Hạ đường huyết có nguy hiểm không? Có gây tử vong không?

Chúng ta đều biết: Hạ đường huyết là tình trạng lượng đường trong máu xuống thấp dưới mức bình thường. Tuy nhiên ít ai để ý hạ đường huyết có nguy hiểm không, có gây tử vong không. Và điều này vô tình khiến nhiều người lơ là và coi thường biến chứng nguy hiểm này.

Hạ đường huyết ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?

Đường huyết là nguồn năng lượng chính đảm bảo mọi hoạt động của cơ thể. Khi lượng đường trong máu xuống thấp, cơ thể sẽ tự bảo vệ bằng cách kích thích sản sinh các hormon tăng đường huyết như glucagon, adrenaline. Đây là nguyên nhân gây ra một loạt các triệu chứng trên hệ tuần hoàn, nội tiết, tiêu hóa và thần kinh bao gồm:

  • Hồi hộp, đánh trống ngực.
  • Bủn rủn chân tay, vã mồ hôi.
  • Mệt mỏi, đói.
  • Hoa mắt, choáng váng, mờ mắt.
  • Đau đầu, dễ cáu gắt.

Hạ đường huyết ảnh hưởng đến mọi cơ quan trong cơ thể.

Hạ đường huyết ảnh hưởng đến mọi cơ quan trong cơ thể.

Hạ đường huyết có thể xảy ra với bất cứ ai, tại bất cứ thời điểm nào. Với người bệnh tiểu đường, hạ đường huyết được coi là một biến chứng cấp tính có nguyên nhân xuất phát từ việc tiêm lnsulin sai chỉ định, uống quá liều thuốc giảm đường huyết, nhịn ăn, ăn kiêng hay tập luyện quá mức…

Hạ đường huyết có nguy hiểm không?

Theo GS Thái Hồng Quang - Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, hạ đường huyết nguy hiểm hơn tăng đường huyết rất nhiều. Đặc biệt nếu tình trạng này xảy ra ban đêm, ở người già, nếu không phát hiện được để xử trí ngay thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Có hai lý do giải thích cho sự nguy hiểm của hạ đường huyết:

  • Hạ đường huyết làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức và tổn thương não. Một số nghiên cứu cho thấy, việc thường xuyên gặp những cơn hạ đường huyết nặng có ảnh hưởng đến khả năng nhận thức trong tương lai.
  • Hạ đường huyết nghiêm trọng khiến bạn co giật, hôn mê. Tình trạng này nếu xảy ra khi lái xe có thể gián tiếp gây tử vong do làm tăng khả năng tai nạn. Với người cao tuổi, các dấu hiệu cảnh báo thường bị che lấp, người bệnh khó nhận ra bản thân bị hạ đường huyết và không thể xử lý kịp thời.
Tuy nhiên, GS Thái Hồng Quang cũng nhấn mạnh, người tiểu đường nếu biết rõ các dấu hiệu, cách xử trí nhanh hạ đường huyết và phối hợp chặt chẽ với bác sĩ trong điều trị thì rủi ro gặp phải sẽ được giảm thiểu rất nhiều.
 
GS Thái Hồng Quang giải đáp thắc mắc "Hạ đường huyết có nguy hiểm không?"

Làm gì khi có dấu hiệu hạ đường huyết?

Tùy mức độ hạ đường huyết mà cách xử lý sẽ khác nhau. Nếu hạ đường huyết đã gây hôn mê, người bệnh cần được hỗ trợ tại các cơ sở y tế. Nhưng trong trường hợp hạ đường huyết nhẹ chưa mất ý thức, bạn có thể tự điều trị tại chỗ bằng cách bổ sung đường cho cơ thể theo 3 bước:

Bước 1: Ăn hoặc uống các thực phẩm chứa khoảng 15 g đường. Có 6 gợi ý cho bạn:

  • - 2 viên đường glucose.
  • - 1/2 ly nước trái cây.
  • - 1/2  lon nước ngọt (coca, pepsi…).
  • - 1 thìa mật ong.
  • - 1 cốc nước đường (3 thìa đường pha trong 200 ml nước).
  • - 1 ly sữa đặc có đường.

Nửa ly nước trái cây có thể giúp bạn chấm dứt cơn hạ đường huyết

Nửa ly nước trái cây có thể giúp bạn chấm dứt cơn hạ đường huyết.

Bước 2: Nghỉ ngơi 15 phút sau đó kiểm tra đường huyết.

Bước 3: Lặp lại bước 1, 2 nếu vẫn còn triệu chứng hạ đường huyết.

Sau khi cơn hạ đường huyết thuyên giảm, người bệnh nên ăn nhẹ nếu bữa ăn gần nhất cách thời điểm hạ đường huyết lớn hơn 1 giờ. Đặc biệt, bạn cần xem lại kế hoạch điều trị/sinh hoạt hiện tại hoặc thảo luận với bác sĩ để tìm ra nguyên nhân gây hạ đường huyết và có giải pháp ngăn chặn tình trạng này tiếp diễn.

Xem thêm: Hạ đường huyết ban đêm: Biến chứng nguy hiểm của tiểu đường

Gợi ý 7 biện pháp phòng ngừa hạ đường huyết

Hạ đường huyết là một biến chứng tiểu đường nguy hiểm, tuy nhiên có rất nhiều biện pháp có thể giúp bạn phòng ngừa hạ đường huyết, điển hình như 7 gợi ý sau:

  • - Dùng thuốc theo chỉ định, đúng liều, đúng thời gian. Khi chưa có chỉ định của bác sĩ, bạn không được tư ý tăng liều thuốc điều trị.
  • - Không bỏ bữa hoặc ăn quá muộn nhất là khi bạn đang tiêm lnsulin.
  • - Theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên. Tùy điều kiện mà bạn có thể kiểm tra vài lần một tuần hoặc nhiều lần trong ngày.
  • - Lựa chọn các sản phẩm giảm đường huyết một cách thông minh: Cẩn trọng khi sử dụng các giải pháp giảm đường huyết cấp tốc, nên chọn các sản phẩm vừa giảm vừa ổn định lượng đường trong máu.
  • - Khi thay đổi cường độ tập luyện, cần điều chỉnh chế độ ăn và dùng thuốc cho phù hợp.
  • - Ăn nhẹ trước khi uống rượu để tránh nguy cơ giảm đường huyết.
  • - Luôn mang theo một vài viên đường glucose để phòng ngừa.

Hạ đường huyết có nguy hiểm không? Câu trả lời là có. Tuy nhiên, bạn có nhiều cơ hội ngăn cản tình trạng này trước khi chúng tiến triển thành các hậu quả nguy hiểm. Đặc biệt nếu bạn đã mắc tiểu đường, duy trì một kế hoạch điều trị cân bằng với chế độ ăn, tập luyện và dùng thuốc sẽ giúp bạn đánh bật biến chứng cấp tính này.

Xem thêm: 

Những yếu tố ảnh hưởng tới đường huyết và cách kiểm soát

[Bất ngờ] 4 cách ổn định đường huyết đơn giản, hiệu quả cao

http://www.joslin.org/info/is_low_blood_glucose_hypoglycemia_dangerous.html

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetic-hypoglycemia/symptoms-causes/syc-20371525

https://jdmdonline.biomedcentral.com/articles/10.1186/2251-6581-11-17