Uống rượu có thể gây tăng đường huyết, hoặc hạ đường huyết, đẩy nhanh tốc độ biến chứng ở người mắc đái tháo đường. Do vậy người bệnh cần lưu ý khi sử dụng.
Đối với bệnh nhân tiểu đường, mọi loại thực phẩm và đồ uống đều cần được kiểm soát chặt chẽ để ngăn ngừa lượng đường trong máu chạm mức báo động. Đối với rượu cũng như các chất kích thích khác phải rất cẩn trọng và hạn chế. Dưới đây là 10 điều cần xem xét nếu bạn muốn uống rượu khi có bệnh tiểu đường:
1. Chỉ xem xét uống rượu nếu lượng đường trong máu được kiểm soát tốt và bạn đang khỏe mạnh bình thường. Kiểm tra lượng đường trong máu của bạn trước khi bạn bắt đầu uống rượu, theo dõi nó thường xuyên trong và sau khi uống rượu, đồng thời đừng quên kiểm tra đường huyết trước khi đi ngủ.
2. Không bao giờ được uống rượu khi dạ dày trống rỗng (khi đói). Rượu sẽ được hấp thu trực tiếp vào niêm mạc dạ dày và gây tăng đường huyết đột biến. Vì vậy, hãy ăn đồ ăn trước khi uống rượu để làm chậm tốc độ hấp thu của nó.
Uống rượu có thể gây tăng, giảm đường huyết đột ngột
3. Không được phép uống rượu say. Uống một lượng rượu vừa phải có thể làm tăng lượng đường trong máu của bạn, nhưng khi uống một lượng rượu quá lớn lại có thể làm hạ nồng độ đường trong máu đến mức nguy hiểm. Khi gan phải tập trung vào việc làm sạch rượu trong máu, khả năng giải phóng đường của nó sẽ bị hạn chế. Nếu bạn đang dùng Insulin hoặc một số thuốc kích thích tuyến tụy sản xuất Insulin nhiều hơn, bạn sẽ có nguy cơ bị tụt đường huyết. Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến cáo, giới hạn của phụ nữ là một ly mỗi ngày và tối đa là hai ly mỗi ngày cho nam giới.
4. Hãy cẩn thận nếu bạn có ý định uống rượu trong khi đang sử dụng bất kì một loại thuốc nào đó. Uống rượu có thể có một tác động rất lớn không chỉ với thuốc tiểu đường mà với cả những loại thuốc khác. Hãy trao đổi với bác sỹ để nắm được thông tin về những loại thuốc có thể bị mất hoặc giảm tác dụng khi kết hợp với rượu và những loại thuốc không nên dùng với rượu vì có thể gây ra những tương tác nguy hiểm.
5. Trong một số trường hợp nhất định, bạn phải bỏ rượu hoàn toàn. Ví dụ, nếu bạn có tổn thương thần kinh tiểu đường, uống rượu có thể làm cho tình trạng bệnh thêm trầm trọng. Ngoài ra, nếu bạn bị hạ đường huyết hoặc có dấu hiệu cảnh báo lượng đường trong máu thấp, thì không nên uống rượu. Bạn cũng nên xem xét việc bỏ rượu nếu bạn trên 65 tuổi, bị tăng huyết áp hoặc có Triglyceride máu cao.
6. Hãy chọn đồ uống cho mình một cách khôn ngoan. Đồ uống pha trộn, rượu ngọt, thức uống bổ dưỡng hay bia đều chứa hàm lượng Carbohydrate (chất bột và đường) cao và có thể làm tăng cao lượng đường trong máu.
7. Kiểm tra nồng độ cồn trên thức uống. Có thể đọc trên nhãn để biết được nồng độ cồn của sản phẩm bạn định uống, sau đó xem xét để pha loãng bằng đồ uống không đường hoặc nước. Rượu vang có thể được pha loãng với soda hoặc thức uống không đường.
8. Không tập thể dục trước hoặc sau khi uống rượu, vì có thể gây tụt đường huyết.
9. Nên ăn một bữa ăn nhẹ trước khi uống rượu, để tránh trường hợp tụt đường huyết. Nếu bị tụt đường huyết do rượu, điều trị bằng Glucagon sẽ không có tác dụng.
10. Chia sẻ với người xung quanh về bệnh tiểu đường của bạn để họ có thể hỗ trợ trong các trường hợp khẩn cấp.
Trích nguồn: http://www.americandiabetes.com