Tiểu đường vốn được xếp vào nhóm bệnh mạn tính, tức là phải chung sống suốt đời. Tuy nhiên gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra nguyên nhân khiến cho insulin không được sản xuất đầy đủ, mở ra hy vọng có thể chữa khỏi bệnh tiểu đường bằng thuốc.
Bình thường, tụy (cơ quan nhỏ nằm ngay dưới gan) sản sinh ra 2 loại hormon insulin và amylin thường làm việc cùng nhau để điều chỉnh đáp ứng của cơ thể khi bạn ăn, uống các loại thực phẩm. Insulin là hormone giúp vận chuyển đường (glucose) từ máu vào trong tế bào (cơ bắp và mô mỡ), tạo thành năng lượng. Quá ít insulin sẽ làm cho glucose tăng trong máu, gây bệnh tiểu đường, nếu glucose tăng cao kéo dài sẽ gây hại cho thận, tim, mắt và hệ thần kinh.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Manchester (Vương quốc Anh) đã phát hiện ra rằng hormone amylin có thể gây ra bệnh tiểu đường. Các hormone amylin này liên kết lại với nhau, vây quanh tế bào tiết insulin trong tuyến tụy, gây cản trở quá trình sản xuất insulin, đồng thời các khối amylin phá hủy các tề bào này. Kết quả là sự suy giảm sản xuất insulin hoặc thiếu hụt insulin hoàn toàn, từ đó hình thành bệnh tiểu đường.
Các nhà khoa học hy vọng có thể chữa khỏi bệnh tiểu đường bằng thuốc
Nghiên cứu trước đây của các nhà khoa học New Zealand gợi ý rằng, đây là nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường tuýp 2. Nhưng các nhà khoa học tại Đại học Manchester đã phát hiện ra rằng cả bệnh đái tháo đường type 1 và type 2 đều được hình thành bởi cơ chế này.
Phát hiện mới về nguyên nhân gây bệnh tiểu đường này có thể mang đến hy vọng tìm ra được một loại thuốc có thể ngăn chặn amylin kết tụ hoặc hòa tan khối amylin đã hình thành. Các nhà khoa học tin tưởng rằng sẽ có các loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường ra đời, và tiến hành các thử nghiệm ở cả người bệnh tiểu đường type 1 và type 2.
Mặc dù phát hiện mới này là tin vui lớn đối với những người mắc bệnh tiểu đường nhưng các chuyên gia cho rằng bạn nên áp dụng lối sống lành mạnh để phòng bệnh hơn là chờ đợi một viên thuốc. TS.BS Alasdair Rankin - Giám đốc Nghiên cứu tại tổ chức Diabetes UK, cho biết: “Đối với bệnh tiểu đường type 2, một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm cả dân tộc, tuổi tác, tiền sử gia đình và thừa cân. Vì vậy, trong khi không có cách nào phòng ngừa bệnh tiểu đường type 1 thì cách hiệu quả nhất để giảm nguy cơ mắc tiểu đường type 2 là giữ cho trọng lượng khỏe mạnh bằng chế độ ăn uống cân bằng và vận động cơ thể”
Nghiên cứu được công bố trên Journal of the Federation of American Societies for Experimental Biolog.
Tham khảo:
http://www.telegraph.co.uk/news/science/science-news/11046958/Diabetes-could-be-cured-as-scientists-find-cause-of-disease.html
http://www.wpro.who.int/vietnam/mediacentre/features/feature_world_health_day_2016_vietnam/en/