Biến chứng tiểu đường: Tất cả thông tin bạn cần biết

Có tới 75% bệnh nhân tiểu đường nhập viện vì biến chứng. Các biến chứng của bệnh tiểu đường ảnh hưởng tới toàn bộ cơ thể, từ bàn chân cho tới nội tạng, mắt, răng miệng và não bộ. Điều đáng nói, ngay cả khi đường huyết được kiểm soát tốt, bệnh tiểu đường vẫn có thể dẫn đến biến chứng. Một số biến chứng tiểu đường còn có biểu hiện tương tự như các bệnh thường gặp nên dễ bị bỏ qua, đến khi phát hiện thì đã muộn và các biến chứng phối hợp đã xuất hiện.

Biến chứng tiểu đường là gì?

Biến chứng tiểu đường là những bệnh lý xuất hiện trong quá trình phát triển của bệnh tiểu đường

Các biến chứng của bệnh tiểu đường được chia thành 2 nhóm: Biến chứng mạch máu nhỏ (vi mạch) và biến chứng mạch máu lớn.

  • Biến chứng mạch máu nhỏ của bệnh tiểu đường bao gồm tổn thương mắt (bệnh võng mạc) dẫn đến mù lòa, bệnh thận dẫn đến suy thận, tổn thương thần kinh dẫn tới suy giảm sinh lý và biến chứng bàn chân (nhiễm trùng, hoại tử, cắt cụt chi).

  • Biến chứng mạch máu lớn bao gồm: Bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ và giảm lưu lượng máu đến tim.

Nguyên nhân gây biến chứng của bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường sinh biến chứng bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó, mức đường huyết tăng cao lâu ngày không kiểm soát là một trong hai yếu tố sinh biến chứng đã được khoa học công nhận.

Rối loạn chuyển hóa chất đường (tăng đường huyết) kéo theo một loạt các rối loạn chuyển hóa chất khác. Tổ hợp các rối loạn chuyển hóa chất này thúc đẩy quá trình stress oxy hóa và viêm mạn tính diễn ra mạnh mẽ, gây xơ vữa và chít hẹp hệ thống mạch máu nhỏ và mạch máu lớn, khiến giảm máu cung cấp đến cơ quan đích. Cơ quan đích thiếu máu sẽ tổn thương vĩnh viễn, sinh ra các biến chứng tiểu đường.

Nguyên nhân gây biến chứng tiểu đường

Nguyên nhân gây biến chứng tiểu đường

Sáu loại biến chứng tiểu đường thường gặp: Dấu hiệu nhận biết sớm

Biến chứng bàn chân của bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường có thể gây ra một số biến đổi ngoài da ở chân như da khô, chai chân, biến dạng bàn chân, loét và thậm chí khiến người bệnh phải cắt bỏ phần chân bị biến chứng.

Nhận biết biến chứng bàn chân của bệnh tiểu đường dễ hơn so với các biến chứng tiểu đường khác. Bởi biến chứng này, có một số dấu hiệu rất đặc trưng sau:

  • Bàn chân xuất hiện vết chai cứng, da khô, dày sừng, nứt nẻ hoặc xuất hiện các bọng nước phồng rộp nếu đi giày dép chật.
  • Bàn chân xuất hiện các dấu hiệu viêm: vùng da bị ban đỏ, phù nề, sưng tấy, da đổi màu; cảm giác kiến bò hoặc đau,
  • Vết xước chảy máu, chậm liền, sau một thời gian thì chảy dịch, có mùi hôi, vùng da bị tổn thương có xu hướng lan rộng rất nhanh.

Biến chứng bàn chân của bệnh tiểu đường

Biến chứng bàn chân của bệnh tiểu đường

Tiểu đường biến chứng suy thận

Thận có nhiệm vụ lọc máu và loại bỏ các chất thải trong cơ thể qua đường nước tiểu. Ở người bệnh tiểu đường, lượng đường trong máu cao và được đào thải ra cùng với nước tiểu gây tổn thương thận và làm thận mất dần khả năng lọc thải độc tố.

Các dấu hiệu nhận biết suy thận bao gồm:

  • Da biến đổi
    • Phù toàn thân, phù từ mí mắt xuống bàn chân, da trắng nhạt và mất tính đàn hồi. Khi ấn tay vào da, hiện rõ vết lõm và lâu căng lại.
    • Da thường xuyên ngứa ngáy khó chịu, uống và bôi thuốc da liễu không có dấu hiệu cải thiện.
  • Nước tiểu biến đổi
    • Ở một người bình thường: Nước tiểu có màu vàng nhạt. Nếu uống nước ít thì nước tiểu sẽ có màu vàng sậm. Đôi khi màu nước tiểu hơi đùng đục, nhất là vào buổi sáng.
    • Ở những người bệnh thân: Nước tiểu vẩn đục một cách bất thường như: Sủi bọt hồng, có bong bóng, có mùi hôi đặc biệt khác thường (không giống mùi amoniac ở nước tiểu người bình thường)...
  • Cảm giác lạ ở miệng:
    • Miệng có vị kim loại, hơi thở có mùi ammoniac.
    • Ăn không ngon miệng, buồn nôn và nôn.
  • Mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, khó thở, mất tập trung, môi nhợt nhạt, … do thiếu máu.

Tiểu đường biến chứng lên mắt

Biến chứng mắt tiểu đường là biến chứng được người bệnh biết đến nhiều nhất. Biến chứng xảy ra do hệ thống mao mạch nuôi dưỡng mắt bị tổn thương vì đường huyết tăng cao. Đồng thời khi đường huyết tăng cao, phản ứng tự nhiên của cơ thể là kéo nước vào lòng mạch để pha loãng nồng độ đường, gây xuất huyết, phù nề và làm cho ống kính của mắt bị mờ. Lúc đó, mắt của người tiểu đường có thể gặp phải nhiều vấn đề như: bệnh lý võng mạc, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp,... dẫn đến mù lòa nếu không kịp thời điều trị.

Vì vậy, nếu xuất hiện các triệu chứng sau đây, người bệnh tiểu đường hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức:

  • Nhìn mờ, nhìn đôi
  • Đau nhức hốc mắt
  • Chảy nước mắt
  • Mất thị lực đột ngột ở một hoặc cả hai mắt
  • Cảm giác như có một bức màn trước mắt
  • Xuất hiện các đốm đen khi nhìn

Tiểu đường biến chứng lên mắt

Tiểu đường biến chứng lên mắt

Biến chứng răng miệng do bệnh tiểu đường

Biến chứng răng miệng ở người bệnh tiểu đường bao gồm sâu răng, viêm nướu răng và bệnh nha chu. Người bệnh có thể phòng tránh biến chứng tiểu đường này bằng cách vệ sinh, chăm sóc răng miệng thường xuyên và đi khám nha khoa 3 - 6 tháng một lần.

Tìm hiểu thêm: Cách chăn sóc răng miệng khi mắc tiểu đường

Biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường

Các vấn đề về tim mạch thuộc vào biến chứng mạch máu lớn của bệnh tiểu đường. Biến chứng tim mạch gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm (đột quỵ, bệnh tim động mạch vành, huyết khối, suy tim, bệnh động mạch ngoại biên), dễ dàng cướp đi mạng sống ngưởi bệnh chỉ trong vòng vài phút sau khi bệnh.

Biến chứng này không thể nhận biết bằng các dấu hiệu “mắt thấy tai nghe” thông thường mà chỉ có thể được chẩn đoán chính xác bởi các xét nghiệm huyết áp, mỡ máu,... Vì vậy để phòng ngừa biến chứng tim mạch, người bệnh cần định kỳ khám bệnh để nhanh chóng phát hiện vấn đề và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, nhiệm vụ ổn định đường huyết, hạn chế quá trình stress oxy hóa và viêm mạn tính là nhiệm vụ tiên quyết người bệnh tiểu đường nhất định phải thực hiện.

Thời gian biến chứng của bệnh tiểu đường là bao lâu?

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, có tới một nửa số người bệnh tiểu đường đã gặp các biến chứng thần kinh ngay tại thời điểm chẩn đoán. Các biến chứng cấp tính của bệnh tiểu đường như hạ đường huyết, tăng đường huyết có thể gặp bất kỳ lúc nào trong quá trình điều trị. Những biến chứng khác có thể xuất hiện và kéo dài đến suốt đời nếu không được chữa trị kịp thời đúng cách.

Thuốc chống biến chứng tiểu đường

Không có một loại thuốc đơn lẻ nào có thể ngăn chặn được tất cả các biến chứng của bệnh tiểu đường. Thuốc chống biến chứng tiểu đường chia làm 2 loại: Thuốc hạ và ổn định đường huyết theo đơn của bác sỹ; Loại còn lại là các chất chống oxy hóa giúp hạn chế tình trạng stress oxy hóa trong lòng mạch, bảo vệ mạch máu.

Bên cạnh thuốc, người bệnh tiểu đường cần phải kết hợp với chế độ ăn uống khoa học và tập thể dục thường xuyên. Nếu kiểm soát tốt đường huyết và chủ động chống oxy hóa, các biến chứng tiểu đường sẽ rất khó xảy ra.

Trên đây là thông tin tổng quan về các biến chứng tiểu đường, mong rằng người đọc có thể nắm bắt các vấn đề cần quan tâm về các biến chứng này. Để tìm hiểu sâu hơn về bệnh tiểu đường cũng như các biến chứng mà nó gây ra.

Tham khảo:

http://www.who.int/diabetes/action_online/basics/en/index3.html