Chất béo màu nâu có thể hiệu quả trong điều trị béo phì và đái tháo đường typ2, do có tác dụng đốt cháy calo dư thừa và giúp giảm nồng độ đường trong máu.
Chất béo màu nâu là chất béo tốt có tác dụng đốt cháy mỡ (calo dư thừa) để sinh nhiệt, giúp giữ ấm cơ thể. Các nhà nghiên cứu nhận thấy: Trẻ sơ sinh có tỉ lệ chất béo màu nâu cao nhất, chiếm khoảng 5% trọng lượng cơ thể; và hàm lượng chất béo này sẽ giảm dần theo độ tuổi, đặc biệt ở những người béo phì có hàm lượng chất béo màu nâu rất thấp.
Chất béo màu nâu có tác dụng đốt cháy đường trong máu, tăng hấp thu glucose vào tế bào và tăng độ nhạy insulin, do đó giúp giảm nồng độ đường trong máu ở người bệnh đái tháo đường (ĐTĐ).
Giáo sư Tore Bengtsson – chủ nhiệm nghiên cứu về bệnh ĐTĐ và chất béo màu nâu của trường Đại học Stockhol, Thụy Điển cho biết: Đường huyết giảm do đường truyền tín hiệu từ insulin và đường truyền này bị suy yếu hoặc không còn khả năng đáp ứng ở người bệnh đái tháo đường typ2. Tuy nhiên, chúng tôi đã phát hiện một đường truyền tín hiệu khác làm giảm đường huyết từ chất béo màu nâu, do các “thụ thể adrenergic” trên bề mặt chất béo màu nâu phát ra, làm tăng hấp thu glucose vào tế bào.
Ngoài ra, chất béo màu nâu còn có tác dụng làm tăng độ nhạy cảm của insulin – theo nghiên cứu của các nhà khoa học từ trường Đại học California – Berkeley.
Mặt khác, chất béo màu nâu còn có tác dụng giảm nồng độ chất béo dư thừa, giúp phòng ngừa béo phì và tiến triển ĐTĐ typ2. Trung bình mỗi ngày, chất béo màu nâu đốt cháy khoảng 300 – 400 calo, và tăng 20% khả năng đốt cháy chất béo dư thừa khi tăng 50g chất béo màu nâu.
Chất béo màu nâu giúp đốt cháy calo dư thừa
Các nhà khoa học từ trường Đại học Michigan cũng đã phát hiện ra hormone NRG4 do chất béo màu nâu tiết ra. Hormone này tỉ lệ nghịch với cân nặng, có nghĩa là ở những người béo phì có sự thiếu hụt NRG4 do giảm lượng chất béo màu nâu và giảm tiết hormone. Kết quả của nghiên cứu cũng cho thấy: Những con chuột có nồng độ hormone NRG4 cao ít bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống giàu chất béo, trong khi những con chuột thiếu NRG4 bị rối loạn trao đổi chất khi ăn bữa ăn giàu chất béo và có nguy cơ cao bị gan nhiễm mỡ và phát triển bệnh ĐTĐ typ2
Các nhà nghiên cứu tại đại học Michigan đã phát hiện ra hormone NRG4 là do chất béo màu nâu tiết ra. Những con chuột thiếu hormone này sẽ bị rối loạn trao đổi chất khi ăn bữa ăn giàu chất béo, calo và tăng nguy cơ tiến triển ĐTĐ typ2, gan nhiễm mỡ. Những con chuột có nồng độ NRG4 cao hơn ít bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống giàu chất béo.
Kết quả của một nghiên cứu khác từ trường Đại học California – Berkeley cho thấy: Với cùng một chế độ ăn giàu chất béo trong 4 tuần, những con chuột có chứa protein Zfp516 có trọng lượng thấp hơn những con chuột đối chứng là 30%. Protein Zfp516 là protein đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa chất béo màu trắng – chất béo dư thừa, thành chất béo màu nâu.
Tăng hàm lượng chất béo màu nâu giúp giảm trọng lượng cơ thể và giảm đường huyết ở những người bệnh ĐTĐ typ2, do vậy nó có thể mở ra một hy vọng mới trong điều trị béo phì và bệnh ĐTĐ typ2.
Thời tiết lạnh làm tăng sinh chất béo màu nâu
Các nhà khoa học nhận thấy nhiệt độ lạnh có thể làm tăng lượng chất béo màu nâu trong cơ thể hoặc tăng nồng độ protein Zfp516, giúp chuyển hóa chất béo màu trắng thành chất béo màu nâu.
Kết quả của một nghiên cứu nhỏ tại Viện nghiên cứu quốc tế và bệnh ĐTĐ cho thấy: Ở nhiệt độ phòng 19°C thì lượng chất béo màu nâu ở những người nam giới tham gia nghiên cứu tăng dần và tăng đốt cháy 30 – 40% calo. Ngược lại, khi nhiệt độ tăng lên 27°C thì chất béo màu nâu giảm dần.
Một nghiên cứu khác của các nhà khoa học trường Đại học Califfornia – Berkeley cũng cho thấy: Điều kiện lạnh làm tăng nồng độ protein Zfp516 trên chuột và khi gen sinh ra protein này bị vô hiệu hóa thì phôi chuột cũng không phát triển thêm chất béo màu nâu.
Hy vọng trong tương lai gần sẽ có thêm những nghiên cứu mới làm tăng sinh chất béo màu nâu hay thuốc tăng nồng độ hormone, protein của chất béo màu nâu giúp điều trị béo phì và ĐTĐ typ2.
Nguồn tham khảo: http://www.sciencedaily.com/ http://www.medicalnewstoday.com/ http://www.webmd.com/