Để phòng ngừa biến chứng tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường cần phải kiểm soát tốt đường máu, kiểm soát tốt huyết áp và điều trị rối loạn mỡ máu.
Biến chứng tim mạch là biến chứng nguy hiểm nhất và là nguyên nhân của 65 – 80% các trường hợp tử vong ở bệnh nhân Đái tháo đường (ĐTĐ). Điều đặc biệt là các biến chứng nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não ở bệnh nhân ĐTĐ thường nặng hơn, khó điều trị hơn dẫn đến tỷ lệ tử vong cao hơn so với người không bị ĐTĐ. Tuy nhiên người mắc bệnh ĐTĐ không có nghĩa là chắc chắn sẽ bị các biến chứng tim mạch. Có nhiều biện pháp để phòng ngừa và làm giảm các biến chứng nguy hiểm này. Trong đó có 3 biện pháp cơ bản quan trọng nhất được hội ĐTĐ Hoa Kỳ khuyến cáo gồm:
Kiểm soát tốt đường máu giúp giảm biến chứng mạch máu nhỏ và biến chứng mạch máu lớn. Tương quan giữa tăng đường máu với biến chứng mạch máu lớn không rõ ràng như tương quan giữa đường máu với biến chứng mạch máu nhỏ. Mức độ kiểm soát tốt đường máu trong thời gian 3 – 4 tháng được đánh giá chính xác thông qua xét nghiệm HbA1C. Đây là xét nghiệm thường được làm 2 – 4 lần mỗi năm ở hầu hết các bệnh viện cấp tỉnh tại Việt Nam. Bệnh nhân cần kiểm soát chỉ số này đạt mức dưới 7% để hạn chế các biến chứng trong đó có các biến chứng tim mạch. Trên bệnh nhân đái tháo đường typ 2, nếu HbA1c giảm được 1%, sẽ giúp giảm tới 14% nguy cơ nhồi máu cơ tim và tử vong. Muốn đạt được HbA1C < 7%, bệnh nhân cần kiểm soát tốt cả đường máu lúc đói và đường máu sau ăn 2 giờ.
Kiểm soát tốt đường huyết để phòng ngừa biến chứng tim mạch
Điều trị tăng huyết áp là 1 trong 3 điều trị thiết yếu để ngăn ngừa xơ vữa động mạch và biến cố động mạch vành ở bệnh nhân ĐTĐ. Khoảng 60 – 70% bệnh nhân ĐTĐ có tăng huyết áp. Điều trị tăng huyết áp ở bệnh nhân ĐTĐ cần tích cực hơn người không bị ĐTĐ. Mục tiêu điều trị tăng huyết áp ở bệnh nhân ĐTĐ là đưa mức huyết áp xuống dưới 130/80 mmHg. Lựa chọn thuốc cho nhóm bệnh nhân này thường có sự kết hợp của 2 – 4 loại thuốc hạ huyết áp khác nhau và cần lựa chọn kỹ lưỡng để không gây tác dụng phụ trên tim, thận.
Gần 100% bệnh nhân ĐTĐ có rối loạn mỡ máu. Cũng giống như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu ở bệnh nhân ĐTĐ cần được điều trị tích cực hơn so với người bình thường. Cụ thể mục tiêu tối ưu của LDL-c (cholesterol tỷ trọng thấp, loại mỡ xấu) là < 100 mg/dL, và HCL-c (cholesterol tỷ trọng cao, loại mỡ tốt) > 50 mg/dL ở bệnh nhân nữ và > 40mg/dL ở bệnh nhân nam. Điều trị rối loạn lipid máu trên bệnh nhân ĐTĐ bao gồm thay đổi lối sống (giảm cân, vận động, thay đổi khẩu phần ăn…) và điều trị bằng thuốc (statins, fibrates, nicotinic acide…)
Để phòng ngừa có hiệu quả các biến chứng tim mạch do ĐTĐ cần có sự kết hợp của nhiều yếu tố trong đó không thể không kể đến 3 yếu tố trên. Bên cạnh đó người bệnh cũng có thể lựa chọn cho mình thêm những giải pháp an toàn và tương đối hiệu quả như sử dụng các thực phẩm bổ sung, thảo dược, thực phẩn chức năng… để hỗ trợ điều trị và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Phỏng vấn: Ths. Bs. Nguyễn Quang
Dự án quốc gia phòng chống bệnh ĐTĐ + Biến chứng tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường