Biến chứng do đái tháo đường (hay còn gọi là biến chứng tiểu đường) làm tổn hại đến toàn bộ các mạch máu và dây thần kinh. Những biến chứng nghiêm trọng nhất của căn bệnh này làm người bệnh phải đối mặt với nguy cơ mù lòa, suy thận, đoạn chi. Các biến chứng lâu dài khác bao gồm các vấn đề về da, viêm nướu răng, rối loạn chức năng tình dục. ĐTĐ cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, gây đau và cứng khớp.
Biến chứng tiểu đường không chỉ là nỗi đau đớn về thể chất, sự mất mát về tinh thần mà còn tạo gánh nặng kinh tế cho gia đình người bệnh. Thống kê tại Việt Nam cho thấy, chi phí để điều trị biến chứng tiểu đường chiếm tới 25% tổng chi phí khám chữa bệnh. Mặc dù vậy, đa số người mắc tiểu đường còn rất chủ quan về biến chứng, đến khi phát hiện thì biến chứng đã nặng và khó điều trị.
Tại sao kiểm soát tốt đường huyết mà biến chứng tiểu đường vẫn xuất hiện
Hầu hết bệnh nhân tiểu đường chỉ quan tâm tới hạ đường huyết, với niềm tin vững chắc rằng “hạ được đường huyết là ngừa được biến chứng”. Thực tế cho thấy, biến chứng tiểu đường vẫn xuất hiện ngay cả khi đường huyết ở mức ổn định. Vậy thì lý do tại sao, kiểm soát tốt đường huyết mà người bệnh vẫn xuất hiện biến chứng tiểu đường?
Theo GS.TS Thái Hồng Quang – Chủ tịch Hội nội tiết Đái tháo đường Việt Nam, nếu chỉ hạ đường huyết, chưa đủ để phòng ngừa và điều trị biến chứng tiểu đường, vì biến chứng là diễn tiến tự nhiên của căn bệnh này.
Ổn định đường huyết chỉ giúp trì hoãn sự xuất hiện của biến chứng chứ không hoàn toàn ngăn cản được chúng. Đặc biệt là biến chứng ở mạch máu lớn và những hệ lụy của rối loạn chuyển hóa chất béo (lipid), chất đạm và rối loạn huyết động (lưu thông máu).
Vì thế, ngày nay việc điều trị bệnh tiểu đường không đơn thuần chỉ là làm giảm lượng đường trong máu về sát với ngưỡng bình thường, mà còn phải điều trị tốt các rối loạn chuyển hóa, giảm các yếu tố có hại cho tim mạch như stress oxy hóa tế bào và tình trạng viêm mạn tính.
Stress oxy hóa xảy ra khi có sự mất cân bằng giữa quá trình oxy hóa (chuyển hóa trong cơ thể) và quá trình chống oxy hóa (dọn dẹp rác thải của quá trình chuyển hóa). Hậu quả của stress oxy hóa làm rối loạn chức năng mạch máu và gây tổn thương các tế bào nội mạc và hình thành mảng xơ vữa gây chít hẹp lòng mạch, làm giảm sự cung cấp máu để nuôi dưỡng các cơ quan đích. Từ đó, gây ra những tổn thương không thể hồi phục trên nhiều cơ quan như tim mạch, mắt, thận, da, chi dưới.
Các vi mạch bị viêm và thít chặt không còn đủ khả năng cung cấp máu cho cơ quan đích
Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng stress oxy hóa ở người bệnh tiểu đường type 2 xuất hiện từ rất sớm. Ngay cả khi đường huyết ổn định thì stress oxy hóa vẫn diễn ra không ngừng. Do vậy, để phòng ngừa biến chứng tiểu đường, hạ đường huyết là mục tiêu quan trọng nhưng vẫn cần đến những giải pháp toàn diện hơn để kiểm soát stress oxy hóa, kiểm soát tình trạng viêm mạn tính và điều trị tốt các bệnh cơ hội như bệnh tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa đi kèm.