có thể cảm thấy rất mệt mỏi và căng thẳng vì thiếu ngủ. Đồng thời vì quá tập trung vào em bé mà bạn thường quên lo cho sức khỏe của bản thân mình. Chính những yếu tố này có thể khiến cơ thể bạn bị suy nhược và làm ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Lời khuyên dành cho bạn trong giai đoạn này đó là:
- Nếu cảm thấy quá căng thẳng, bạn hãy chia sẻ tâm trạng của mình với người thân hoặc các chuyên gia tâm lý để giúp tinh thần tốt hơn.
- Ăn uống lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng.
- Tranh thủ ngủ bất cứ khi nào bạn có thể, ví dụ như lúc em bé đang ngủ hay đang được người khác chăm sóc.
- Bạn nên cho con bú rất tốt bởi điều này sẽ rất tốt cho sức khỏe của bạn, giúp bạn giảm bớt cân nặng sau khi sinh và giảm được lượng đường trong máu. Sữa mẹ cũng là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho em bé trong 6 tháng đầu.
- Dành ra một chút thời gian mỗi ngày để thư giãn và chăm sóc bản thân như đi bộ, tắm nước ấm, đọc sách, xem phim hay tán gẫu với bạn bè.
- Kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên, ít nhất trong vài tuần đầu cho đến khi chắc chắn rằng đường huyết của bạn đã trở về bình thường
Khi bị mắc tiểu đường thai kỳ, bạn sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường typ2 sau 3 – 5 năm và mắc tiểu đường thai kỳ ở lần mang thai tiếp theo. Em bé của bạn cũng sẽ có nguy cơ bị béo phì và phát triển bệnh ĐTĐ typ2 sau này. Chính vì vậy, cả bạn và bé đều luôn cần duy trì một chế độ dinh dưỡng, tập luyện khoa học và lối sống lành mạnh để giúp phòng tránh mắc bệnh đái tháo đường.
Xem thêm:
- Nguyên tắc trong chế độ ăn của người bệnh tiểu đường
- Kinh nghiệm dùng thảo dược giúp giảm đường huyết, cải thiện biến chứng
Có thể bạn quan tâm đến phương pháp phòng ngừa Đái tháo đường typ2, bạn có thể tham khảo giải pháp hỗ trợ điều trị chứng bệnh này.
Nguồn tham khảo: http://www.webmd.com http://www.mayoclinic.org http://www.ndss.com.au