Đái tháo đường - Những lý do khiến đường huyết thay đổi

Kiểm soát đường huyết ổn định là mục tiêu quan trọng trong điều trị tiểu đường. Lưu ý chế độ ăn, vận động, dùng thuốc sẽ giúp người bệnh kiểm soát tốt đường huyết.

Mục tiêu điều trị của bệnh Đái tháo đường là kiểm soát đường huyết và ổn định ở mức càng gần an toàn càng tốt để ngăn ngừa hoặc làm chậm sự xuất hiện, giảm cường độ các biến chứng tiểu đường. Bản thân bệnh nhân có vai trò đặc biệt quan trọng, người bệnh cần tìm hiểu về căn bệnh của mình, chế độ ăn uống, vận động hợp lý, dùng thuốc như nào để tránh gây tăng hay giảm đường huyết không đúng. Sau đây là những yếu tố gây tăng và giúp giảm đường huyết mà người bệnh cần đặc biệt lưu ý.

1. Những yếu tố gây tăng đường huyết:

Thực phẩm:
- Đồ ngọt
- Món ăn Trung Quốc
- Đồ ăn - Bánh mỳ
- Trái cây khô
- Caffeine
- Đồ uống trong thể thao

Thuốc:
- Thuốc trị cảm lạnh
- Nhóm thuốc Steroid và thuốc lợi tiểu
- Thuốc tránh thai

Đồ ngọt

Cho dù bạn rất yêu thích đồ ngọt thì cũng nên rất hạn chế sử dụng vì đường trong các loại bánh ngọt sẽ làm tăng rất nhanh đường huyết. Cũng có nhiều loại bánh kẹo, thực phẩm có nhãn "không đường" nhưng vẫn sẽ gây tăng đường huyết. Tại sao lại như vậy? Đó là bởi vì chúng vẫn chứa nhiều tinh bột và chất béo – những chất sẽ được chuyển hóa thành đường ở bên trong cơ thể. Hãy kiểm tra lượng carbohydrate (bột và đường) ghi trên nhãn thực phẩm trước khi sử dụng. Đồng thời, bạn cũng nên chú ý đến thành phần sorbitol và xylitol vì nó cũng là nguyên nhân gây tăng lượng đường Glucose trong máu của bạn.

Món ăn Trung Quốc

Khi bạn dùng các món ăn như thịt bò trộn mè, thịt gà chua ngọt… thì đó là các loại thực phẩm nhiều chất béo có thể làm tăng cao lượng đường trong máu. Điều này cũng đúng khi dùng pizza, khoai tây chiên và các loại thực phẩm khác có hàm lượng carbohydrate và chất béo cao. Do đó bạn nên kiểm tra đường huyết 2 giờ sau khi ăn để biết thực phẩm đó ảnh hưởng đến bạn như thế nào.

Đồ ăn - Bánh mỳ

Sự khác biệt khi ăn một lát bánh mì trắng và bánh mì tròn là gì? Bánh mì tròn được sản xuất với hàm lượng carbohydrate và calo lớn. Nếu bạn thèm bánh mì tròn thì chỉ nên ăn một lượng nhỏvì nó có thể làm tăng lượng đường trong máu của bạn hơn bạn nghĩ rất nhiều. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để có thể lựa chọn các loại thực phẩm khác thay thế.

Trái cây khô

Trái cây khô là sự lựa chọn tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên bạn nên biết rằng trái cây sấy khô đóng gói có hàm lượng carbohydrate lớn hơn. Chỉ cần 2 muỗng canh nho khô, việt quất, chanh khô, anh đào khô đã có thể làm tăng lượng carbohydrate cao hơn rất nhiều so với 1 miếng nhỏ trái cây tươi.

Caffeine

Đường trong máu có thể tăng lên sau khi uống cà phê - thậm chí cả cà phê đen không chứa calo. Tuy nhiên trớ trêu thay, các hợp chất khác có trong cà phê có thể giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường type 2 ở những người khỏe mạnh Tương tự như vậy, trà đen, trà xanh, và thức uống nhiều năng lượng có thể gây cản trở trong việc kiểm soát lượng đường trong máu ở những người bị bệnh tiểu đường. Nhưng ở mỗi người có phản ứng với từng loại đồ uống khác nhau, vì vậy khi sử dụng nên theo dõi để biết sự thay đổi đường huyết.

Đồ uống trong thể thao

Nước uống dành cho hoạt động thể thao được sản xuất để giúp bạn bổ sung nước một cách nhanh chóng, trong số đó có Soda là một loại đồ uống chứa rất nhiều đường. Bạn chỉ nên tập thể dục vừa phải (Không quá 1 giờ mỗi ngày), đồng thời sử dụng loại đồ uống, khoáng chất an toàn và phù hợp.

Thuốc trị cảm lạnh

Các thuốc kháng histamin thường không ảnh hưởng đến đường huyết . Tuy nhiên thuốc thông mũi có chứa Pseudoephedrine hoặc phenylephrine có thể làm tăng lượng đường trong máu. Thuốc trị cảm lạnh đôi khi cũng chứa đường hoặc cồn mặc dù chỉ với lượng rất nhỏ. Hãy nhớ hỏi dược sĩ về những tác dụng không mong muốn có thể có lên đường huyết của thuốc khi bạn mua chúng.

Nhóm thuốc Steroid và thuốc lợi tiểu

Nhóm thuốc Steroid là nhóm các thuốc Corticosteroid giống như hormon do tuyến thượng thận tiết ra. Các thuốc trong nhóm corticosteroid như prednisolon - có thể làm tăng đường huyết, hay thậm chí gây ra bệnh tiểu đường ở một số người. Trong khi đó các thuốc Steroid lại rất hay được chỉ định trong nhiều trường hợp như: điều trị phát ban, viêm khớp, hen suyễn…. Thuốc lợi tiểu được sử dụng để điều trị tăng huyết áp cũng có thể làm tăng đường huyết ở những bệnh nhân tiểu đường. Một số thuốc chống trầm cảm cũng có thể tăng hoặc giảm lượng đường trong máu.

Thuốc tránh thai

Thuốc tránh thai có chứa estrogen có thể ảnh hưởng đến vấn đề đề kháng Insulin của cơ thể. Tuy nhiên, những phụ nữ có bệnh tiểu đường vẫn có thể sử dụng để tránh thai an toàn. Hiệp hội đái tháo đường Mỹ (ADA) khuyên bệnh nhân tiểu đường nên sử dụng các loại thuốc tránh thai loại kết hợp với thành phần gồm cả norgestimate (1 dạng của Progesteron) và estrogen tổng hợp. ADA cũng khuyến cáo rằng các biện pháp tránh thai bằng tiêm hoặc cấy ghép an toàn cho phụ nữ có bệnh tiểu đường, mặc dù nó có thể ảnh hưởng đến chỉ số đường huyết của họ.

2. Các yếu tố giúp giảm đường huyết

- Sử dụng thực phẩm chế biến bằng phương pháp lên men
- Ăn Chay
- Công việc gia đình

Sử dụng thực phẩm chế biến bằng phương pháp lên men

Thực phẩm chứa vi khuẩn tốt, chẳng hạn như nhiều loại sữa chua, được gọi là "probiotic" (Probiotic là những vi sinh vật còn sống khi đưa vào cơ thể một lượng đầy đủ chúng sẽ có lợi cho sức khỏe). Các lợi khuẩn này có  thể cải thiện hệ tiêu hóa và giúp bạn kiểm soát lượng đường trong máu. Tuy nhiên, một số loại sữa chua lại có chứa thêm đường và trái cây, vì vậy cần cẩn thận trong lựa chọn, tốt nhất chỉ nên sử dụng sữa chua không đường.

Ăn Chay

Những người bị bệnh tiểu đường loại 2 nên chuyển sang ăn chay một phần hoặc toàn bộ hàng ngày sẽ giúp kiểm soát tốt hơn lượng đường trong máu và cần ít insulin hơn. Tăng cường chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu có thể làm chậm quá trình tiêu hóa carbonhydrate. Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để tìm ra một chế độ ăn chay thích hợp cho bệnh tiểu đường. Cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện bất kì thay đổi lớn nào về chế độ ăn uống.

Công việc gia đình

Dọn dẹp nhà cửa hay cắt cỏ có thể là một biện pháp hiệu quả cho những người bị bệnh tiểu đường: làm giảm nồng độ đường trong máu. Bạn nên hoạt động thể chất vừa phải, làm các công việc nhà sẽ có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Đi bộ khi bạn đi mua sắm, trong bãi đậu xe…cũng là một cách tập thể dục mỗi ngày.

3. Các yếu tố cảnh báo

- Áp lực công việc (stress)
- Cảm nặng
- Ngủ
- Tập thể dục
- Rượu
- Nhiệt
- Hocmon nữ
- Thông tin về các chỉ số đường huyết (GI) của thực phẩm?

Áp lực công việc (stress)

Áp lực công việc tại nơi làm việc hoặc khó chịu khi phải bận rộn tiếp các cuộc điện thoại sẽ khiến cơ thể bạn giải phóng các hormone làm lượng đường trong máu tăng lên. Tình trạng này phổ biến ở các bệnh nhân tiểu đường typ 2 hơn so với bệnh nhân tiểu đường typ1. Nên học cách thư giãn bằng cách hít thở sâu và tập thể dục để có một tinh thần sảng khoái, nhẹ nhàng.

Cảm nặng

Lượng đường trong máu của bạn sẽ tăng lên khi cơ thể mắc bệnh đặc biệt là các bệnh nhiễm khuẩn. Uống nhiều nước và các chất lỏng khác để tránh mất nước. Hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất nếu bạn bị tiêu chảy, nôn ói nhiều lần trong hai giờ hoặc bạn đã bị bệnh trong hai ngày mà không thuyên giảm. Chú ý một số loại thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc điều trị xoang, cảm cúm có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.

Ngủ

Đường trong máu có thể hạ ở mức nguy hiểm trong khi ngủ đối với một số bệnh nhân tiểu đường typ 1. Vì vậy tốt nhất là nên kiểm tra lượng đường trong máu của bạn trước khi đi ngủ và khi thức dậy. Một bữa ăn nhẹ trước khi đi ngủ cũng có thể phòng ngừa hạ đường huyết. Đối với một số người, lượng đường trong máu có thể tăng lên vào buổi sáng - thậm chí trước khi ăn - do sự kích thích tuyến tụy sản xuát Insulin. Vì vậy, cần kiểm tra đường huyết thường xuyên.

Tập thể dục

Hoạt động thể chất nhằm tăng cường sức khỏe cho tất cả mọi người. Nhưng những người bị bệnh tiểu đường nên có một chế độ luyện tập riêng. Ví dụ khi làm những công việc nặng nhọc cơ thể sẽ tiết mồ hôi và nhịp tim tăng lên đồng thời lượng đường trong máu của có thể tăng vọt, sau đó lại giảm. Hoạt động với cường độ cao hoặc tập thể dục bền bỉ có thể làm giảm lượng đường trong máu ít nhất là 24 giờ sau đó. Trước khi tập nên ăn một bữa nhẹ trước và kiểm tra lượng đường trong máu trước, trong và sau khi tập thể dục.

Rượu

Đồ uống có cồn có chứa nhiều carbonhydrate, nên khi mới dùng nó sẽ làm tăng lượng đường trong máu. Nhưng 12 giờ sau khi uống rượu, lượng đường trong máu lại có thể giảm. Hiệp hội đái tháo đường Mỹ khuyến cáo trong một ngày không dùng nhiều hơn một loại đồ uống có cồn đối với phụ nữ và hai đối với đàn ông.

Nhiệt

Trong đợt nắng nóng vào mùa hè, bạn nên ở trong nhà có điều hòa không khí vì nhiệt độ cao làm cho đường huyết khó kiểm soát. Bạn nên kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên và uống nhiều nước để tránh mất nước. Thuốc của bạn, máy đo đường và que test cũng có thể bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao. Vì vậy không nên để chúng ở những nơi nhiệt độ cao

Hocmon nữ

Ở phụ nữ khi có những thay đổi về nội tiết tố sẽ gây ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Nên theo dõi đường huyết hàng tháng để xác định rõ những ảnh hưởng của chu kỳ kinh nguyệt đến đường huyết như thế nào và có những ứng phó kịp thời. Thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mãn kinh có thể gây khó khăn cho việc kiểm soát đường huyết của bạn. Phải hỏi ý kiến bác sĩ về nguy cơ và lợi ích liệu pháp thay thế hormone trước khi sử dụng.

Thông tin về các chỉ số đường huyết (GI) của thực phẩm?

Hàng ngày quá trình chuyển hóa carbonhydrate của bạn diễn ra đều đặn, nó là một trong những chìa khóa để kiểm soát tốt đường huyết. Một số người cũng theo dõi chỉ số đường huyết (GI) để đánh giá mức độ làm tăng lượng đường trong máu của thực phẩm. Thực phẩm có GI càng cao thì càng ảnh hưởng nhiều đến đường huyết của bạn. Đậu và bánh mì ngũ cốc nguyên hạt và ngũ cốc có chỉ số GI thấp hơn so với bánh mì trắng hay mì ống . Nước ép có GI cao hơn hoa quả tươi. Nếu bạn muốn ăn một loại thực phẩm có GI cao thì nên ăn nó cùng với một thực phẩm GI thấp để có thể giúp kiểm soát đường huyết.
<<
1/115
>>
 

DS. Thu Thảo