Các nhà khoa học tại đại học Havard, Mỹ đã công bố một phát hiện mới có thể giúp ngăn ngừa các khuyết tật bẩm sinh trên thai nhi ở bà mẹ tiểu đường.
Phụ nữ bị tiểu đường khi mang thai hay phụ nữ mắc tiểu đường thai kì nếu không kiểm soát tốt đường huyết, sẽ có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh ở thai nhi cao gấp 10 lần phụ nữ bình thường, đặc biệt ở tháng đầu thai kì, do sự đóng cửa sớm của ống thần kinh khi nồng độ đường huyết tăng cao.
Tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh trên thai nhi khi đường huyết tăng cao
Ống thần kinh là một cấu trúc tồn tại trong thời kỳ phôi thai, nó là nền tảng cốt lõi để phát triển thành hệ thần kinh hoàn thiện sau này, gồm bộ não, hộp sọ, tủy sống và xương sống. Ống thần kinh phát triển từ rất sớm, vào tuần thứ 3 của thai kỳ. Bắt đầu từ ngày thứ 18, ống thần kinh sẽ khép dần lại, cho đến ngày thứ 28 ống thần kinh sẽ khép hoàn toàn. Nếu ống thần kinh khép lại quá sớm hoặc không khép kín, sẽ dẫn đến khiếm khuyết ở não và cột sống, gây ra nhiều dị tật bẩm sinh như hở hàm ếch, sứt môi, dị tật tim, não úng thủy, nứt đốt sống, liệt các chi… thậm chí gây tử vong. Sự đóng cửa ống thần kinh có liên quan đến gen Pax3 đã được biết đến cách đây 20 năm, nhưng cho tới gần đây các nhà khoa học mới được hiểu được chính xác về cơ chế hình thành và hoạt động của gen này.
Nghiên cứu của PGS. TS Mary R.Loeken, khoa Y, trường Đại học Havard, Mỹ đã phát hiện ra gen Pax3 rất nhạy cảm với nồng độ đường huyết cao, và có sự xúc tác của enzym DNA methyltransferases (Dnmt), đặc biệt là enzym Dnmt 3b, làm tăng quá trình đóng cửa ống thần kinh. Khi nồng độ đường huyết cao, sẽ làm kích thích hoạt động của các enzym Dnmt 3b, từ đó kích thích hoạt động của gen Pax3 và làm đóng cửa ống thần kinh sớm. Phát hiện này đã làm sáng tỏ nguyên nhân gây dị tật ở thai nhi có liên quan đến ống thần kinh, mở ra những hướng tác động mới giúp ngăn ngừa và điều trị các khuyết tật bẩm sinh không chỉ ở thai nhi của người mẹ tiểu đường, mà còn cho các trường hợp khuyết tật bẩm sinh khác.
Từ hướng đi này, các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu để phát triển thành công một phương pháp hữu hiệu giúp sửa chữa các khuyết tật bẩm sinh ở thai nhi trong tương lai. Hiện tại, cách tốt nhất để phòng ngừa dị tật bẩm sinh vẫn nằm ở sự chủ động của các bà mẹ trước và trong quá trình mang thai, đặc biệt là trong tháng đầu tiên của thai kì.
Trước khi có ý định mang thai: Phải kiểm soát tốt mức đường huyết trong vòng 3 tháng trước đó, duy trì HbA1c < 6,0%; bổ sung acid folic và các vitamin nhóm B từ 1 -2 tháng trước khi thụ thai để giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh.
Trong quá trình mang thai:
- Cần có chế độ ăn uống, luyện tập và sinh hoạt lành mạnh: Hạn chế đồ ngọt, tinh bột; tăng cường những thực phẩm giàu dinh dưỡng và chất xơ, ít calo và chất béo (như rau xanh, trái cây, ngũ cốc…). Theo dõi cân nặng thường xuyên, không để tăng cân quá nhanh. Cũng không nên quá kiêng khem, vì cần phải cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho sự phát triển của bé.
Kiểm soát tốt đường huyết bằng chế độ dinh dưỡng
Tốt nhất nên hỏi ý kiến các chuyên gia dinh dưỡng hay tiểu đường để xây dựng được một chế độ dinh dưỡng khoa học, nhằm đảm bảo sức khỏe cho cả 2 mẹ con. Đồng thời, cần tăng cường luyện tập như đi bộ ít nhất 30 phút/ngày; tránh lo lắng, buồn phiền, căng thẳng…
- Giám sát và kiểm soát tốt đường huyết: Theo dõi đường huyết 4 – 5 lần/ngày vào 3 thời điểm - buổi sáng (khi đói), trước ăn, và sau ăn 2h, để luôn đảm bảo đường huyết được kiểm soát tốt.
- Định kì thăm khám và làm xét nghiệm đường huyết, chỉ số HbA1c; ceton nước tiểu; siêu âm thai, đánh giá chức năng tim, gan, thận, mắt…. và theo dõi sự phát triển của thai nhi.
Sau khi sinh: Các bà mẹ nên kiểm tra đường huyết, chỉ số HbA1c sau 1 – 2 tháng và định kì kiểm tra 3 – 6 tháng một lần để phòng nguy cơ tiểu đường thai kì ở lần mang thai tiếp theo.
Nguồn: http://www.sciencedaily.com/