Hỏi đáp với chuyên gia

Câu hỏi chuyên gia

  • Icon

    Biện pháp nào để giữ được sự ổn định của đường huyết cho bệnh nhân bị đái tháo đường?

    Chào bác sĩ, tôi bị tiểu đường, hiện tại lượng đường trong máu của tôi luôn giữ ở mức cho phép nhưng không ổn định, dao động từ khoảng 6 - 7.4 mmol/l. Bác sĩ cho tôi hỏi như vậy có tốt không và có nhiều nguy cơ bị biến chứng của tiểu đường không? Nếu giữ được sự ổn định của lượng đường trong máu thì có giúp người bệnh không bị biến chứng không và làm cách nào để giữ được sự ổn định đó?
    Icon
    Chào bạn,
    Nếu bạn bị đái tháo đường (ĐTĐ) thì lượng đường huyết khi đói dao động từ 6 - 7.4 mmol/l là chấp nhận được, nhưng vấn đề ở chỗ lượng đường trong máu sau ăn của bạn là bao nhiêu. Các biến chứng xảy ra ở người bệnh ĐTĐ phần lớn là do lượng đường trong máu sau ăn quyết định. Bạn nên kiểm tra chỉ số HbA1c để có đánh giá tốt hơn.
    Hiện nay y học chưa có khả năng ngăn ngừa hoàn toàn các biến chứng của bệnh mà chỉ có khả năng làm giảm mức độ các biến chứng và làm chậm thời gian xảy ra biến chứng. Kiểm soát tốt đường huyết sẽ giúp làm chậm lại tiến trình sinh biến chứng. Muốn giữ được sự ổn định đường huyết phải kiểm soát chặt chẽ cả 3 yếu tố đó là chế độ ăn uống, chế độ luyện tập và dùng thuốc.
    Bên cạnh đó, bạn còn phải chú ý quản lý tốt chỉ số huyết áp, cân bằng các chỉ số lipid máu, chống các rối loạn đông máu, tránh các stress. Nói tóm lại phải quản lý tốt một cách toàn diện. Ngoài ra sử dụng thêm một số chất chống stress oxy hóa cũng có thể giúp phòng ngừa biến chứng của tiểu đường.
    Chúc anh sức khỏe!
  • Icon

    Nên tiêm Insulin ở vùng nào trên cơ thể để đạt hiệu quả cao?

    Tôi phát hiện bị tiểu đường typ 2 cách đây 3 năm. Vừa rồi tôi đi khám, bác sĩ nói đường huyết của tôi kiểm soát không tốt, nên đã chuyển từ thuốc uống sang tiêm insulin 40 UI/ngày. Tôi không biết nếu tôi tự tiêm insulin thì tôi có thể tiêm ở những vùng nào trên cơ thể? Và việc tiêm insulin ở những vị trí khác nhau thì có tác động gì khác nhau không? Nhờ bác sĩ tư vấn giúp tôi. Xin cám ơn bác sĩ!
    Icon
    Chào chị,
    Trên cơ thể, một số vùng có thể tiêm insulin đó là bắp tay, đùi, mông và vùng bụng cách rốn khoảng 5 cm. Tiêm ở các vị trí khác nhau có ảnh hưởng đến sự hấp thu insulin. Sự hấp thu Insulin sẽ tùy theo từng vị trí, sự hấp thu tốt nhất ở bụng, sau đó đến bắp tay, đùi, và mông (bụng -  bắp tay  -  đùi -  mông). Sự khác biệt này được áp dụng để kéo dài hoặc rút ngắn thời gian tác dụng của Insulin.
    Điều đặc biệt cần lưu ý đối với vị trí khi tiêm insulin là phải xoay vòng và thay đổi vùng tiêm để tránh biến chứng loạn dưỡng mỡ. Có thể quay vòng vị trí tiêm theo chiều kim đồng hồ, hoặc đổi chỗ tiêm giữa bụng – đùi – cánh tay – mông.
    Chúc chị sức khỏe!
  • Icon

    Tim đập nhanh, da khô và ngứa có phải biến chứng tiểu đường không?

    Tôi năm nay 51 tuổi, hiện đang là giáo viên tại một trường tiểu học. Tôi phát hiện bị tiểu đường khoảng gần 3 năm nay, đường huyết lúc đói hiện nay là 6,1 mmol/l. Tôi thường xuyên tập thể dục vào buổi sáng và duy trì chế độ ăn uống cho người tiểu đường. Hiện nay, tôi thấy cơ thể mình hay mệt mỏi, tim đập nhanh hơn bình thường, da khô và hơi ngứa. Xin hỏi, đây là biến chứng của bệnh tiểu đường hay là dấu hiệu nhận biết của một vài căn bệnh khác nữa?
    Icon
    Chào chị,
    Chỉ số đường huyết bây giờ của chị là tương đối tốt. Chị nên tiếp tục duy trì chế độ ăn uống, luyện tập và giữ được mức đường huyết ổn định như hiện tại.
    Tuy nhiên, vì biến chứng là một quy luật tất yếu của bệnh đái tháo đường, nên dù kiểm soát tốt đường huyết biến chứng vẫn có thể xảy ra. Các dấu hiệu chị đang gặp phải chính là biến chứng thần kinh tự chủ của bệnh đái tháo đường, với các biểu hiện rối loạn nhịp tim, giảm tiết mồ hôi khiến da khô và ngứa.
    Ngay bây giờ, chị nên đến khám tại các bệnh viện chuyên khoa đái tháo đường, các bác sĩ sẽ kiểm tra và xác định mức độ nặng nhẹ của biến chứng, từ đó có hướng điều trị tốt nhất. Nếu không điều trị sớm và kịp thời, biến chứng tiến triển nặng thêm và việc điều trị lúc đó sẽ trở nên rất khó khăn.
    Chúc chị sức khỏe!
    Thân!
  • Icon

    Bị tiểu đường muốn có em bé thì có ảnh hưởng gì không?

    Em chào bác sĩ, năm nay em 31 tuổi, cách đây 5 tháng trong 1 lần đi khám sức khỏe em phát hiện bị tiểu đường typ 1, em đang chích Insulin hàng ngày. Em chưa có con, hiện tại em đang muốn có em bé nhưng mãi vẫn chưa có. Em có thể có con được không?
    Icon
    Chào bạn,
    Bạn yên tâm rằng, bạn hoàn toàn có khả năng sinh 1 đứa con khỏe mạnh dù bị bệnh tiểu đường, nhưng với điều kiện bạn phải kiểm soát thật tốt đường huyết. Nếu bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt trước và trong khi mang thai, các vấn đề có thể phát sinh bao gồm làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh, em bé quá to, tiền sản giật, sẩy thai, nhiễm trùng đường tiết niệu, quá nhiều ối có thể dẫn đến sinh non…
    Vì vậy, nếu muốn có thai, trước tiên bạn cần phải đến gặp các bác sĩ để được khám xét và tư vấn cẩn thận. Phụ nữ bị tiểu đường cần kiểm soát tốt mức đường huyết 3 tháng trước khi mang thai, duy trì HbA1c
    Việc trả lời câu hỏi nên hay không nên mang thai ở người tiểu đường được trả lời bởi sự kiểm soát tốt đường huyết và các nguy cơ của thai phụ. Nếu được chăm sóc y tế đầy đủ người phụ nữ mang bệnh tiểu đường hoàn toàn có thể mang thai và có em bé khỏe mạnh.
    Trường hợp bạn mãi chưa có con, bạn không nói rõ thời gian cụ thể là đã bao lâu bạn chưa có con. Nếu 2 vợ chồng bạn vẫn có quan hệ tình dục thường xuyên và không dùng bất cứ một biện pháp tránh thai nào mà vẫn không thể mang thai trong vòng một năm, thì có khả năng là đã bị vô sinh. Vô sinh có thể bởi rất nhiều lí do, nguyên nhân từ phía bạn, từ phía chồng bạn hoặc cả hai, ví dụ như chất lượng trứng kém, chất lượng tinh trùng kém, viêm nhiễm cơ quan sinh dục… Bạn và chồng cần đến các bệnh viện chuyên khoa như bệnh viện phụ sản để kiểm tra sức khỏe sinh sản, xác định chính xác nguyên nhân chưa có con, từ đó có hướng điều trị phù hợp.
    Bạn cũng không nên lo lắng quá, tâm lí căng thằng sẽ ảnh hưởng không tốt đến tình trạng bệnh của bạn, và thúc đẩy nhanh tiến trình sinh biến chứng của tiểu đường. Bạn nên giữ tâm lí thoải mái, đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để để được khám xét trực tiếp và cho bạn những lời khuyên thích hợp.
    Xem kinh nghiệm điều trị khô ngứa da, dày móng do biến chứng tiểu đường

    Chúc bạn sức khỏe!
  • Icon

    Sử dụng thuốc tây trong điều trị đái tháo đường có nguy cơ bị ung thư không?

    Bác sĩ cho tôi hỏi, có thuốc điều trị đái tháo đường nào làm tăng nguy cơ bị ung thư hay không?
    Icon
    Gần đây có một số tin tức về thuốc điều trị đái tháo đường (ĐTĐ) có thể làm tăng nguy cơ ung thư, như nhóm thuốc thiazolidinediones (pioglitazone) làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang, nhóm thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 (hiện nay chưa có tại Việt Nam) tăng nguy cơ ung thư tụy, insulin ngoại sinh có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, các thông tin này đều xuất phát từ các nghiên cứu quan sát, vì vậy, mối liên hệ nhân quả không có bằng chứng rõ ràng và/ hoặc rất thấp. Do đó, hiện nay, các Hiệp hội ĐTĐ trên thế giới không đưa ra kết luận cần ngưng sử dụng các thuốc này. Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy Metformin có liên quan với giảm nguy cơ xuất hiện một số ung thư. Tuy nhiên cũng như trên, đây chỉ là kết luận từ một số nghiên cứu quan sát, và cơ chế hiện nay còn đang được nghiên cứu. Riêng đối với thuốc Pioglitazone, cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) không rút thuốc này ra khỏi thị trường, các chuyên gia điều trị ĐTĐ tại Mỹ chỉ khuyến cáo dùng thuốc với liều thấp (15mg uống/ ngày), không sử dụng ở người ĐTĐ trong gia đình đã có người bị ung thư bàng quang. Tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng không có thông báo ngưng lưu hành Pioglitazone.
    Thân!

  • Icon

    Mục tiêu kiểm soát mỡ máu và huyết áp ở bệnh đái tháo đường

    Chào bác sĩ, tôi bị đái tháo đường typ2 kèm theo cả bệnh tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu. Bác sĩ cho tôi hỏi, bên cạnh việc kiểm soát đường huyết, thì chỉ số huyết áp và mỡ máu tôi cần đạt được là bao nhiêu?
    Icon
    Chào bạn,
    Điều trị đái tháo đường là điều trị tổng thể, bên cạnh việc kiểm soát tốt đường huyết, còn cần kiểm soát tốt cả các yếu tố nguy cơ thúc đẩy nhanh sự tiến triển của biến chứng như mỡ máu, huyết áp…
    Mục tiêu cần đạt được đối với việc kiểm soát mỡ máu và huyết áp trong bệnh đái tháo đường như sau:
    - Mỡ máu:
    + Cholesterol Tp ≤ 174 mg/dL (4,5 mmol/L)
    + LDL-c ≤ 97 mg/dL (2,5 mmol/L)
    + Triglycerid ≤ 133 mg/dL (1,5 mmol/L)
    + HDL-c ≥ 39 mg/dL (1mmol/L)
    - Huyết áp: ≤ 130/80 mmHg. Riêng đối với bệnh nhân đã có biến chứng thận thì cần ≤ 125/75 mmHg.
    Chúc bạn sức khỏe!
  • Icon

    Tiểu đường thai kỳ có nguy cơ mắc phải không?

    Tôi nghe nói tiểu đường là bệnh mãn tính, không thể chữa khỏi. Nhưng không hiểu sao lúc mang thai bé thứ nhất tôi bị tiểu đường, mà sau khi sinh xong thì tôi lại khỏi bệnh. Cho tôi hỏi sau này tôi có nguy cơ mắc lại bệnh tiểu đường nữa không?
    Icon
    Chào bạn,
    Đái tháo đường trong lúc mang thai gọi là đái tháo đường thai kỳ. Đây là tình trạng rối loạn chuyển hóa đường huyết xuất hiện trong lúc mang thai, bệnh có thể tự khỏi sau khi sinh. Tuy nhiên, theo thống kê cho thấy có đến 50% thai phụ sau đó sẽ phát triển thành bệnh tiểu đường typ 2; hoặc trong những lần mang thai sau sẽ dễ bị tiểu đường trở lại, càng về sau sự rối loạn càng nặng hơn. Đái tháo đường thai kỳ dễ đưa đến những biến chứng huyết áp cao, đa ối, tỷ lệ mổ lấy thai cao. Về phía bé, thường gây con to > 4kg khiến sinh sinh khó, nhiều sang chấn.
    Vì vậy, bạn nên kiểm tra sức khỏe định kì 6 tháng/ 1 lần, thường xuyên vận động, luyện tập thể dục 30 phút/ ngày, không nên ăn quá nhiều tinh bột, chất béo, chất đường để giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
    Chúc bạn sức khỏe!
  • Icon

    Ăn thực phẩm nhiều chất xơ tốt cho người mắc bệnh tiểu đường?

    Tôi nghe nói ăn thực phẩm nhiều chất xơ giúp giảm cholesterol máu và ổn định đường huyết, rất tốt cho những người mắc bệnh tiểu đường, như vậy có đúng không?
    Icon
    Chào bạn,
    Ăn thực phẩm nhiều chất xơ rất tốt cho sức khỏe đặc biệt là đối với những bệnh nhân bị tiểu đường. Có hai loại chất xơ là chất xơ không hòa tan (có nhiều trong các loại rau xanh, quả, măng...) và chất xơ hòa tan (có nhiều trong vỏ cám của hạt gạo, hạt đại mạch, ngô, hạt lạc, các loại đậu, cùi trắng của quả bưởi, cam, vỏ táo, vỏ nho...).
    Đối với việc giảm cholesterol máu, khi chất xơ không hòa tan hút nước chúng sẽ giữ luôn một phần muối mật, nên kích thích cơ thể tăng cường sản xuất muối mật để bù vào lượng thiếu hụt, vì thế mà tăng sử dụng cholesterol. Lượng cholesterol tích lũy sẽ giảm đi kéo theo lượng cholesterol trong máu cũng giảm. Còn các chất xơ hòa tan tác động lên quá trình chuyển hóa lipid nên giảm nguy cơ xơ vữa động mạch. Các chuyên gia khuyên rằng những người bị tăng cholesterol máu nên tăng lượng chất xơ trong khẩu phần hằng ngày.
    Đối với việc ổn định đường huyết, chất xơ có tác dụng làm hạn chế tăng đường huyết sau khi ăn, nhất là các chất xơ hòa tan do có khả năng tăng tính nhạy cảm của insulin. Đồng thời, nó tham gia chuyển hóa triglycerid nên giúp kiểm soát nồng độ đường trong máu một cách hiệu quả. Đường sẽ được giải phóng từ từ vào máu, từ đó duy trì được nồng độ đường máu một cách ổn định.
    Thân!