Đái tháo đường có thể gây mù lòa

Đái tháo đường gây ra nhiều vấn đề về mắt như giảm thị lực tạm thời hoặc vĩnh viễn, tăng nguy cơ phát triển bệnh đục thủy tinh thể hoặc tăng nhãn áp.

Tổn thương mắt ở bệnh nhân ĐTĐ

Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) có thể gây ra một loạt các vấn đề trên mắt, đặc biệt là với võng mạc, thủy tinh thể và các màng của mắt. Trong đó, phần chính bị ảnh hưởng nhất là võng mạc. Tổn thương của võng mạc trên người bệnh tiểu đường gọi là bệnh võng mạc do ĐTĐ. Bệnh võng mạc ĐTĐ xảy ra trong 90% các trường hợp ĐTĐ tiến triển sau 10-15 năm, bất kể ĐTĐ phụ thuộc thuốc tiêm hay không. Thị lực bị giảm do bệnh võng mạc tiểu đường thường không hồi phục được.

Võng mạc có thể được ví như cuộn phim của máy ảnh. Nếu cuộn phim trong máy ảnh bị lỗi, hình ảnh thu được sẽ mờ. Tương tự, nếu võng mạc của mắt bị phù nề, nhăn nheo, hoặc cấu trúc bị hư hỏng, tầm nhìn của mắt sẽ mờ. Tùy thuộc vào loại, vị trí, và mức độ tổn thương trong võng mạc mà sự thay đổi trong tầm nhìn có thể nhẹ hay nặng, tạm thời hay vĩnh viễn.

Các giai đoạn của bệnh võng mạc ĐTĐ

- Bệnh lý võng mạc nền:

Đây là giai đoạn sớm của bệnh lý võng mạc do ĐTĐ với những tổn thương như phình mao mạch võng mạc, xuất huyết nhẹ, ứ đọng các chất tiết trong võng mạc, phù võng mạc.

Bệnh lý võng mạc nền do bệnh tiểu đường

Bệnh lý võng mạc nền do bệnh tiểu đường

Bệnh lý giai đoạn này nếu chưa xâm phạm vào vùng hoàng điểm (trung tâm của võng mạc nơi tập trung thị lực cao nhất của mắt) thì chưa gây giảm thị lực. Tuy nhiên bệnh nhân có thể cảm thấy các bất thường về thị giác như nhìn thấy các điểm đen trước mắt, hoặc cảm giác về màu sắc thay đổi... Cần theo dõi và điều trị khi có tiến triển xấu, ảnh hưởng đến chức năng thị giác.

- Bệnh lý hoàng điểm do ĐTĐ:

Đây là nguyên nhân thường gặp nhất gây giảm thị lực ở bệnh nhân ĐTĐ, đặc biệt là đái tháo đường typ2, từ 50 – 70 tuổi. Hoàng điểm bị phù, có khi tạo thành nang, hoặc kèm theo tổn thương thiếu máu nuôi dưỡng cục bộ.

Điều trị: Khi đã xuất hiện bệnh lý hoàng điểm với biểu hiện thị lực giảm sút nhiều, bệnh nhân cần được khám mắt và điều trị laser ngay để hoàng điểm được hồi phục sớm.

- Bệnh lý võng mạc ĐTĐ tiền tăng sinh:

Tổn thương ở võng mạc giai đoạn này gây nên bởi sự bất thường cung cấp máu cho võng mạc, dẫn đến các tổn thương thiếu máu cục bộ, xuất huyết và phù võng mạc. Nếu các tổn thương này chưa xâm phạm đến vùng hoàng điểm thì bệnh nhân chưa nhận thấy giảm thị lực. Do vậy, mặc dù các tổn thương trên võng mạc đã khá nặng nề nhưng bệnh nhân vẫn chưa nhận biết thấy nên thường không đi khám và điều trị.

Điều trị: Tổn thương ở giai đoạn này nếu đe dọa chức năng thị giác, hoặc gây thiếu máu cục bộ nặng cần chụp đáy mắt huỳnh quang và laser quang đông các vùng tổn thương để phòng biến chứng.

- Bệnh lý võng mạc ĐTĐ giai đoạn tăng sinh:

Bệnh lý giai đoạn này gây ra bởi sự tăng sinh các mạch bất thường, gây xuất huyết tái diễn liên tục, gây tổ chức hóa và co kéo dịch kính võng mạc.

Trong giai đoạn này những tổn thương ở các mạch máu nhỏ khiến võng mạc bị thiếu oxy và thiếu máu. Tình trạng thiếu oxy kích thích tăng sinh các mạch máu mới để bù đắp sự thiếu hụt oxy của võng mạc. Các mạch máu này được gọi là tân mạch có đặc điểm rất dễ vỡ. Khi vỡ thành mạch, máu có thể chảy vào võng mạc và dịch kính gây ra hiện tượng ruồi bay hay mạng nhện trước mắt, sau đó là giảm thị lực.

Trong giai đoạn trễ hơn các mạch máu bất thường và sẹo võng mạc tiếp tục phát triển có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như co kéo gây bong võng mạc dẫn đến mù lòa, hoặc gây nên thể bệnh tăng nhãn áp tân mạch một hình thức đặc biệt nghiêm trọng của bệnh tăng nhãn áp, đau nhức trường diễn, cực kỳ khó điều trị.

Bệnh lý võng mạc ĐTĐ giai đoạn tăng sinh

Điều trị: Bệnh nhân ở giai đoạn này cần được laser quang đông toàn bộ võng mạc cấp cứu. Diễn biến của bệnh giai đoạn này rất nhanh và nặng, đặc biệt khi bệnh ĐTĐ không được điều trị triệt để.

laser quang đông toàn bộ võng mạc

Bên cạnh các bệnh lí trên võng mạc mắt, khi đột ngột có sự thay đổi khá lớn lượng đường trong máu, nhiều bệnh nhân tiểu đường có thể cảm thấy tầm nhìn của họ trở nên mờ. Đây là mờ tạm thời là bởi vì đường trong máu cao có thể khuếch tán vào thủy tinh thể của mắt, khiến nó bị sưng lên, làm thay đổi tâm điểm của mắt và kết quả là làm mờ tầm nhìn. Theo thời gian, nếu tình trạng sưng lặp đi lặp lại của nhiều lần, hình thành các đám mây bụi, có thể dẫn đến đục thủy tinh thể.

Cơ chế chung dẫn đến những biến chứng trên mắt cũng như trên các cơ quan khác ở bệnh nhân tiểu đường là do lượng đường trong máu tăng cao kéo dài hoặc tăng giảm thất thường sẽ làm quá trình oxy hóa trong cơ thể diễn ra mạnh mẽ, sinh ra rất nhiều các gốc tự do. Các gốc tự do này giống như những rác thải gây hủy hoại mạch máu, khiến mạch máu dần bị xơ vữa, chít hẹp, làm máu lưu thông kém, không mang đủ oxy và các chất dinh dưỡng tới nuôi các mô trong cơ thể. Một số những mô nhạy cảm nhất như não, tim, thận và mắt rất dễ bị tổn thương. Thiếu cung cấp oxy và dưỡng chất lâu ngày tới các bộ phận này cuối cùng gây ra đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy thận và mất thị lực.

Các triệu chứng của bệnh mắt tiểu đường

- Nếu lượng đường trong máu có những biến đổi lớn đột ngột, bệnh nhân có thể nhận thấy tầm nhìn của họ bị mờ. Dấu hiệu này có thể gặp trước khi bệnh nhân được chẩn đoán ĐTĐ, hoặc có thể phát triển sau khi khởi đầu điều trị hoặc khi có những thay đổi trong quá trình điều trị bệnh. Tầm nhìn mờ hoặc khó tập trung sẽ khỏi khi đường huyết được kiểm soát ổn định trong khoảng một tuần.

- Ngay cả khi đã có nền bệnh lý võng mạc tiểu đường hoặc bệnh lý võng mạc ĐTĐ tiến triển nhanh ở giai đoạn đầu, bệnh nhân cũng có thể không có bất kỳ triệu chứng nào, hoặc cảm thấy nhìn mờ, mất thị lực từ nhẹ đến nặng. Nhiều người mặc dù đã bị bệnh mắt tiểu đường khá nặng nhưng có thể không nhận thấy vấn đề gì về tầm nhìn, cho đến khi đã quá trễ và những tổn thương vĩnh viễn đã xảy ra. Ảnh hưởng của bệnh võng mạc tiểu đường đến thị lực thay đổi tùy theo giai đoạn của bệnh. Dưới đây là một vài triệu chứng biểu hiện của bệnh (tuy nhiên cũng có những biểu hiện khác).

• Nhìn mờ (thường liên quan đến nồng độ đường trong máu) • Ruồi bay và chớp sáng • Giảm thị lực đột ngột • Mù lòa ở giai đoạn cuối

Phòng và điều trị bệnh mắt tiểu đường

Điều quan trọng nhất để ngăn ngừa các bệnh về mắt cũng như các biến chứng nguy hiểm khác của tiểu đường là phải thường xuyên kiểm soát tốt lượng đường trong máu. Bên cạnh đó bệnh nhân cũng phải kiểm soát tốt được cao huyết áp hoặc cholesterol máu (nếu có) để giảm thiệt hại cho các mạch máu trong mắt.

Ngay cả khi không gặp bất kỳ triệu chứng nào do ĐTĐ, bệnh nhân cũng cần phải được kiểm tra mắt hàng năm bởi một bác sĩ nhãn khoa. Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào của việc suy giảm thị lực thì phải đến gặp bác sĩ nhãn khoa ngay lập tức.

Đối với bệnh võng mạc tiểu đường, điều trị phẫu thuật (ví dụ điều trị bằng laser) được lựa chọn. Tiêm corticosteroid hoặc thuốc chống mạch máu tăng sinh trong khu vực xung quanh mắt có thể được sử dụng. Đối với bệnh nhân bị đục thủy tinh thể thường được điều trị bằng phẫu thuật đục thủy tinh thể. Còn với bệnh nhân bị tăng nhãn áp cần phải sử dụng các thuốc chống tăng nhãn áp.

xem bệnh nhân sử dụng tốt

Trích nguồn: http://www.emedicinehealth.com