Người bệnh đái tháo đường cần theo dõi các chỉ số nào?

Định kì kiểm tra chỉ số đánh giá chức năng các cơ quan giúp phát hiện sớm các bệnh và biến chứng của đái tháo đường, từ đó có phương pháp điều trị thích hợp

Người bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) có nguy cơ tử vong chủ yếu do các biến chứng bệnh. Một số biến chứng thần kinh ngoại vi (tê bì châm chích chân tay, da khô, suy giảm khả năng tình dục do rối loạn cương) hay nhiễm trùng (nhiễm trùng da, nhiễm trùng âm đạo, vết thương lâu lành, xuất hiện các vết loét ở bàn chân) có thể được phát hiện sớm do người bệnh có thể tự nhận thấy. Tuy nhiên, các biến chứng trên tim, thận, mắt, não chỉ được phát hiện qua các xét nghiệm lâm sàng như chụp, siêu âm, điện tâm đồ, sinh hóa máu, xét nghiệm nước tiểu…

Xét nghiệm đường huyết để kiểm soát bệnh tiểu đường

Xét nghiệm đường huyết là xét nghiệm quan trọng nhất đối với người bệnh ĐTĐ. Đây là chỉ số giúp người bệnh theo dõi, kiểm soát diễn biến bệnh. Hai chỉ số quan trọng nhất là xét nghiệm đường huyết hàng ngày và chỉ số HbA1c.

Chỉ số đường huyết hàng ngày: Giúp xác định nồng độ glucose trong máu tại thời điểm đo. Để có đánh giá chính xác, người bệnh nên đo vào lúc đói (sau 8h) hoặc sau ăn 2h. Việc kiểm tra đường huyết hàng ngày giúp người bệnh kiểm soát chế độ ăn uống, luyện tập; đồng thời có thể phát hiện sớm và xử lý kịp thời hội chứng tăng hay giảm đường huyết. Đối với người bệnh phải điều trị bằng insulin, theo dõi đường huyết hàng ngày giúp điều chỉnh liều insulin phù hợp với tình trạng bệnh.

Kiem-soat-duong-huyet-tai-nha

Người bệnh có thể tự kiểm tra đường huyết hàng ngày bằng máy đo cá nhân

Chỉ số HbA1c: Chỉ số đường huyết thay đổi hàng ngày và bị ảnh hưởng chế độ ăn uống, luyện tập, stress, thuốc điều trị… Do đó không đánh giá chính xác độ ổn định đường huyết. Chỉ số HbA1c phản ánh mức độ kiểm soát đường huyết trong vòng 3 tháng, giúp đánh giá chính xác mức độ kiểm soát đường huyết và hiệu quả của phác đồ điều trị bao gồm thuốc, chế độ ăn uống, luyện tập, thực phẩm hỗ trợ. Bởi vậy, người bệnh nên định kì 3 tháng kiểm tra chỉ số HbA1c một lần. Chỉ số HbA1c bình thường là < 6,4 %; duy trì chỉ số HbA1c < 7% và giảm 1% giá trị có thể giảm 38% nguy cơ biến chứng trên tim mạch và 72% nguy cơ mù lòa.

Các xét nghiệm giúp phát hiện sớm biến chứng tim mạch, thận, mắt

Các xét nghiệm cận lâm sàng giúp đánh giá chức năng của các cơ quan nội tạng và có thể phát hiện sớm biến chứng do bệnh ĐTĐ. Người bệnh có thể tiến hành một số xét nghiệm như:

Sinh hóa máu: Thường phân tích, định lượng chỉ số số mỡ máu, creatinin. Chỉ số mỡ máu bao gồm cholesterol toàn phần, triglycerid, LDL – c, HDL – c là những yếu tố nguy cơ dẫn đến một số bệnh lý như tăng lipid máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, gan nhiễm mỡ, thận hư… Chỉ số creatinin giúp đánh giá chức năng lọc của thận. Người bệnh nên định kì 3 – 6 tháng kiểm tra một lần, tùy thuộc vào tình trạng bệnh.

Xét nghiệm nước tiểu: Chỉ số quan trọng nhất là albumin niệu, giúp đánh giá mức độ tổn thương cầu thận và phát hiện sớm biến chứng trên thận. Người bệnh ĐTĐ typ2 nên xét nghiệm ngay tại thời được chẩn đoán bệnh và sau 3 – 5 năm khởi phát bệnh đái tháo đường typ1. Tùy thuộc vào mức độ tổn thương ở thận mà người bệnh nên đình kì 3 – 6 tháng kiểm tra một lần.

Siêu âm Doppler mạch cảnh, mạch chân: Để đánh giá mức độ tổn thương của các mạch máu. Tổn thương các mạch máu lớn có thể gây biến chứng trên não, dẫn đến đột quỵ, tai biến mạch máu não. Tổn thương các mạch máu nhỏ gây các biến chứng trên thận, tim, mắt và thần kinh ngoại vi. Nếu người bệnh đã xuất hiện các biến chứng như tê bì châm chích trên tay, rối loạn cương, giảm thị lực… thì nên định kì 3 tháng kiểm tra một lần để có hướng điều trị thích hợp, giúp bảo vệ tế bào mạch máu nội mạng và làm chậm tiến trình bệnh.

Nguoi-benh-tieu-duong-nen-kiem-tra-mat-dinh-ky

Người bệnh tiểu đường nên định kì 6 tháng khám mắt một lần

Khám mắt: 80% nguyên nhân dẫn đến mù lòa là do bệnh tiểu đường. Do vậy những người đã được chẩn đoán bệnh ĐTĐ thì nên ít nhất 6 – 12 tháng kiểm tra mắt một lần. Khi đã xuất hiện một số triệu chứng như giảm thị lực, nhìn đôi, nhìn mờ, xuất hiện những điểm đen trước mắt… thì người bệnh cần sớm khám mắt để được điều trị kịp thời và định kì khám 3 – 6 tháng để đánh giá mức độ tổn thương của võng mạc.

Thường xuyên và định kì kiểm tra các chỉ số sẽ giúp đánh giá được tình trạng bệnh, từ đó có thể phát hiện sớm và có hướng điều trị thích hợp, giúp cải thiện các triệu chứng, làm chậm tiến trình bệnh và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Chia sẻ bệnh nhân điều trị tiểu đường hiệu quả