Đường huyết không ổn định là một trong những nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi mắc bệnh đái tháo đường, và dễ dẫn đến bệnh Alzeihmer.
Glucose qua hàng rào máu – não và là nhiên liệu duy nhất cung cấp năng lượng cho các hoạt động của não, đồng thời kích thích tăng cường trí nhớ, thúc đẩy quá trình tư duy ở khoảng nồng độ giới hạn. Nếu đường huyết tăng cao thì lượng glucose qua hàng rào máu – não sẽ vượt quá giới hạn cho phép, dẫn đến thúc đẩy quá trình oxy hóa diễn ra mạch mẽ, gây tổn thương hay hủy hoại các mạch máu não. Mặt khác nếu đường huyết hạ, glucose không đủ để cung cấp năng lượng cho các tế bào hoạt động, các tế bào sẽ dần lão hóa và suy giảm chức năng.
Theo nghiên cứu của tiến sĩ Rosebud Roberts cho thấy: Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) gây tổn thương các mạch máu não, làm teo não và giảm kích thước của vùng hippocampus (vùng lưu giữ trí nhớ). Ông cũng cho biết, các tế bào não ở người bệnh có thể đã bị tổn thương trước khi phát triển thành đái tháo đường typ2 và sự suy giảm trí nhớ đã xảy ra trong một thời gian dài trước đó.
Mối liên hệ giữa bệnh ĐTĐ và sự suy giảm trí nhớ cũng đã được làm sáng tỏ bởi nghiên cứu của Keith Fargo - Giám đốc chương trình khoa học và tiếp cận cộng đồng bệnh Alzheimer. Hơn 1.400 người có độ tuổi trung bình khoảng 80 tham gia nghiên cứu được đánh giá kỹ năng tư duy và trí nhớ, quét não MRI để xác định dấu hiệu của sự tổn thương não (dấu hiệu sớm của bệnh mất trí nhớ) và đánh giá trên các yếu tố bệnh lý tiểu đường, cao huyết áp qua hồ sơ bệnh án. Kết quả nghiên cứu cho thấy bệnh tiểu đường là một nguyên nhân dẫn đến suy giảm trí nhớ.
Tăng sự suy giảm trí nhớ ở bệnh nhân ĐTĐ
Mới đây, một nghiên cứu khác của Selvin và cộng sự đã tiến hành nghiên cứu trên một nhóm khoảng 15.792 người ở độ tuổi trung niên từ năm 1987 đến năm 2013. Chức năng nhận thức được đánh giá 3 lần trong quá trình nghiên cứu. Kết quả cho thấy: Những người mắc ĐTĐ ở tuổi trung niên có sự suy giảm trí nhớ nhanh hơn người bình thường khoảng 5 năm, có nghĩa là một người bệnh ĐTĐ 60 tuổi có sự suy giảm trí nhớ tương đương với một người bình thường ở độ tuổi 65; Những người kiểm soát đường huyết kém hay bị tiền đái tháo đường (rối loạn dung nạp glucose) có sự suy giảm nhận thức lớn hơn 19% so với những người cùng tuổi khỏe mạnh.
Chế độ ăn uống khoa học kết hợp luyện tập thường xuyên không những giúp cải thiện lượng đường trong máu mà còn tốt cho não bộ. Người bệnh nên hạn chế đồ ngọt, thực phẩm chứa nhiều chất béo; tăng cường rau xanh, chất xơ, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, thịt nạc, cá… là những thực phẩm tốt cho trí não.
Luyện tập thể dục như đi bộ nhanh, aerobic, dưỡng sinh, thiền, yoag, bơi lội, đạp xe, cầu lông… giúp giảm đường huyết, duy trì trọng lượng cơ thể, giảm cân an toàn, hiệu quả đồng thời tăng sản xuất endopherin (chất hóa học do não bộ tiết ra, có tác dụng giảm đau, giảm căng thẳng…) giúp tinh thần thoải mái và tạo ra các tế bào thần kinh lưu trữ trí nhớ. Một số trò chơi trí tuệ như cờ vua, cờ tướng, soduku, giải câu đố, ô chữ… sẽ kích thích nhận thức của bạn, góp phần cải thiện trí nhớ.
Một số yếu tố như huyết áp, giấc ngủ, stress, thuốc corticoid cũng dẫn đến suy giảm trí nhớ. Vì vậy, cải thiện hoặc kiểm soát tốt các yếu tố trên cũng sẽ giúp làm giảm nguy cơ suy giảm trí nhớ.
- Huyết áp: Kiểm soát tốt huyết áp có thể cải thiện được khả năng nhận thức và ngăn ngừa chứng suy giảm trí nhớ ở người bệnh ĐTĐ.
- Giấc ngủ: Các nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng: Nồng đồ glucose trong máu cao gây ra chứng mất ngủ và ngủ không sâu giấc. Mặt khác, chất lượng giấc ngủ kém cũng làm tăng đề kháng insulin, từ đó gây tăng đường huyết. Bên cạnh đó giấc ngủ giúp não bộ có thời gian nghỉ ngơi sau một ngày hoạt động mệt mỏi, do đó duy trì giấc ngủ sâu, ổn định khoảng 7 – 9h mỗi ngày là rất cần thiết.
Giấc ngủ sâu giúp cải thiện trí nhớ
- Stress: Căng thẳng, lo lắng kéo dài dẫn đến stress. Stress tăng sản xuất glucose tại gan, nhưng stress lại làm giảm độ nhạy cảm insulin, đồng thời đốt cháy nhiều calo hơn, do đó người bệnh tăng nhu cầu ăn uống, dẫn đến nồng độ đường huyết ngày càng tăng cao. Người bệnh ĐTĐ nên tránh stress kéo dài, sẽ giúp ổn định đường huyết và cải thiện trí nhớ.
- Corticoid: Là nhóm thuốc chống viêm, chống dị ứng được sử dụng khá phổ biến trong các trường hợp như viêm nhiễm ở mắt, mũi, dị ứng, viêm khớp, viêm da... với một số biệt dược điển hình như hydrocortison, prednisolin, betamethason, prednison, dexammethason. Corticoid nếu sử dụng kéo dài hoặc sử dụng với liều cao sẽ ảnh hưởng đến não và gây ra suy giảm trí nhớ.
Từ những kết quả nghiên cứu mối liên quan giữa đái tháo đường và suy giảm trí nhớ, Tiến sĩ Selvin khuyên người bệnh ĐTĐ cần có một chế độ ăn uống hợp lý, luyện tập thường xuyên ở độ tuổi 50 để có một bộ não khỏe mạnh ở độ tuổi 70.
Nguồn: http://www.sciencedaily.com/ http://www.webmd.com/ http://www.diabetes.co.uk/ http://www.improve-memory-skills.com/