Người bệnh tiểu đường rất dễ bị nhiễm trùng, điển hình như loét bàn chân, nhiễm trùng răng lợi, nhiễm trùng tiết niệu, nhiễm nấm sinh dục…
Các số liệu thống kê cho thấy khoảng 18,2 triệu người Mỹ (6,3% dân số) mắc bệnh tiểu đường và có tới 5,2 triệu người không biết mình mắc bệnh. Trong đó, gần một nửa (46%) các bệnh nhân tiểu đường có ít nhất 1 lần nhập viện hoặc điều trị ngoại trú vì các bệnh nhiễm trùng. Tỉ lệ bệnh nhân tàn phế và tử vong do nhiễm trùng ở tiểu đường tương đối cao. Nguy cơ tử vong của những người mắc bệnh nhiễm trùng do tiểu đường cao gấp khoảng 2 lần so với người không bị tiểu đường.
Nhiễm trùng là vấn đề cần được quan tâm đặc biệt đối với bệnh nhân tiểu đường. Người bệnh tiểu đường rất dễ bị nhiễm trùng do lượng đường trong máu cao có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, đồng thời môi trường có nồng độ đường cao cũng tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Một số vấn đề sức khỏe liên quan đến bệnh tiểu đường, chẳng hạn như tổn thương thần kinh và tổn thương mạch máu làm giảm lưu lượng máu đến các chi, cũng làm tăng nặng các tổn thương do nhiễm trùng.
Các loại nhiễm trùng hay gặp ở người bị tiểu đường, bao gồm: nhiễm trùng chân, nhiễm trùng răng lợi, nhiễm nấm đường sinh dục, nhiễm trùng đường tiểu và nhiễm trùng vết mổ.
Không chỉ dễ bị nhiễm trùng, mà nhiễm trùng ở người đái tháo đường còn rất khó điều trị, thời gian hồi phục lâu, dễ diễn tiến nặng hơn dẫn đến tàn phế hoặc tử vong.
Nhiễm trùng bàn chân ở người bệnh tiểu đường
Xem thêm:
Đối với bệnh nhân đái tháo đường, muốn phòng tránh được những biến chứng nguy hiểm nói chung, trước tiên cần phải kiểm soát tốt được đường huyết và các bệnh lý kèm theo (cao huyết áp, rối loạn mỡ máu…) bằng cách sử dụng thuốc theo đúng quy định của bác sĩ, ăn uống khoa học và hoạt động thể chất hàng ngày. Riêng đối với biến chứng nhiễm trùng, người bệnh tiểu đường cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Chăm sóc bàn chân:
Một trong những điều quan trọng nhất mà một người bị bệnh tiểu đường có thể làm để tránh nhiễm trùng là thực hành chăm sóc bàn chân cẩn thận. Vì đây là bộ phận rất dễ bị tổn thương do đái tháo đường, dẫn đến những hậu quả nặng nề như hoại tử và phải cắt cụt bàn chân, nặng hơn có thể tử vong. Đối với biến chứng bàn chân, muốn phòng tránh trước hết người bệnh phải tạo cho mình thói quen tự kiểm tra bàn chân mỗi ngày (kiểm tra khắp bàn chân, từ lòng tới những kẽ chân, nơi khó quan sát, để có thể thấy được những bất thường dù là nhỏ nhất). Giữ vệ sinh sạch sẽ, rửa chân hàng ngày bằng nước ấm (không nên ngâm chân trong nước quá lâu, tránh làm khô da, luôn thử nhiệt độ của nước để tránh quá nóng, luôn làm khô các kẽ chân sau khi rửa). Luôn giữ da chân mềm mại, giữ gót chân không bị chai, vảy sừng (có thể dùng kem làm mềm da hay vaselin để làm mềm, nhưng tránh không được thoa kem làm mềm vào các kẽ chân, vì đó là điều kiện để gây nên các vết nhiễm trùng nếu có trầy xước). Cắt móng chân mỗi tuần hay khi cần (không nên để móng chân quá dài, hay góc cạnh để tránh làm tổn thương da). Luôn mang giày và tất mềm (tránh giẫm phải những dị vật có thể làm tổn thương lòng bàn chân, và những vết chai da). Bảo vệ chân trước môi trường quá nóng hoặc lạnh. Luôn giữ dòng máu lưu thông tốt ở chân (luôn cử động cẳng, bàn chân mỗi 5 phút hay nhón gót tại chỗ nhằm tăng co bóp các cơ vùng cẳng chân giúp máu lưu thông tốt hơn, không nên mang vớ và quần quá chật). Tăng cường hoạt động thể chất, tập luyện mỗi ngày 30 phút. Các môn thể dục có thể thực hiện được như đi bộ, đạp xe đạp, bơi lội,… Tránh các hoạt động gắng sức hoặc các hoạt động làm tăng áp lực tì đè lên bàn chân như chạy, nhảy… Luôn luôn hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi thực hiện bất cứ những hoạt động nào. Vì đôi khi những hoạt động đó có thể làm nặng thêm tình trạng tổn thương bàn chân. Hãy tái khám ngay khi bàn chân có biểu hiện bất thường: đau, loét, đốm đỏ hay sưng... Kiểm tra cảm giác của bàn chân mỗi lần đi khám ít nhất 1 lần/ năm.
Hãy tự chăm sóc bàn chân của bạn ngay từ bây giờ dù chưa có biểu hiện gì.
- Vệ sinh đường tiểu tốt:
Vệ sinh đường tiểu tốt, đặc biệt là với phụ nữ bị tiểu đường, có thể giúp giảm thiểu khả năng bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Thực hiện bằng cách tẩy rửa nhà vệ sinh sạch sẽ, rửa sạch sẽ sau khi quan hệ tình dục, không nhịn tiểu và uống nhiều nước.
Nhiễm nấm men đường sinh dục thường có thể tránh được bằng cách vệ sinh âm đạo tốt. Ngoài ra, ăn các thực phẩm có lợi, chẳng hạn như sữa chua chứa vi khuẩn axit, có thể hữu ích để ngăn ngừa nhiễm trùng nấm men.
- Theo dõi các triệu chứng của nhiễm trùng:
Người bệnh tiểu đường nên thận trọng và chú ý đến bất kỳ thay đổi nào trong cơ thể, bởi đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.
Một số ví dụ về sự thay đổi trên cơ thể của bệnh nhân tiểu đường nên được cảnh báo như: sự gia tăng nhiệt độ cơ thể, sự thay đổi lượng đường trong máu, tiết dịch âm đạo có mùi hôi, đau khi đi tiểu, nước tiểu đục, có máu hoặc có mùi hôi, thay đổi thói quen đi ngoài, tất cả các điểm chấn thương, xây xước nhỏ... Nếu gặp bất cứ triệu chứng nào như trên bệnh nhân cũng cần lưu ý và trao đổi ngay với bác sĩ.
Chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời các bệnh nhiễm trùng là rất quan trọng, càng để muộn thì biến chứng nhiễm trùng do đái tháo đường càng khó điều trị.
Bác sỹ có thể thực hiện một hoặc nhiều xét nghiệm để chẩn đoán nhiễm trùng, bao gồm xét nghiệm máu, soi dịch tiết, xét nghiệm định tính nước tiểu, chụp X-quang và kiểm tra sức khỏe toàn diện.
Để điều trị bất kì loại nhiễm trùng nào do đái tháo đường, yếu tố rất quan trọng nhất là phải kiểm soát tốt đường huyết, nhằm làm chậm diễn tiến của bệnh và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm liên quan đến nhiễm trùng. Đồng thời sử dụng thêm các thuốc kháng sinh đường uống hoặc đường bôi.
Xem thêm:
Trích nguồn: http://diabetes.about.com