Bệnh tiểu đường có nên uống rượu không?

Rượu là loại đồ uống được nhiều người ưa thích, bởi chúng có thể kích thích não sản xuất dopamin – chất dẫn truyền thần kinh tạo ra sự hưng phấn. Một số nghiên cứu mới gần đây cho thấy, sử dụng rượu với một lượng nhỏ có thể có lợi cho người bệnh tiểu đường . Tuy nhiên điều đó không thể phủ nhận được tác hại của chất cồn (ethanol) trong rượu, nó có thể gây ảnh hưởng đến thể lực, tư duy, trí tuệ, khả năng lao động. Với người mắc tiểu đường, nếu uống quá nhiều rượu có thể gây tụt đường huyết và tương tác xấu với thuốc điều trị. Vì vậy, bạn cần hiểu 4 cách tác động của rượu đối với bệnh tiểu đường để cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro trước khi sử dụng.

Uống rượu vừa phải có lợi cho người bệnh tiểu đường

Đó là kết luận đưa ra từ một nghiên cứu năm 2014 trên hơn 11,000 người mắc bệnh tiểu đường type 2 đến từ 20 quốc gia trên thế giới, được đăng tải trên Diabetes Care (tạp chí hàng đầu về bệnh tiểu đường của Hiệp hội bệnh tiểu đường Hoa Kỳ). Tất cả bệnh nhân đều từ 55 tuổi trở lên, và đều có tiền sử mắc bệnh tim, hoặc có các yếu tố nguy cơ về tim mạch, kèm theo bệnh tiểu đường. Khi bắt đầu nghiên cứu, những người tham gia đã báo cáo lại lượng rượu họ thường uống trong một tuần. Tình trạng sức khoẻ của họ được theo dõi và ghi nhận trong vòng 5 năm tiếp theo. Sau 5 năm cho thấy, những người uống rượu với lượng vừa phải có nguy cơ đau tim, đột quỵ, tử vong thấp hơn so với những người hoàn toàn kiêng rượu.

Một số nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra rằng, uống một lượng rượu vừa phải giúp giảm nguy cơ cholesterol cao và bệnh thận ở những người bị tiểu đường. Tuy nhiên, uống nhiều rượu lại có thể gây ra một loạt các vấn đề về sức khỏe như huyết áp cao, tổn thương gan và ung thư. Vì vậy, lượng rượu vừa phải là rất quan trọng: không quá 2 đơn vị rượu/ngày đối với nam và 1 đơn vị rượu/ ngày với nữ. Tại Mỹ, một đơn vị rượu được quy ước tương ứng với khoảng 340 ml bia, 140 ml rượu vang hoặc 45 ml rượu mạnh.

Uống lượng rượu vừa phải giúp giảm nguy cơ mắc biến chứng tiểu đường Uống lượng rượu vừa phải giúp giảm nguy cơ mắc biến chứng tiểu đường

Uống rượu gây hạ đường huyết

Uống nhiều rượu, nhất là khi không ăn uống làm ức chế gan giải phóng glucose dự trữ có thể khiến đường huyết hạ thấp bất thường. Để giúp ngăn chặn điều này, bạn không nên uống rượu khi bụng đói (dạ dày trống rỗng) hoặc khi đường huyết đang mất kiểm soát. Vì sự an toàn, bác sĩ có thể khuyên bạn nên kiểm tra mức đường huyết trước, trong và sau khi uống rượu.

Rượu có thể tương tác với nhiều loại thuốc tiểu đường

Khi cơ thể hấp thu rượu và thuốc điều trị cùng một lúc, có thể làm tăng nguy cơ gây tác dụng phụ có hại như:

- Nếu bạn đang dùng các thuốc sulfonylurea (bao gồm chlopropamide, glipizide và glyburide) để điều trị tiểu đường type 2, uống rượu có thể gây hạ đường huyết bất thường. Ở một số bệnh nhân, việc sử dụng đồng thời rượu và thuốc nhóm sulfonylurea làm xuất hiện các dấu hiệu như: nóng bừng, buồn nôn, nôn, nhức đầu, tim đập nhanh, thay đổi huyết áp đột ngột.

 Rượu có thể tương tác với thuốc điều trị tiểu đường gây tụt đường huyết

Rượu có thể tương tác với thuốc điều trị tiểu đường gây tụt đường huyết

- Khi rượu kết hợp với metformin (Glucophage) sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm toan acid lactic. Đây là tác dụng phụ hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng, có thể gây suy nhược, mệt mỏi, chóng mặt, ớn lạnh, khó thở, đau cơ, đau bao tử, rối loạn nhịp tim.

Vì thế, bạn hãy cho bác sĩ biết chính xác lượng rượu bạn thường uống, vì điều này sẽ ảnh hưởng đến thuốc điều trị bệnh.  Bác sĩ sẽ báo trước cho bạn tất cả tác dụng phụ có thể xảy ra và cách xử lý khi gặp các trường hợp này.

Khó kiểm soát đường huyết khi lạm dụng rượu

Lạm dụng rượu có thể là nguyên nhân làm giảm quyết tâm quản lý và kiểm soát bệnh tiểu đường của nhiều người. Trong một nghiên cứu gồm có hơn 3.900 nam giới bị tiểu đường cho thấy, những người lạm dụng rượu thường thực hiện chế độ ăn uống kém khoa học hơn, và hút thuốc nhiều hơn so với những người không uống rượu.

Một số nghiên cứu khác dành cho bệnh nhân tiểu đường cũng cho biết: người nghiện rượu nặng ít khi kiểm tra đường huyết, thực hiện xét nghiệm HbA1c, dùng thuốc điều trị đúng chỉ dẫn của bác sĩ và tập thể dục. Đây là một trong những lý do khiến người nghiện rượu có bệnh tiểu đường gặp khó khăn trong việc kiểm soát đường huyết.

Rượu có thể tác động lên bệnh tiểu đường theo nhiều cách khác nhau, vì thế tốt nhất, nếu muốn uống rượu, bạn nên tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ về lượng rượu, thời điểm uống, tránh lạm dụng dẫn đến những hậu quả xấu. Bên cạnh đó, điều quan trọng là phải luôn quản lý và kiểm soát bệnh tiểu đường theo đúng kế hoạch đã đề ra.

Xem kinh nghiệm điều trị khô ngứa da, dày móng do biến chứng tiểu đường

Theo nguồn: http://healthguides.healthgrades.com