8 yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc hấp thu Insulin

Lựa chọn loại Insulin phù hợp và sử dụng insulin đúng cách sẽ đạt được hiệu quả cao trong việc kiểm soát đường huyết ở người bệnh đái tháo đường.

Người bệnh đái tháo đường khi phải tiêm Insulin thường băn khoăn làm thế nào để có thể sử dụng thuốc đạt hiệu quả cao nhất. Cách lnsulin được hấp thu trong cơ thể có một tác động sâu sắc đến lượng đường trong máu. Do đó, việc sử dụng lnsulin đúng cách và khoa học là điều hết sức quan trọng. Dưới đây là 8 yếu tố cơ bản có ảnh hưởng đến sự hấp thu Insulin trong máu mà người bệnh cần nắm được:

Liều Insulin

Quá nhiều Insulin có thể dẫn đến tụt đường huyết (lượng đường trong máu quá thấp), trong khi đó liều quá ít có thể dẫn đến lượng đường trong máu cao. Nếu thay đổi liều lượng Insulin thì cần phải có sự theo dõi và giám sát chặt chẽ của bác sĩ điều trị.

Loại Insulin

Sự khác biệt giữa các loại Insulin thể hiện ở quá trình hấp thu của chúng (phải mất bao lâu để Insulin hấp thu vào cơ thể) và thời gian Insulin ở lại trong máu. Thời điểm tiêm Insulin tốt nhất là trước bữa ăn. Tùy từng loại Insulin mà thời gian từ khi tiêm đến khi ăn là khác nhau. Thông thường thời điểm phải ăn là khi Insulin bắt đầu có tác dụng. Ví dụ với Insulin thường (regular) cần tiêm trước khi ăn là 20 – 30 phút, Insulin mixtard cũng là 30 phút, Insulin bán chậm (lente, NPH, insulatard…) là 60 phút… Nếu ăn muộn hơn thì người bệnh có nguy cơ rất cao bị tăng đường huyết.

Vị trí tiêm

Vị trí tiêm insulin có ảnh hưởng đến tỷ lệ hấp thu của nó. Sự hấp thu tốt nhất khi tiêm ở bụng, sau đó đến bắp tay, đùi và mông (bụng > bắp tay > đùi > mông). Sự khác biệt này được áp dụng để kéo dài hoặc rút ngắn thời gian tác dụng của Insulin. Bên cạnh đó, để tránh hình thành các mô sẹo, thì mỗi lần tiêm Insulin nên tiêm ở các vị trí khác nhau.

Vị trí tiêm Insulin ảnh hưởng đến sự hấp thu của thuốc

Vị trí tiêm Insulin ảnh hưởng đến sự hấp thu của thuốc

Tập thể dục

Tập thể dục có thể ảnh hưởng đến cả tỷ lệ hấp thu Insulin cũng như độ nhạy cảm của bệnh nhân với Insulin. Tập thể dục thường tăng độ nhạy cảm của bệnh nhân với Insulin do đó bệnh nhân cần hạn chế. Nhưng đôi khi tập thể dục với cường độ quá cao lại có thể làm cho lượng đường trong máu tăng đột biến và độ nhạy Insulin giảm. Điều tốt nhất là theo dõi lượng đường trong máu của bệnh nhân trước, trong và sau khi tập luyện để xác định chính xác cách tập thể dục ảnh hưởng đến nhu cầu Insulin của bệnh nhân như thế nào, từ đó có hướng luyện tập phù hợp.

Thực phẩm

Các loại thực phẩm không thay đổi tốc độ mà Insulin được hấp thu vào máu, nhưng nó ảnh hưởng đến lượng đường trong máu của bạn. Ví dụ các thực phẩm giàu tinh bột và đường được hấp thu nhanh vào cơ thể, có thể làm tăng đường huyết vì khi đó Insulin chưa kịp được hấp thu vào máu. Mặt khác, với các loại thực phẩm giàu chất béo được hấp thu chậm, Insulin có thể hết tác dụng trước khi thực phẩm được hấp thu. Đó là lý do tại sao thời gian ăn và thành phần của bữa ăn là tương đối quan trọng với bệnh nhân tiểu đường khi sử dụng Insulin.

Nước

Khi cơ thể bị mất nước, có thể làm chậm tốc độ hấp thu Insulin. Đó là lý do tại sao việc uống nhiều nước rất quan trọng, đặc biệt nếu bạn có bệnh tiểu đường và đang phải tiêm Insulin.

Nhiệt độ

Nhiệt độ cơ thể tăng làm giãn các mạch máu, từ đó có thể làm tăng tốc độ hấp thu Insulin. Vì vậy, tốt nhất là người bệnh nên tiêm Insulin khi cơ thể ở nhiệt độ bình thường, không nên tiêm Insulin khi cơ thể quá nóng (ví dụ như sau khi tập thể dục hoặc tắm nước nóng). Việc tiêm Insulin khi nhiệt độ cơ thể đang cao có thể gây hạ đường huyết.

Bảo quản Insulin

Cách bảo quản Insulin có ảnh hưởng rất nhiều đến sự ổn định của nó. Việc tiếp xúc với nhiệt độ nóng hoặc lạnh có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ hấp thu của Insulin. Khi lọ Insulin đã mở thường có thể được giữ ở nhiệt độ phòng, nhưng lọ Insulin chưa mở nên được cất giữ ở ngăn mát của tủ lạnh: 4 – 8oC. Không nên để Insulin ở ngoài trời nóng hoặc tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.

Việc lưu tâm đến 8 yếu tố cơ bản trên sẽ làm tăng hiệu quả của Insulin và giúp bệnh nhân điều chỉnh lượng đường trong máu tốt hơn.

Xem thêm: 

Chia sẻ bệnh nhân điều trị tiểu đường hiệu quả

Trích nguồn: http://www.americandiabetes.com