Đối với phụ nữ mắc bệnh tiểu đường, thời kỳ mãn kinh gây ra nhiều ảnh hưởng bất lợi đến sự tiến triển của bệnh như khó kiểm soát đường huyết, tăng cân.
Thời kỳ mãn kinh đối với phụ nữ là một bước đánh dấu sự bắt đầu của quá trình lão hóa, có ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe. Ở thời kỳ mãn kinh, cơ thể giảm sản xuất các hormone Estrogen và Progesterone cho đến khi không còn kinh nguyệt. Sự giảm Estrogen và Progesterone dẫn đến sự mất cân bằng nội tiết là nguyên nhân của nhiều các hiệu ứng trên cơ thể của bệnh nhân như:
- Thay đổi chỉ số đường huyết: Estrogen và Progesterone có thể ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng của tế bào với Insulin. Trong thời kỳ mãn kinh, sự thay đổi của nồng độ hormone có thể gây ra biến động mạnh về lượng đường trong máu, khiến cho việc kiểm soát đường huyết trở nên khó khăn, dễ dẫn đến nhiều biến chứng tiểu đường nguy hiểm như tổn thương thần kinh, các bệnh về mắt, tim mạch… Vì vậy, trong thời kỳ này bệnh nhân cần phải thường xuyên kiểm tra đường huyết để có những điều chỉnh kịp thời trong điều trị nhằm giữ chỉ số đường huyết ổn định ở giới hạn cho phép.
- Tăng cân: Đây là một trong những tác động đáng sợ nhất của thời kỳ mãn kinh. Tăng cân có thể làm tăng tình trạng đề kháng insulin. Việc thay đổi trọng lượng cơ thể cũng đòi hỏi người bệnh phải được điều chỉnh liều Insulin cũng như các thuốc hạ đường huyết khác. Người bệnh cần cố gắng giữ được lối sống lành mạnh với một chế độ dinh dưỡng khoa học và tập thể dục hàng ngày để hạn chế việc tăng cân.
Thời kỳ mãn kinh gây ra những ảnh hưởng bất lợi đến tiến triển bệnh tiểu đường
- Khó ngủ: Các triệu chứng mãn kinh như nóng bừng hoặc đổ mồ hôi đêm có thể làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của người bệnh và gây ra những biến đổi lượng đường trong máu.
- Tăng thân nhiệt: Bệnh nhân có thể cảm thấy nóng quanh ngực, đầu, đi kèm với tăng nhiệt độ dưới da có thể đo được và thường kéo dài 20-40 phút. Để giảm hoặc ngăn chặn sự xuất hiện của hiện tượng này thì bệnh nhân cần tránh xa cà phê, rượu, khói thuốc lá, nhiệt độ cao và giữ tinh thần thoải mái, hạn chế lo âu.
- Thay đổi tính nết, tâm trạng: Những thay đổi về hormone cùng với sự căng thẳng và lo lắng về hình thức, sức khỏe tình dục hoặc quá trình lão hóa có thể dẫn đến sự thay đổi tâm trạng không kiểm soát được ở phụ nữ mãn kinh. Và tình trạng căng thẳng cũng có thể gây ra những biến động của lượng đường máu, làm cho việc kiểm soát đường huyết khó khăn hơn.
- Các vấn đề tình dục: Suy giảm nồng độ Estrogen và Progesterone gây khô âm đạo và giảm ham muốn tình dục kết hợp với bệnh tiểu đường có thể làm nặng hơn các tình trạng này.
- Nhiễm trùng: Đường huyết cao có thể làm tăng nguy cơ nhiễm nấm và nhiễm trùng đường tiết niệu trước khi mãn kinh. Nguy cơ này thậm chí còn cao hơn trong và sau khi mãn kinh, vì lượng Estrogen thấp làm cho cơ thể bệnh nhân dễ bị các bệnh nhiễm khuẩn.
- Tăng nguy cơ bệnh tim: Ngay cả trước khi mãn kinh, phụ nữ mắc bệnh tiểu đường đã có nguy cơ cao mắc các bệnh về tim mạch, và thời kỳ mãn kinh sẽ làm tăng thêm nguy cơ này. Do vậy, ở giai đoạn này người bệnh cần đặc biệt lưu ý tuân thủ một chế độ ăn uống lành mạnh với những thực phẩm tốt cho tim mạch và tiểu đường, kết hợp với tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên để giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Nếu đang gặp bất kỳ các triệu chứng nào của thời kỳ mãn kinh và dẫn đến những thay đổi bất thường về chỉ số đường huyết, bạn cũng cần trao đổi với bác sĩ để được theo dõi và có những điều chỉnh kịp thời về liều lượng hoặc sử dụng thuốc thay thế để vẫn đảm bảo hiệu quả điều trị cao nhất.
Trích nguồn: http://www.americandiabetes.com