Tăng hiệu quả của thuốc điều trị đái tháo đường

Trong quá trình sử dụng thuốc đái tháo đường, người bệnh cần lưu ý tuân thủ chế độ ăn, tập luyện, thời điểm uống thuốc và dấu hiệu hạ đường huyết.

Để kiểm soát tốt đường huyết, người bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) thường phải sử dụng thuốc suốt đời, bởi đường huyết càng tăng cao, càng biến động thì biến chứng tiểu đường xuất hiện càng nhanh và càng nặng. Chỉ trong thời gian bệnh nặng hoặc có biến chứng bệnh nhân mới cần phải nằm viện, còn lại phần lớn thời gian là dùng thuốc tại nhà, vì vậy khi sử dụng thuốc, bệnh nhân cần lưu ý:

Tăng hiệu quả của thuốc điều trị đái tháo đường kết hợp với chế độ ăn và luyện tập

- Tuân thủ chế độ ăn: Trước hết, người bệnh cần tuân thủ chế độ ăn của người ĐTĐ. Chỉ cần thực hiện tốt chế độ ăn cũng có thể điều chỉnh được đường huyết ở người ĐTĐ nhẹ. Tuân thủ tốt chế độ ăn, làm tăng được hiệu quả của điều trị bằng thuốc và làm giảm được liều thuốc cần dùng. Nếu không tuân thủ tốt chế độ ăn, sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc và thường phải tăng liều thuốc.

- Vận động thể chất đều đặn: Thực hiện chế độ tập luyện hàng ngày và giảm cân nặng với người béo phì giúp cải thiện tình trạng kháng insulin, làm tăng hiệu quả của việc dùng thuốc và giảm được liều thuốc cần dùng.

Chế độ ăn, tập luyện và thời điểm uống thuốc giúp tăng hiệu quả của thuốc điều trị Chế độ ăn, tập luyện và thời điểm uống thuốc giúp tăng hiệu quả của thuốc điều trị

- Lưu ý khi sử dụng thuốc uống hạ đường huyết: Không phối hợp 2 thuốc cùng nhóm vì có thể làm tăng độc tính, nhưng có thể phối hợp thuốc có tác dụng nhanh với thuốc tác dụng chậm. Có thể phối hợp 2 thuốc khác nhóm hoặc phối hợp thuốc hạ đường huyết với thuốc nhóm acacbose. Thuốc thường được uống trước bữa ăn 30 phút nếu là thuốc tác dụng nhanh và uống trước bữa ăn 60 phút nếu là thuốc tác dụng chậm. Nếu uống quá xa bữa ăn dễ gây tụt đường huyết, có thể nguy hiểm đến tính mạng, nên cần đọc kỹ hướng dẫn với từng loại thuốc.

- Nhận biết dấu hiệu hạ đường huyết: Người bệnh cần biết triệu chứng của hạ đường huyết để đề phòng. Biểu hiện của hạ đường huyết như sau: cảm giác đói cồn cào, thèm ăn, run tay chân, vã mồ hôi, da lạnh ẩm, nếu nặng sẽ lơ mơ rồi đi vào hôn mê. Nếu xét nghiệm đường huyết sẽ thấy đường huyết dưới 2,5 mmol/l. Hạ đường huyết hay xảy ra ở người ĐTĐ dùng quá liều thuốc hạ đường huyết hoặc ăn uống thất thường. Nếu có triệu chứng trên, cần ăn ngay một chút bánh quy hoặc uống 250ml sữa hoặc ăn một loại thức ăn gì đó có sẵn, các triệu chứng sẽ giảm nhanh.

- Lưu ý khi sử dụng một số loại thuốc khác: Ngoài thuốc hạ đường huyết, người bệnh ĐTĐ thường phải dùng các thuốc khác để điều trị các biến chứng như sử dụng kháng sinh để điều trị nhiễm khuẩn, sử dụng thuốc để hạ mỡ máu, thuốc để điều trị tổn thương thần kinh ngoại vi... Để các thuốc trên phát huy được tác dụng, nhất là kháng sinh thì phải sử dụng thuốc hạ đường huyết đủ để duy trì đường huyết ở mức bình thường (4 - 6mmol/l), nếu đường huyết cao thì kháng sinh sẽ không có hiệu quả.

Chia sẻ bệnh nhân điều trị tiểu đường hiệu quả

BS. Hà Hoàng Kiệm Theo Suckhoedoisong.vn

Danh sách bình luận
  • pham le vy
    pham le vy
    09:25 27/07/2015
    cho minh hoi ve co che tac dung cua insulin tren BN dai thao duong typ2?
    vi DTD typ 2 de khang voi insulin ma sao con su dung insulin?
    • Chuyên gia tư vấn
      Chuyên gia tư vấn
      12:12 27/07/2015
      @Phạm Lê Vy:
      Chào bạn! Kháng insulin là tình trạng suy giảm tác dụng sinh học của insulin, biểu hiện bằng gia tăng nồng độ insulin máu. Nói cách khác, kháng Insulin là tình trạng trong đó tuyến tụy vẫn sản xuất đủ insulin để hạ thấp nồng độ đường huyết, nhưng nồng độ insulin đó cao hơn nhiều so với nồng độ insulin bình thường. Theo thời gian, cơ thể một người bị đề kháng insulin càng ngày càng tiết ra nhiều insulin để vận chuyển cùng một lượng glucose đến các tế bào.
      Kháng insulin là cơ chế bệnh sinh chủ yếu của bệnh ĐTĐ typ2 và tình trạng này thường bắt đầu xảy ra ở giai đoạn tiền đái tháo đường. Do các insulin giảm nhạy với tế bào dẫn đến đường huyết tăng cao và kích thích tuyến tụy tăng sản xuất insulin. Tuyến tụy hoạt động quá mức sẽ dần bị suy kiệt và giảm khả năng sản xuất insulin, bởi vậy người bệnh ĐTĐ typ2 ở giai đoạn cuối bắt buộc phải tiêm insulin như người bệnh ĐTĐ typ1.
      Theo khuyến cáo điều trị ĐTĐ typ2 hiện nay thì khuyên người bệnh nên sớm tiêm insulin ở giai đoạn đầu hay ở thời kỳ tiền đái tháo đường để giúp giảm hoạt động của tuyến tụy và ổn định đường huyết bền vững, nhờ đó làm chậm tiến trình bệnh, ngăn ngừa các biến chứng xuất hiện do đường huyết tăng cao kéo dài. Mặt khác, trong một số trường hợp đặc biệt, người bệnh ĐTĐ typ2 không thể sử dụng thuốc điều trị mà bắt buộc phải tiêm insulin.
      Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về Tình trạng đề kháng Insulin, Vai trò của insulin trong điều trị bệnh ĐTĐ và Các thuốc điều trị ĐTĐ typ2 tại các link sau:
      http://bienchungtieuduong.co/bai-viet/thong-tin-benh/su-dung-insulin-trong-dai-thao-duong-va-nhung-luu-y.html
      http://bienchungtieuduong.co/bai-viet/thong-tin-benh/de-khang-insulin--tien-than-cua-tieu-duong-type-2.html
      http://bienchungtieuduong.co/bai-viet/phuong-phap-dieu-tri/cac-nhom-thuoc-trong-dieu-tri-dai-thao-duong-typ2.html
      Chúc bạn sức khỏe!
      Thân.